Khó triển khai do thói quen của người tiêu dùng

Thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng, rà soát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xăng dầu, tăng cường quản lý nhà nước và điều hành thị trường xăng dầu. Theo Quyết định này, kể từ tháng 12/2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng sinh học E5.

Nhưng trên thực tế, kết quả thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu của Lộ trình. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, là địa phương quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện Lộ trình của Thủ tướng Chính phủ, song, kết quả cũng còn rất hạn chế.

Tại cuộc họp với các đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu về việc triển khai lộ trình phân phối xăng sinh học E5 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngày 04/08/2015, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đến ngày 30/11/2015, Thành phố phấn đấu sẽ có 514 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn (100%) tham gia phân phối xăng sinh học E5 và xăng A92 có thể sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn tại Thành phố.

Tuy nhiên, sau 7 tháng (từ tháng 01-07/2015) triển khai thí điểm, sản lượng tiêu thụ xăng E5 bình quân đạt 4.523 m3/tháng, chỉ chiếm tỷ trọng 3% trong tổng sản lượng các loại xăng dầu cung ứng của Thành phố.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng tiêu thụ xăng còn “èo uột” trên toàn quốc là do, người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng xăng A92, hơn nữa, giá xăng sinh học E5 chỉ thấp hơn xăng A92 vài trăm đồng. Điều này cũng xuất phát từ việc công tác thông tin, tuyên truyền còn yếu. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa tích cực, số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán xăng E5 còn thấp.

Việc sản xuất, phân phối xăng sinh học E5 còn một số khó khăn, như: hệ thống phân phối xăng sinh học E5 chưa được vận hành tốt, có thời điểm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã gặp khó khăn về xuất bán xăng sinh học E5; hiệu quả kinh doanh xăng sinh học E5 chưa cao, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đẩy mạnh cung ứng xăng sinh học E5; một số địa bàn tiêu dùng xăng sinh học E5 xa điểm cung cấp; chênh lệch giá bán xăng sinh học E5 và các loại xăng khoáng còn thấp chưa thực sự khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất, phối trộn, phân phối và sử dụng xăng sinh học theo lộ trình đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 31/08/2015 về việc tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình truyền thông cấp quốc gia khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5, E10 nói riêng. Trong đó, cần làm rõ lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học, khẳng định về chất lượng, kỹ thuật để người tiêu dùng yên tâm sử dụng nhiên liệu sinh học.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông về nhiên liệu sinh học trong các cơ quan, hướng dẫn cụ thể theo hướng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước bắt buộc sử dụng xăng E5 cho các phương tiện vận tải đường bộ khi trên địa bàn có đủ nguồn cung.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở đối với nhiên liệu sinh học (trước mắt là xăng E5, E10), hướng dẫn việc quản lý, trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với nhiên liệu sinh học (trước mắt là xăng E5, E10) để thực hiện Lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu đãi về thuế đối với nhiên liệu sinh học và ethanol nhằm giảm giá thành xăng E5, E10, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng E5, E10.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng E5, mục tiêu đến 30/11 đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình tại 8 địa phương là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu bán xăng E5./.

Xăng sinh học E5 giúp tăng hiệu suất cháy, giảm hiện tượng kích nổ, làm cho động cơ vận hành êm và tăng tuổi thọ động cơ. Ngoài ra, xăng E5 có lượng khí thải ít hơn xăng truyền thống khi đốt cháy nên giúp giảm hiệu ứng nhà kính, an toàn với môi trường.

Xăng E5 hay xăng E10 đã được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… và châu Âu. Nhiều nước ở Tây Âu đã tiêu thụ xăng E5 từ những năm 1970. Hiện nay, Mỹ là thị trường có mức tiêu thụ lớn nhất và đòi hỏi công nghệ cao nhất trên thế giới. Hầu hết các cây xăng tại Mỹ đã dùng xăng E10 và xăng E15.