Với kết quả Chỉ số CCHC 2014 vừa được Bộ Nội vụ công bố ngày 04/09 vừa qua, Đà Nẵng đã có năm thứ 3 liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về chỉ số CCHC cấp tỉnh. Kết quả đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hiệu quả từ việc thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai hệ thống chỉ số theo dõi, đánh giá về CCHC.

PAR Index (Public Administration Reform Index – Chỉ số CCHC) là công cụ quản lý quan trọng giúp theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC trên các lĩnh vực cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, CCHC công và hiện đại hóa nền hành chính. Thông qua đó giúp các cơ quan, nhà hoạch định chính sách giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cũng như các tác động đối việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, Thành phố thuộc nhóm các địa phương có các chỉ số tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và CCHC. Kết quả đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hiệu quả từ việc thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai hệ thống chỉ số theo dõi, đánh giá về CCHC.

Trên thực tế, chính quyền Đà Nẵng xem công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ đóng góp cho sự phát triển chung mà trên hết, đó là hướng đến phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Không phải mới đây mà ngay từ đầu năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2014 và đặc biệt là triển khai Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới”.

Theo đó, trong năm 2014, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, quan tâm hơn đến công tác cải cách hành chính qua việc triển khai nhiều giải pháp mới, như: Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã tổ chức “Tuần lễ đến với người nộp thuế”. Kho bạc Nhà nước thành phố xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính đối với kho bạc nhà nước tại các quận huyện. Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của doanh nghiệp.

Một điểm sáng trong công tác cải cách hành chính gắn liền với hỗ trợ doanh nghiệp là cuộc vận động “3 hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) do ngành Nội vụ phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện từ năm 2012.

Theo đó, qua tổng kết 2 năm thực hiện cuộc vận động, đã có tổng cộng 899 thủ tục được thực hiện nhanh hơn với tổng số 392.649 hồ sơ giao dịch hành chính, ước tiết kiệm được cho công dân, tổ chức 312.063 ngày làm việc.

Trong đó, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị đã triển khai 147 thủ tục hành chính với tổng số 26.564 hồ sơ giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí thời gian cho doanh nghiệp ước tính 28.022 ngày làm việc. Đồng thời, đã triển khai 66 giải pháp thân thiện hơn liên quan đến doanh nghiệp.

Chính những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính đã góp phần đưa Đà Nẵng thành địa phương đứng đầu cả nước trong 5 năm liên tiếp về PCI kể từ năm 2010 đến năm 2014 và nhiều chỉ số đánh giá khác, như: chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin…

Trong cuộc họp UBND thành phố trước dịp Đà Nẵng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng vào tháng 04/2015, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, đẩy mạnh cải cách và không ngừng đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính là chìa khóa thành công, làm cho hệ thống chính quyền ngày càng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Lãnh đạo chính quyền thành phố xem công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên trong những năm tiếp theo.

Thậm chí, bí thư, chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng còn khẳng định thành công chính nhờ sự đồng thuận, ủng hộ chính quyền của người dân, doanh nghiệp. Để thay đổi bộ mặt của thành phố như ngày hôm nay đã có hàng trăm nghìn hộ dân phải di dời, giải tỏa, chuyển đến nơi ở mới để dành chỗ cho những công trình, dự án trọng điểm… Đà Nẵng như một đại công trường, việc giải tỏa, đền bù cho người dân về cơ bản được xử lý tốt, tuy nhiên không ít cán bộ, công chức còn thiếu trách nhiệm giải quyết sai sót, chậm trễ, đùn đẩy, kéo dài. Lãnh đạo thành phố khẳng định, cán bộ làm sai phải xin lỗi dân. Muốn giải quyết, chỉ cần đứng về phía người dân thì việc khó mấy cũng giải quyết được./.