Không có đề xuất tăng giá điện
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đặng Huy Cường cho biết, hiện chưa có đề xuất tăng giá điện từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo Bộ Công Thương, sản lượng điện tháng 3 ước đạt 10,236 tỷ kWh, tính chung 3 tháng ước đạt 27,859 tỷ kWh, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2012. Tính chung 3 tháng đầu năm ước đạt 25,866 tỷ kWh, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Do vậy, về cơ bản, sản lượng điện đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Mặc dù cân đối trên phạm vi cả nước vẫn đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt nhưng do tình hình thời tiết không thuận nên ngành điện vẫn phải đối mặt với khó khăn đối với sản xuất, cung ứng điện.

Ông Ông Đặng Huy Cường - Cục trường Cục Điều tiết Điệnlực (Bộ Công Thương cho biết: "Về cơ bản, sản lượng điện đáp ứng nhu cầu tiêu dùng".

Đầu tiên là lượng nước thiếu hụt tại các hồ thủy điện do xả nước phục vụ nông nghiệp. Theo tính toán của EVN, các hồ thủy điện không tích đầy hồ vào cuối năm 2012, dẫn đến sản lượng điện thiếu hụt ít nhất khoảng 1,43 tỉ kWh.
Trên cơ sở tính toán cung - cầu điện năm 2013, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tiếp tục thực hiện các giải pháp cân đối các nguồn điện hợp lý. Trong đó đẩy mạnh tiết kiệm, có biện pháp đảm bảo cung ứng điện trong cao điểm mùa khô, đáng chú ý phải tính tới huy động cả nguồn điện giá cao chạy bằng dầu nếu cần thiết.
Tuy nhiên, sản xuất điện phải điều tiết để vừa đảm bảo nguồn cho kinh tế và sinh hoạt người dân, vừa hỗ trợ cho thủy điện, đồng thời cân đối nguồn khí cho sản xuất đạm và cho sản xuất điện nhằm đảm bảo hợp lý cung cầu cả 2 sản phẩm thiết yếu này.
"Ba tháng tiếp theo cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo tập đoàn PVN và Vinacomin đảm bảo ổn định việc vận hành tin cậy các nhà máy điện, nếu cần sẽ huy động các nguồn điện giá cao," ông Cường nói.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, thỏa thuận với khách hàng bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý và khai thác các nguồn điện dự phòng tại chỗ (nếu có).
Theo ông Đặng Huy Cường, nếu làm tốt các giải pháp trên sẽ giảm được nguồn điện đắt tiền, đồng nghĩa giảm áp lực tăng giá điện.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cũng cung cấp các thông tin liên quan đến các dự án điện BOT, trong đó có 3 dự án đang được triển khai là Nghi Sơn 2, Mông Dương và Hải Dương.
Theo Tổng cục năng lượng thì các chủ đầu tư sẽ phải huy động 2 tỷ USD để triển khai ba dự án trên. Đồng thời, đầu vào sẽ phải sử dụng than nhập khẩu. Do vậy, đại diện Tổng cục năng lượng cũng kiến nghị Bộ Tài Chính cần xem xét cho chủ các dự án trên được bảo lãnh ngoại tệ nhằm thuận lợi hơn cho việc đàm phán.
Sẽ công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hàng tháng
Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định 84/CP-NĐ trình Chính phủ trước 30/6. Hiện Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo để tiếp thu ý kiến và công khai lấy ý kiến của người dân, trong đó có nội dung quan trọng như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu…
Về vấn đề không thông báo trước việc tăng – giảm giá xăng dầu, theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, là “hoàn toàn theo quy định hiện hành”, việc giá xăng bất ngờ tăng vào tối ngày 28/3 vừa qua là để chống đầu cơ, tránh tình trạng gom hàng trục lợi đợi thông tin tăng giá và thông tin tăng, giảm giá xăng là "tài liệu tuyệt mật".
Song theo Vụ trưởng, khi xem xét sửa đổi Nghị định 84 sau này, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ có tính đến việc thông báo công khai các số liệu này. Còn hiện nay, trong một vài trường hợp một số tổ chức, cá nhân đã nghe ngóng thông điều hành giá xăng dầu và lợi dụng đầu cơ, tạo sự khan hiếm xăng dầu trong thị trường.
Ông Võ Văn Quyền cũng khẳng định, không có quy định nào trong luật pháp cho phép tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu. "Đây chỉ là một trong những nguyên nhân của quyết định tăng giá lần này, chứ không phải duy nhất" - ông Quyền nói.
Đề cập tới việc điều hành kinh doanh xăng dầu, ông Quyền nhấn mạnh tùy vào tình hình kinh tế - xã hội, liên bộ sẽ có những điều chỉnh thích hợp. "Trước thời điểm tăng giá ngày 28/3, chúng ta đang sử dụng quỹ bình ổn để đảm bảo bình ổn kinh tế vĩ mô, chống lạm phát. Nếu không ngăn chặn xuất lậu xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực của xã hội" - ông cho biết./.