Từ khóa: kinh tế ban đêm, phát triển du lịch, tỉnh Bình Thuận

Summary

Binh Thuan is considered a locality with much favorable room for the development of the night-time economy following the general trend of attractive destinations on Vietnam's tourism map. This article reviews some international and domestic experiences in developing the night-time economy, and at the same time, summarizes the potential for developing the night-time economy of Binh Thuan province, thereby proposing the orientation and solutions for developing the night-time economy of this locality until 2030.

Keywords: night-time economy, tourism development, Binh Thuan province

GIỚI THIỆU

Kinh tế ban đêm là bộ phận không tách rời của nền kinh tế và du lịch. Phát triển kinh tế ban đêm sẽ thúc đầy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Tại Bình Thuận du lịch được xác định là một trong 3 trụ cột kinh tế ưu tiên phát triển là: (i) Công nghiệp (tập trung vào công nghiệp năng lượng), (ii) Nông nghiệp (gắn với ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị) và (iii) Du lịch. Là tỉnh có tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là du lịch, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế và du lịch của Bình Thuận chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, việc phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng của địa phương trong bối cảnh hiện nay là tất yếu khách quan và cấp thiết.

ABSTRACT

The night-time economy is an integral part of the economy and tourism. Developing the night-time economy will boost domestic consumption and tourism development. In Binh Thuan, tourism is identified as one of three priority economic pillars for development: (i) Industry (focusing on the energy industry), (ii) Agriculture (associated with high technology applications), creating value chains) and (iii) Tourism. The province has potential for economic development, especially tourism, but the economic and tourism growth rate is not commensurate with the province's potential and advantages. Therefore, developing the night-time economy to promote socio-economic development in general and local tourism development in particular in the current context is objectively inevitable and urgent.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM

Theo Phạm Trung Lương (2022), thì "kinh tế ban đêm" được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra trong giai đoạn từ 18 giờ hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm các dịch vụ về văn hóa (biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc...) vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và các hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Trong không gian của kinh tế ban đêm thường diễn ra các hoạt động chính, như: giải trí ban đêm (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện…), du lịch ban đêm (hoạt động tham quan ở các địa điểm tập trung khách du lịch), dịch vụ ẩm thực ban đêm (nhà hàng, quán bar...), và các hoạt động mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, thương mại…). Kinh tế ban đêm thường phát triển và/hoặc phổ biến hơn ở các khu vực tập trung đông người như khu đô thị và khu du lịch - dịch vụ.

Một số quốc gia tiên phong trong phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới có thể kể đến, như: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Theo Tổ chức London First và E&Y (2018), đến cuối năm 2020, thị trường kinh tế ban đêm của Trung Quốc ước đạt 2.400 tỷ USD với các dịch vụ mua sắm, giải trí trực tuyến, nội dung số... Kinh tế ban đêm cũng tạo ra khoảng từ 3,5-5 triệu việc làm tại các nước Vương quốc Anh, Australia, Pháp, New York (Hoa Kỳ)... (Office for National Statistics, 2022).

Nhìn chung, chính sách quản lý kinh tế ban đêm ở các quốc gia thể hiện sự linh hoạt và đa dạng, cụ thể như:

(i) Về mô hình tổ chức bộ máy quản lý: các quốc gia phát triển kinh tế ban đêm đều phân quyền quản lý hoạt động kinh tế này tới các cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố, cấp quận).

(ii) Về chính sách phát triển dịch vụ giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng hầu hết tại các thành phố trên thế giới khai thác kinh tế ban đêm đều chú trọng mở rộng, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, tăng thời gian phục vụ trong đêm của dịch vụ giao thông công cộng, như: tàu điện suốt đêm, bus đêm, dịch vụ dùng chung xe đạp công cộng…

(iii) Về chính sách hỗ trợ tài chính, các nước đều triển khai chương trình trợ cấp cụ thể đối với các hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ ban đêm, hay quảng bá các hoạt động du lịch về đêm, họ tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh ban đêm bị tác động từ việc giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

(iv) Về chính sách triển khai, quản lý, cấp phép: các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thể thao, giải trí được khuyến khích kéo dài thời gian mở cửa vào ban đêm. Tại nhiều quốc gia (Vương quốc Anh, Hoa Kỳ…), các cơ sở kinh doanh rượu cũng được cấp phép mở cửa suốt đêm; Hoạt động kinh tế ban đêm được nhân rộng mô hình, áp dụng thí điểm tại các khu vực quy hoạch.

(vi) Về chính sách tăng cường nguồn nhân lực: các quốc gia đều có sự chuẩn bị trong dài hạn về chất lượng môi trường làm việc ban đêm cũng như các kỹ năng, khả năng của người lao động khi tham gia nền kinh tế đặc thù này.

Theo Phạm Thị Phương Thảo (2023), tại Việt Nam, kinh tế ban đêm đã được hình thành với một số dịch vụ, hình thức kinh tế đêm phổ biến gồm: các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ, các tuyến phố đi bộ, các tuyến phố dịch vụ ẩm thực, như: Tạ Hiện (Hà Nội) hoặc Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), chợ Âm Phủ, phố đi bộ Hải Phòng, chợ đêm Kỳ Lừa… Một số địa phương là trung tâm du lịch ban đêm, như: Hội An, Nha Trang.

Theo Phạm Trung Lương (2022), kinh tế ban đêm bước đầu đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế các địa phương và một số hoạt động kinh tế đêm trở thành nét văn hóa đặc trưng, quen thuộc của một bộ phận người dân địa phương và là địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch… Tuy nhiên, hiện phát triển kinh tế đêm đối với các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Nhận thức về kinh tế đêm của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân chưa đầy đủ; nhiều địa phương thiếu các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế đêm thông qua cung cấp các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm; Sản phẩm, dịch vụ ban đêm chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là dịch vụ ăn uống tự phát, các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn chưa nhiều, thiếu chuyên nghiệp do chưa đầu tư thỏa đáng; Các chợ đêm hay các khu phố đêm chưa thực sự ấn tượng; nhiều dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí chưa tạo được nhiều cơ hội để khách trải nghiệm vào các hoạt động; các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn; Các địa phương đều chưa có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế đêm trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM CỦA TỈNH BÌNH THUẬN

Bình Thuận hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm như: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ đông, sống tập trung tại các đô thị trung tâm, thời tiết ít mưa, khí hậu ban đêm tương đối dễ chịu tạo nên nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm.

Đặc biệt, Bình Thuận có môi trường chính trị - trật tự an toàn xã hội ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Tỉnh đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận, như: Thương hiệu nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, đồi cát bay Mũi Né, bãi đá Cổ Thạch, Resort - hotel nằm ven biển nhiều nhất, lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân, Rồng xanh dài nhất, tượng Phật Thích ca nhập niết bàn dài nhất, diện tích trồng thanh long nhiều nhất, nuôi trồng tảo quý Spirulina; ẩm thực phong phú; du lịch sinh thái rừng Dầu Hồng Liêm… Song, nhìn chung loại hình, sản phẩm du lịch của Bình Thuận còn đơn điệu, thiếu sự khác biệt, độc đáo. Loại hình du lịch của Bình Thuận phổ biến là du lịch nghỉ dưỡng, tập trung ở Hàm Tiến-Mũi Né, Phan Thiết còn ở các khu vực khác như: Tuy Phong, Hàm Tân, La Gi… chưa phát triển mạnh, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống sản phẩm du lịch còn rời rạc, trùng lặp, chưa đầu tư xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù, chưa phát huy lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Mặc dù du lịch Bình Thuận thời gian qua thu hút lượng khách lớn, nhưng số tiền chi tiêu của du khách rất thấp.

Năm 2023, tỉnh Bình Thuận được vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đây là sự kiện rất lớn và ý nghĩa để ngành du lịch phát triển cũng như nâng cao vị thế của Tỉnh. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, năm 2023, toàn Tỉnh đón 8,35 triệu lượt khách (tăng 46% so với năm 2022), trong đó, khách quốc tế đạt gần 230.000 lượt (tăng 162,35% so năm 2022), doanh thu đạt khoảng 22,3 nghìn tỷ đồng (tăng trên 63% so năm 2022, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng. Vì vậy, để phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch, phát triển du lịch thật sự thành ngành kinh tế mũi nhọn phải đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch hấp dẫn; trong đó phát triển kinh tế ban đêm là một đột phá. Kinh tế ban đêm là cách hiệu quả để giữ chân và tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến với Bình Thuận. Điều này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương mà đóng góp đáng kể cho ngân sách của Bình Thuận.

Kinh tế ban đêm là mô hình mới của Tỉnh, hiện chỉ ở mức độ “manh nha”. Vừa qua, UBND Tỉnh đã ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 (theo Quyết định số 2648/QĐ-UBND, ngày 20/12/2023). Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, xây dựng Phan Thiết - Mũi Né và các điểm du lịch trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu làm việc, vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách; qua đó, thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.

Trong giai đoạn (2023-2025), tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức thực hiện thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại địa bàn TP. Phan Thiết trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm; khuyến khích trong giai đoạn (2024-2025) tổ chức thí điểm kinh tế ban đêm tại huyện Phú Quý. Trên cơ sở đó, tiến hành tổ chức sơ kết mô hình thí điểm tại các địa phương thực hiện kinh tế ban đêm trong giai đoạn (2023-2025). Trong giai đoạn (2026-2030) hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, tập trung phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Phan Thiết; cho phép các địa phương khác chủ động nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế ban đêm rất đa dạng, gồm hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; hoạt động mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm…

Sau khi thí điểm, các hoạt động kinh tế ban đêm cũng được phát triển tại TP. Phan Thiết, ở khu vực dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến (từ Khu du lịch Cà Ty đến Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né), trên trục đường Nguyễn Tất Thành - Lê Duẩn và hai bên bờ sông Cà Ty. Đến năm 2025, mục tiêu tổ chức thí điểm hoạt động phát triển kinh tế ban đêm tại 5 địa phương, gồm TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục mở rộng các địa điểm, khu vực phù hợp như huyện đảo Phú Quý để khai thác hoạt động kinh tế ban đêm (Ngọc Diễm, 2023).

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM CỦA TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2030

Để biến tiềm năng du lịch trở thành thế mạnh của Bình Thuận, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực, hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, theo tác giả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân về vai trò của kinh tế ban đêm đối với phát triển kinh tế và du lịch tỉnh nhà, đặc biệt là trong việc kéo dài ngày lưu trú và tăng chi tiêu của khách, qua đó tăng nguồn thu từ du lịch, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Hai là, trên cơ sở quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh cần triển khai quy hoạch chung xây dựng đô thị phân khu đặc biệt “kinh tế ban đêm” theo hướng biệt lập với các khu dân cư tập trung, nơi tổ chức cung cấp các dịch vụ được xem là “nhạy cảm” hoặc gây âm thanh, ánh sáng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm của cộng đồng. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, cần tham khảo ý kiến cộng đồng để có thể có những điều chỉnh phù hợp, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động kinh tế đến đến văn hóa và cuộc sống của người dân địa phương.

Ba là, có định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm của địa phương, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau và đảm bảo tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của kinh tế đêm. Theo đó, cơ chế, chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm phù hợp với điều kiện và bối cảnh của tỉnh. Khuyến khích được các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào xây dựng và phát triển kinh tế ban đêm, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động kinh tế ban đêm.

Bốn là, cần đa dạng hóa các dịch vụ trong hoạt động kinh tế đêm trên cơ sở khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa và ẩm thực địa phương kết hợp các hiệu ứng ánh sáng hiện đại để đáp ứng yêu cầu khách du lịch và thị trường. Chú trọng xây dựng các chương trình biểu diễn (show diễn) thực cảnh hoành tráng tái dựng lại đời sống văn hóa truyền thống địa phương (như “Huyền thoại Làng chài” tại Phan Thiết) hoặc về những truyền thuyết mang tính lịch sử hay tâm linh và các hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm, tham quan du lịch về đêm.

Năm là, Bình Thuận cần phân cấp và tạo điều kiện cho chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố trong việc chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch theo quy hoạch; thành lập và ban hành các quy chế hoạt động của các tổ chức chuyên trách về quản lý phát triển kinh tế đêm tại cơ sở./.

Tài liệu tham khảo

1. HĐND tỉnh Bình Thuận (2023), Nghị quyết số 54/NQ-HĐND, ngày 10/10/2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Ngọc Diễm (2023), Bình Thuận thí điểm kinh tế đêm tại 2 khu nghỉ dưỡng, truy cập từ https://vnexpress.net/binh-thuan-thi-diem-kinh-te-dem-tai-2-khu-nghi-duong-4642120.html.

3. Office for National Statistics (2022), The night-time economy, UK: 2022.

4. Phạm Trung Lương (2022), Hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch, truy cập từ https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=70535.

5. Phạm Thị Phương Thảo (2023), Định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 7/2023.

5. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

6. Tỉnh ủy Bình Thuận (2021), Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

7. UBND tỉnh Bình Thuận (2023a), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

8. UBND tỉnh Bình Thuận (2023b), Quyết định số 2648/QĐ-UBND, ngày 20/12/2023 ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030.

TS. Hoàng Thanh Liêm - Trường Đại học Yersin, Đà Lạt

TS. Nguyễn Thạnh Vượng - Khoa Du lịch, Trường Đại học Tài chính - Marketing

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)