Tiếp tục nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến khá thuận lợi
Thanh khoản thị trường chứng khoán tích cực
Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2024 chỉ số VN-Index có xu hướng tăng mạnh so với cuối năm 2023. Tính chung quý I/2024, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.529 tỷ đồng/phiên, tăng 28,2% so với bình quân năm 2023; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 9.698 tỷ đồng/phiên, tăng 48,8%.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 27/3/2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 6,66 triệu tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2023, tương đương 65,2% GDP ước tính năm 2023. Hiện có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán, 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,4 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân tháng 3/2024 là 30.600 tỷ đồng/phiên, tăng 31,4% so với tháng trước; bình quân 3 tháng đầu năm là 23.700 tỷ đồng/phiên, tăng 35% so với bình quân năm 2023.
Hiện có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội |
Liên quan đến diễn biến của thị trường trái phiếu, cập nhật của Bộ Tài chính cho thấy, hiện có 457 mã trái phiếu niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 3/2024 đạt 10.900 tỷ đồng, tăng 16,4% so với tháng trước; bình quân 3 tháng đạt 9.800 tỷ đồng, tăng 49,7% so với năm 2023. Đến ngày 22/03/2024, có 20 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 16.100 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 67,4% (10.900 tỷ đồng), xây dựng chiếm 10,8% (1.700 tỷ đồng); lãi suất phát hành bình quân 10,57%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 4,29 năm; 71,8% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn là 17.600 tỷ đồng, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến ngày 26/3/2024, số mã trái phiếu doanh nghiệp đăng ký giao dịch đã công bố trên Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 943 mã trái phiếu của 270 doanh nghiệp, với giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 657.200 tỷ đồng. Trong đó, đã phát sinh giao dịch của 288 mã trái phiếu của 118 tổ chức phát hành; tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 428.600 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 2.500 tỷ đồng/phiên.
Tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường
Liên quan đến các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, cùng với tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường, cơ cấu lại thị trường, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo..., Bộ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường; đã ban hành 116 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt khoảng 20,1 tỷ đồng.
Đặc biệt, để nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như: FTSE Russell và MSCI, nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.
Liên quan đến định hướng nâng hạng thị trường chứng khoán, khi chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết, để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được". Trong đó: (1) Giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024); (2) Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết, nhằm xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài; (3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; (4) Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường.../.
Bình luận