Người tiêu dùng mất lòng tin

Những năm gần đây, các cơ quan quản lý dù rất cố gắng với nhiều giải pháp, nhưng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta vẫn tăng cao về cả số lượng và mức độ.

Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y; bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc...

Hậu quả của tiêu dùng thực phẩm không an toàn, theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, quý I/2015, trên địa bàn cả nước xảy ra 23 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 789 người bị ngộ độc, trong đó 6 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn hậu quả do hóa chất bảo quản, tẩm ướp, chất kích thích tăng trưởng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật phát tác lâu dài, thì khó mà tính cho được. Giờ đây, thường có sự liên tưởng về tình trạng thực phẩm mất an toàn, nhiễm các loại hóa chất độc hại, với tỷ lệ người mắc các loại ung thư đang gia tăng nhanh chóng ở nước ta.

Thực phẩm bẩn tràn lan, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Bởi ngay cả rau củ gọi là an toàn, có tem - nhãn trong siêu thị và được tiếng là những địa chỉ kinh doanh văn minh, có khả năng kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa mà còn bị “trộn”, thì ai có thể bảo đảm được những thứ bày bán ở chợ có chất lượng như thế nào.

Người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin về chất lượng hàng hóa nông sản thực phẩm. Còn những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh cũng nản lòng vì thực phẩm bẩn - sạch lẫn lộn.

Cần nâng cao đạo đức kinh doanh

Mấu chốt của vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là trách nhiệm và đạo đức từ phía doanh nghiệp. Bởi, mặc dù có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, nhưng những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn ngày càng trầm trọng. Thêm vào đó, hiện nay lực lượng thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế, trong khi đó số cơ sở sản xuất thực phẩm của nước ta lại quá lớn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì vấn đề tự ý và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng thực phẩm. Chỉ khi nào nhà sản xuất có đạo đức kinh doanh, khi đó mới không còn những thực phẩm nhiễm khuẩn, mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Dĩ nhiên để làm được điều đó không thể thiếu được vai trò của cả xã hội, của các cơ quan truyền thông và nhất là sự hỗ trợ của Nhà nước. Xã hội và cơ quan truyền thông phải tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp tự nhận thức được rằng trách nhiệm với cộng đồng là hành vi đạo đức tự thân của doanh nghiệp, nó được điều khiển bằng chính động cơ đạo đức của doanh nghiệp.

Mặt khác, để khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, thì thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ không thể tồn tại.

Trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (từ 15/4-15/5), rất nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng chủ đề “Giữ vững cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp với vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, hành động vì an toàn thực phẩm cần phải được doanh nghiệp thực hiện thường xuyên, liên tục và thực chất. Nếu không đây chỉ là hình thức và cuối cùng vẫn như “muối bỏ bể”./.

Nguồn:

http://vov.vn/xa-hoi/an-toan-thuc-pham-can-dao-duc-kinh-doanh-144728.vov

http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/thucpham/canquiuocdaoduc.htm