4 ngộ nhận về quản lý giá thị trường

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12/2013 chỉ tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 8% được Quốc hội thông qua. Đây cũng là mức tăng CPI thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Kết quả này đã giúp mục tiêu kiềm chế lạm phát đặt ra từ đầu năm của Chính phủ trong năm 2013 hoàn thành.

Tuy nhiên, thị trường giá cả năm 2013 bộc lộ hàng loạt bất cập từ nhiều năm qua mà chưa được khắc phục.

Ngay cả lạm phát thấp như hiện nay cũng không làm cho đời sống người dân tốt lên. Phát biểu trong Hội thảo về diễn biến giá cả thị trường mới đây, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, túi tiền của người dân đang bị eo hẹp lại: “Chúng ta cứ tự hào vì CPI tăng thấp nhưng nhìn lại thì thấy hàng hóa vẫn đứng ở mức giá cao, thịt ở các chợ cóc vẫn là 95.000/kg, thậm chí thịt sạch lên tới 105.000/kg”.

Có thể nói, túi tiền người dân đang bị eo hẹp lại. “Điển hình như việc giá thành mỗi kg đường mà Hoàng Anh Gia Lai làm tại Lào chỉ 8.000 đồng, trong khi hệ thống siêu thị vẫn bán với giá 22.000 đồng. Như vậy, người tiêu dùng đang bị móc túi. Đã đến lúc nhà phân phối và sản xuất cần ngồi lại để phân chia lại lợi nhuận một cách hợp lý, hướng tới chuỗi sản xuất phân phối khép kín và một thị trường minh bạch”, ông Phú nói.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng Báo Nhân dân, hệ lụy của các năm trước trong vấn đề quản lý giá của Việt Nam chính là ngộ nhận lớn về quan niệm của cơ quan độc quyền nhà nước khi coi giá thế giới là giá thị trường và tính giá thị trường bằng chi phí của các doanh nghiệp độc quyền. Điển hình ngay việc điều chỉnh giá điện, EVN cũng nhìn giá điện khu vực đòi tăng giá, đây chính là sự ngộ nhận suy từ lợi ích nhóm để tăng giá.

Thêm nữa, việc cho doanh nghiệp độc quyền tự định giá và cho rằng đó là quy trình thị trường, trong khi thị trường lại không có cạnh trạnh chính là nghịch lý trong quản lý giá của Việt Nam. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ “bình ổn thị trường” mà không kèm theo “bình ổn giá” và áp đặt giá sàn là đi ngược bản chất của bình ổn thị trường.

Mặt khác, việc thả nổi hoàn toàn giá cả hoặc neo giá cố định kéo dài sẽ khiến nền kinh tế, các doanh nghiệp và cả đời sống nhân dân trong nước gặp nhiều khó khăn, làm tổn hại chính sách sản xuất và tiêu dùng, yêu cầu mục tiêu phát triển thực tế khác.

Bên cạnh đó, ổn định giá thị trường bằng độc quyền kinh doanh và duy trì giãn cách giá trong nước và nước ngoài. Thực tế năm 2013 cho thấy, hiện tượng khá mới mẻ trong quản lý giá vàng miếng như một minh chứng tiêu biểu cho ngộ nhận này.

Theo tinh thần của Nghị quyết 24/2012/NĐ-CP, ngày 3/4/2012 của Chính phủ, quản lý kinh doanh vàng miếng ở Việt Nam đang được xiết chặt từ ngày 10/1/2013. Thực tế cho thấy, bên cạnh những mục tiêu kỳ vọng về giảm đầu cơ và tiết kiệm ngoai tệ nhập khẩu vàng, quản lý vàng theo cách thức đã và đang thực hiện từ năm 2013 cũng dễ gây ra những hệ quả mặt trái, nhất là biến mục tiêu chống vàng hóa thành làm tăng tiền tệ hóa vàng và đồng nghĩa các khoản thu nhờ chính sách độc quyền thành lợi nhuận thị trường và các hệ lụy khác…

Ngoài các yếu tố trên, yếu tố tăng giá căn bản và quan trọng nhất có thể đẩy lạm phát tăng lên, làm tăng giá đối với hầu hết các mặt hàng trong nền kinh tế chính là yếu tố tiền tệ liên quan tới thâm hụt ngân sách. Và như vậy, giải pháp kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả là tập trung kiểm soát thâm hụt ngân sách, quản lý luồng tiền và sử dụng tiền phát hành trái phiếu chính phủ và hạn chế phát hành tiền, kể cả gián tiếp cho chi tiêu ngân sách. Nói cách khác, kiểm soát bù đắp thâm hụt ngân sách sẽ giảm gánh nặng cho chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát.

Thận trọng trong điều hành

Về diễn biến giá cả năm 2014, giới chuyên gia dự đoán khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn và nguy cơ tăng giá, đẩy lạm phát tăng cao vẫn luôn tiềm ẩn. PGS, TS. Ngô Trí Long cho rằng, mặc dù CPI đang trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ tăng giá vẫn tiềm ẩn. Bên cạnh thành tựu về kiềm chế lạm phát ở mức thấp vẫn hiển hiện nỗi lo về tình trạng sản xuất đình đốn, đời sống của người dân khó khăn. Thực tế này cho thấy, bản chất của việc CPI giảm là do tổng cầu yếu chứ không phải do năng suất, chất lượng trong sản xuất kinh doanh được nâng lên, giúp chi phí sản xuất và giá thành hạ.

Với tâm huyết xây dựng một hệ thống phân phối, lưu thông hàng hóa minh bạch, bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó giúp kiểm soát giá thị trường, Chủ tịch Hội siêu thị TP. Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, cần sớm xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho nền kinh tế nói chung và kinh tế thương mại nói riêng, bao gồm: đường giao thông, bến cảng, sàn giao dịch hàng hóa, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tuyến phố kinh doanh…

Đây là cơ sở vững chắc để hoạt động giao dịch thương mại trở nên minh bạch, giảm bớt chi phí trung gian và hạn chế tình trạng người sản xuất bị ép giá, không có lợi nhuận; người tiêu dùng lại phải chịu giá cao một cách vô lý, còn lợi nhuận về giá lại rơi vào các tầng nấc trung gian. Mục tiêu của vấn đề này là xây dựng một số chuỗi hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, năng lượng, thuốc chữa bệnh và đưa hàng hóa đi thẳng từ nơi sản xuất đến nơi bán lẻ, hạn chế triệt để những khâu trung gian không cần thiết. Đặc biệt, cần xây dựng các tập đoàn kinh tế đủ mạnh, đóng vai trò "nhạc trưởng" và đủ sức dẫn dắt thị trường nhất là khi có biến động về giá.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng tỷ lệ nghịch với mức lạm phát mục tiêu. Do vậy, trong dài hạn, việc giữ tỷ lệ lạm phát ở mức thấp là thực sự cần thiết. Với tỷ lệ tiết kiệm/GDP hiện tại của nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 29%, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam chỉ vào khoảng 5,9%.

Nếu Việt Nam cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn thông qua tăng đầu tư, lạm phát sẽ gia tăng, đồng thời những cải thiện về tăng trưởng cũng chỉ đạt được trong ngắn hạn và không nhiều.

Muốn đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức cao hơn và bền vững hơn, chẳng hạn ở mức 6,5%, trước tiên, Việt Nam cần đưa tỷ lệ lạm phát xuống mức thấp hơn nữa, khoảng 2-3%. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nền kinh tế phải trả giá trong ngắn hạn bởi khi tốc độ tăng đầu tư giảm xuống dưới mức tăng trưởng GDP và tỷ lệ thu thu/GDP sẽ giảm theo.

Vì thế, để nền kinh tế tránh được những cú sốc, tốc độ tăng đầu tư cần được giảm từ từ, chẳng hạn, duy trì ở mức khoảng 4-5% mỗi năm trong một thời gian.

Khi tốc độ tăng đầu tư thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng, tỷ lệ đầu tư/GDP sẽ giảm xuống và lạm phát cũng sẽ giảm theo, đồng thời tỷ lệ tiết kiệm/GDP và mức tăng trưởng GDP tiềm năng cũng sẽ tăng lên. Khi đạt được mức lạm phát mục tiêu đề ra này, Việt Nam có thể thực thi chính sách duy trì tốc độ tăng đầu tư ngang bằng với tốc độ tăng trưởng tiềm năng tương ứng ở mức 6,5%.../.