Sử dụng hiệu quả công cụ tài chính nhà nước góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội
Tóm tắt
Thực hiện công cuộc Đổi mới và tiếp tục hội nhập sâu rộng với cộng đồng kinh tế quốc tế, cùng với việc phát triển các định chế tài chính theo thông lệ thế giới, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động định chế tài chính nhà nước, thực hiện tín dụng cho các chính sách xã hội, cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng khó khăn, yếu thế ở các địa phương. Việc phân tích và đánh giá rõ thực trạng các chính sách tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam triển khai đến hết năm 2022 trong nội dung bài viết có ý nghĩa thiết thực và cấp bách để minh chứng cho nội dung trên.
Từ khóa: tín dụng chính sách, tài chính nhà nước, phát triển bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
Summary
In the implementation of Doi Moi, deeper integration with the international economic community, along with the development of financial institutions following the world practices, the Party and Government of Vietnam established and put into operation the state financial institutions, which provide credit for implementing social policies and provide preferential capital for disadvantaged and marginalized groups in the localities. The article’s analysis and assesment of the current status of preferential credit policies implemented by the Vietnam Bank for Social Policies (VBSP) until the end of 2022 provide urgent and significant evidence for the arguments above.
Keywords: policy credit, state finance, sustainable development, Vietnam Bank for Social Policies
THỰC TRẠNG TÍN DỤNG CHO CÁC CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Kết quả đạt được
Một là, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, giai đoạn 2011-2022, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm, đạt mục tiêu đề ra của Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 (theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ) (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Theo đó, quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 297.223 tỷ đồng đến thời điểm ngày 31/12/2022, tăng 40.818 tỷ đồng, tương đương với tốc độ tăng 15,9% so với cuối năm 2021. Để đạt được kết quả này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thường xuyên quan tâm cân đối, bố trí ngân sách và tập trung các nguồn lực tài chính để thực hiện kịp thời, có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, NHCSXH đã chủ động, tích cực huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, tiếp cận nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế... để tạo lập nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã thể hiện rõ nội dung của Chiến lược, đó là: nguồn vốn hoạt động của NHCSXH chủ yếu do Nhà nước cấp, do NHCSXH huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”. Cụ thể:
- NHCSXH được bố trí đủ nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý; cấp bổ sung vốn điều lệ và vốn cấp thực hiện một số chương trình tín dụng. Giai đoạn 2011-2022, ngân sách nhà nước (NSNN) đã cấp 36.730 tỷ đồng cho NHCSXH, trong đó: cấp bổ sung vốn điều lệ 8.271 tỷ đồng, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách 8.279 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận trực tiếp từ ngân sách trung ương đến hết năm 2022 là 42.581 tỷ đồng, tăng 3.194 tỷ đồng, chiếm 14,3%. Bao gồm: vốn điều lệ của NHCSXH Việt Nam là 22.185 tỷ đồng, tăng 3.163 tỷ đồng; vốn thực hiện các chương trình xã hội là 20.396 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng.
- Nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là điểm nổi bật trong việc tập trung nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong quá trình thực hiện Chiến lược. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/ TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn nhận ủy thác từ ngân sách các địa phương là 30.602 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng, chiếm 10,3%, đạt 178% kế hoạch năm.
- NHCSXH tập trung khai thác các nguồn vốn từ thị trường, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, phát triển một số sản phẩm huy động vốn phù hợp với đặc thù hoạt động của NHCSXH, duy trì nhận tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), không những tăng trưởng nguồn vốn cho vay, giúp người nghèo tạo thói quen tích lũy, mà còn hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Giai đoạn 2011-2022, nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường không ngừng tăng lên.
Đến hết năm 2022, vốn NHCSXH Việt Nam trực tiếp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 55.737 tỷ đồng, tăng 16.507 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,8%. Bên cạnh đó, NHCSXH Việt Nam huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường tiền tệ là 41.018 tỷ đồng, tăng 279 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,8%.
Ảnh minh họa |
Hai là, thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng khó khăn. Cụ thể như sau:
- Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt mục tiêu Chiến lược; nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giai đoạn 2011-2022, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách bình quân đạt 10%/năm, hoàn thành mục tiêu Chiến lược đề ra. Quy mô tăng trưởng dư nợ tín dụng tăng tương ứng với nguồn vốn, từ 89.461 tỷ đồng năm 2010, dến hết năm 2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt 283.348 tỷ đồng, tăng 35.378 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng 14,3% so với năm 2021 với trên 6.550 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.
Kết cấu dư nợ các chương trình tín dụng theo mục đích sử dụng vốn như sau: (i) Tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm. Dư nợ các chương trình này đạt 166.818 tỷ đồng, chiếm 73,7% tổng dư nợ; (ii) Tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt bao gồm: cho vay học sinh sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ nghèo làm nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung, cho vay mua nhà ở trả chậm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Dư nợ các chương trình này đạt 59.379 tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng dư nợ.
- 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp, hoàn thành mục tiêu Chiến lược. Đối tượng phục vụ của NHCSXH trong giai đoạn 2011-2022 liên tục tăng lên. NHCSXH thường xuyên rà soát, báo cáo các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách tín dụng. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm nhiều chương trình tín dụng chính sách mới, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được mở rộng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Ba là, cơ chế giải ngân vốn tín dụng chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong hơn 10 năm qua, NHCSXH đã phối hợp với 04 tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
Đến ngày 31/12/2022, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ ủy thác đạt 281.624 tỷ đồng, chiếm 99,4%/tổng dư nợ, trong đó: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chiếm 38,3%; Hội Nông dân Việt Nam chiếm 30,1%; Hội Cựu chiến binh Việt Nam chiếm 17,1%; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 14,5%. Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 10.435 điểm giao dịch xã, với 168.553 tổ TK&VV còn dư nợ, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Một số khó khăn, hạn chế
Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, tiến độ giải ngân chương trình, cơ chế chính sách. Nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách tuy đã được quan tâm bổ sung hằng năm, nhưng so với nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách khác còn hạn chế. NHCSXH được giao nhiệm vụ, nhưng chưa được kịp thời bố trí đầy đủ nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện.
Cơ cấu nguồn vốn của NHCSXH chưa thực sự hợp lý. Nguồn vốn được NSNN cấp chiếm tỷ trọng thấp (hiện nay chỉ chiếm khoảng 15%/tổng nguồn vốn) (Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, 2022). Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn dài, lãi suất thấp, chiếm tỷ trọng thấp, phụ thuộc vào mức trần nợ công quốc gia, hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hằng năm chỉ được giao tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc. Các nguồn vốn huy động từ thị trường hiện nay không ổn định, nhưng chiếm tỷ lệ cao, tạo áp lực về thanh khoản cho NHCSXH. Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý, kém ổn định, dẫn đến sự thiếu chủ động, khả năng chống đỡ kém trước những cú sốc, biến cố xảy ra trên thị trường tiền tệ.
Thứ hai, lãi suất cho vay một số đối tượng chính sách xã hội từ nguồn tài chính của NSNN còn cao. Cụ thể, lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo của NHCSXH, hiện tại lần lượt đang là 8,25% và 7,92%, tương đương với lãi suất của Vietcombank cho doanh nghiệp vay vốn (NHNN, 2022). Mức lãi suất cao như vậy thì không còn tính chất ưu đãi chính sách xã hội nữa.
Thứ ba, nhiều tỉnh, thành phố chủ động, tự giác, tiết kiệm chi tiêu NSNN hàng năm của địa phương đưa sang NHCSXH ủy thác cho vay một số đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố chưa nhận thức rõ nguồn lực tài chính này, hoặc cân đối ngân sách địa phương khó khăn, không đưa vốn hay đưa không đủ chỉ tiêu.
Thứ tư, còn nhiều đối tượng chính sách xã hội chưa tiếp cận được nguồn lực tài chính từ NSNN thông qua tín dụng ưu đãi.
KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Một là, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá khách quan sự tồn tại của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), đối chiếu với đề án khi quyết thành lập, thực trạng và hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu hiện nay, chi phí hàng năm cho bộ máy và số vốn điều lệ NSNN cấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ phải trả tương ứng với số vốn điều lệ đó, để mạnh dạn có quyết định kịp thời vì hiệu quả chung của nền kinh tế. Giải pháp tối ưu về phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài chính đó là giải thể VAMC.
Hai là, Chính phủ cần chỉ đạo mở ra chương trình cho vay vốn tạo việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế vĩ mô trong tình hình mới, thông qua NHCSXH Việt Nam. NHNN mở rộng kênh tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Ba là, để góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đánh giá khách quan các tổ chức có chức năng hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Theo đó, cần đánh giá về quy mô vốn đã hỗ trợ, mức độ tác động, chi phí hoạt động của bộ máy, trên cơ sở đó có biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả các tổ chức này, tránh phân tán và lãng phí nguồn lực tài chính, thậm chí mạnh dạn giải thể, chuyển một số chức năng sang NHCSXH Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thu gọn bộ máy, chi nhánh, thậm chí nên sáp nhập vào NHCSXH.
Bốn là, cần tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Trong đó: (i) Tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bình quân hằng năm khoảng 10%; (ii) Cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững, hằng năm tăng dần tỷ trọng nguồn vốn có nguồn gốc từ NSNN và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.
NHNN, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 cho các năm 2024-2025 và thường xuyên rà soát, báo cáo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Năm là, để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp, thì NHNN cần khẩn trương đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, để tiếp tục triển khai, đồng thời rà soát, đánh giá lại chính sách này để có phương án phù hợp./.
TS. TRẦN THẾ SAO, ThS. PHAN HỒNG HẠNH
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 08 - tháng 3/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. NHCSXH địa phương (2020-2022), Báo cáo của NHCSXH một số tỉnh, thành phố, tháng 01/2023, bản cứng.
2. Ngân hàng Nhà nước (2020-2022), Website của NHNN Việt Nam https://www.sbv.gov.vn, truy cập các mục tin tức - văn bản.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (2022), Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
4. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 05/QĐ-TTg, ngày 04/01/2023 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
5. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 852/QĐ-TTg, ngày 10/7/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020.
Bình luận