Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tân Lạc: Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới 2024-2025
Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024
Trong năm học 2023-2024, huyện Tân Lạc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học. Toàn Huyện có 50 trường học từ cấp mầm non đến THCS, mạng lưới các trường học được phân bố đều ở 16 xã, thị trấn. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Nhiều trường đã được cải tạo, xây mới, mở rộng và được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại, như: bảng tương tác, máy chiếu và thiết bị thí nghiệm. Điều này không chỉ cải thiện môi trường học tập cho học sinh, mà còn hỗ trợ đắc lực cho cán bộ, giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc trong các đơn vị, trường học toàn ngành gồm 1.593 người.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo Huyện nói riêng, có thể khẳng định sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Huyện đã duy trì sự ổn định và có những bước phát triển vững chắc, chất lượng giáo dục ở các cấp học ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Trong lĩnh vực giáo dục mầm non, huyện Tân Lạc duy trì 25 trường mầm non và 1 cơ sở giáo dục độc lập, với tỷ lệ trẻ đến trường đạt 75,5%. Trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo phát triển đầy đủ cả thể chất và tinh thần. Các trường tổ chức đa dạng các hoạt động và tích hợp trong các lĩnh vực giáo dục theo các chủ đề; tổ chức ăn bán trú đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dịch bệnh, ngộ độc xảy ra trong nhà trường. Các trường học đã được trang bị máy tính có kết nối internet, được trang bị các phần mềm phục vụ công tác quản lý và dạy học. 25/25 trường mầm non đã tạo được các góc chơi và xây dựng khu vui chơi ngoài trời cho trẻ, như: khu vui chơi phát triển vận động, khu vui chơi với cát nước sỏi, khu vui chơi giao thông, khu chợ quê… Huyện cũng triển khai thực hiện thư viện trường mầm non theo Thông tư số 16/2022/TT- BGDĐT. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% trường tận dụng các góc, hành lang, cầu thang để thực hiện phát triển ngôn ngữ cho trẻ, đã có 11 trường có phòng thư viện riêng. 100% trường tham gia cuộc thi “Xây dựng trường mầm non Xanh - An toàn - Hiệu quả”, đã lựa chọn 1 trường tham dự cuộc thi cấp tỉnh và đoạt giải Ba.
Tổ chức đa dạng các hoạt động và tích hợp trong các lĩnh vực giáo dục theo chủ đề
Giáo dục ở bậc tiểu học cũng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Các mô hình đổi mới giáo dục như: Học bạ số, chương trình học tiếng Anh và Tin học từ lớp 3 đến lớp 5 đã được triển khai rộng rãi, mang lại những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao năng lực học tập và phát triển kỹ năng của học sinh. Những đổi mới này không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức, mà còn phát triển các kỹ năng thiết yếu cho tương lai.
Trao giải cho các dự án xuất sắc tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật và ngày hội Steam dành cho học sinh THCS năm học 2023-2024
Đối với cấp Trung học cơ sở, các trường THCS thực hiện Kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học, các trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, rèn kỹ năng sống; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh... Tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và phụ đạo học sinh yếu kém, từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh; tăng cường các giải pháp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như tham gia, tổ chức các hội nghị tập huấn, triển khai theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT. Chỉ đạo các đơn vị trường học đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đẩy mạnh giáo dục STEAM trong giáo dục phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong năm có 159 giáo viên dạy giỏi cấp huyện (119 giáo viên được bảo lưu); 18 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (8 giáo viên được bảo lưu), 678 học sinh giỏi cấp huyện; 82 học sinh giỏi cấp tỉnh - xếp thứ 2 toàn tỉnh Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS. Thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 xếp thứ 2/10 huyện, thành phố, tăng 1 bậc so với năm trước.
Huyện cũng luôn coi trọng công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Huyện tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập, xóa mù chữ. Công tác xóa mù chữ cho người lớn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, được thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao dân trí trong cộng đồng.
Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo năm học 2024-2025
Năm học 2024-2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ ràng. Các trường học được yêu cầu đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như các phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Đội ngũ giáo viên luôn là yếu tố then chốt trong quá trình cải thiện chất lượng giáo dục. Trong năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc sẽ tập trung mạnh mẽ vào việc đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy cho giáo viên. Điều này nhằm đảm bảo rằng, đội ngũ giáo viên có đủ năng lực và trình độ để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với đó, các khóa tập huấn, hội thảo chuyên môn sẽ được tổ chức thường xuyên để giáo viên được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.
Đầu tư cơ sở vật chất
Phòng tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư, khu/cụm công nghiệp; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiế bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học; huy động các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và của cơ sở đào tạo để đầu tư phát triển học liệu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành về vi mạch bán dẫn và vận hành theo hướng chia sẻ, dùng chung và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư và cơ sở vật chất sẵn có của doanh nghiệp.
Tăng cường giáo dục cho vùng khó khăn
Tân Lạc là một huyện có nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu và các địa phương đặc biệt khó khăn. Do đó, việc đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh ở những vùng này luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục huyện. Năm học 2024-2025, Phòng sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể để tăng cường giáo dục cho học sinh vùng khó khăn, bao gồm việc xây dựng thêm trường học, hỗ trợ chi phí học tập và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh đến trường. Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc…
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính
Phòng chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thủ tục hành chính trực tuyến, toàn trình; sử dụng có hiệu quả chữ ký số, chứng thư số, phần mềm quản lý văn bản điều hành tác nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục và đào tạo.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung; triển khai thực hiện học bạ số đối với tất cả các cấp học…
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngành giáo dục huyện Tân Lạc vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra cho năm học 2024-2025. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương vùng khó khăn luôn là một bài toán khó cần được giải quyết. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, sự đồng lòng của đội ngũ giáo viên, và sự quan tâm của phụ huynh, huyện Tân Lạc có nhiều cơ hội để khắc phục những khó khăn này và tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục theo hướng hiện đại, bền vững.
Với những thành tựu đã đạt được và những kế hoạch cụ thể cho năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc đang nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp cho thế hệ trẻ./.
TH
Bình luận