Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là một dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Dự án Luật được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật... Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024.

Đặc biệt, nhằm bảo đảm và nâng cao vai trò, vị trí của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, Luật đã bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng như: quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Cùng với đó, nhằm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, Luật bổ sung một số nghĩa vụ như: tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay
Cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin về người tiêu dùng

Đồng thời, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện rõ vai trò của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đó, Luật bổ sung khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bên cạnh chính sách trên, các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua cũng được tích cực thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý các hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với 151 hồ sơ. Tiến hành kiểm tra hoạt động tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của 5 doanh nghiệp, cho tới thời điểm hiện nay đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt khoảng 500 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã hoàn thành kiểm tra 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, xử phạt hành chính 6 doanh nghiệp và 1 người tham gia vi phạm, với tổng số tiền phạt 1,29 tỷ đồng; tiếp nhận và xử lý trên 140 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, hiện nay, người tiêu dùng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn như: bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử.

Vì vậy, trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) năm 2023, cần phải chú ý điều tiết sự tác động của thông tin mạng, nhằm đáp ứng với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin về mình; đồng thời họ phải nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Tiếp đó, phải thực hiện kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch đúng với các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; sử dụng hợp pháp và khai thác hiệu quả dữ liệu thông tin. Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử cũng cần được áp dụng mức độ bảo vệ tương đương các giao dịch truyền thống.

Nếu phát hiện vi phạm cần áp dụng các chế tài xử phạt và tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.