Thông tin trên được ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đưa ra tại cuộc gặp với báo chí dịp cuối năm 2013 một lần nữa lại dấy lên những lo ngại không chỉ về vấn đề viện phí mà cả những băn khoăn về chất lượng khám – chữa bệnh liệu có “song hành” tăng lên?

Như vậy, viện phí sẽ xây dựng tăng theo hướng chi phí phụ cấp thường trực của nhân viên y tế được tính vào giá ngày, giường điều trị nội trú; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được tính vào giá của từng phẫu thuật, thủ thuật.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay khoảng 67% dân số Việt Nam có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng số tiền người dân chi trả cho y tế từ tiền túi còn cao, chiếm đến 50%. Như vậy, việc tăng viện phí nói trên sẽ “đánh” trực tiếp vào túi tiền của người dân.

Theo Trung tâm nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng, mỗi năm, Việt Nam có hơn 560.000 gia đình rơi vào cảnh nghèo đói do phải tự chi trả viện phí.

Thế nhưng trong tình trạng dân nghèo hóa vì tiền viện phí cao thì quỹ bảo hiểm lại có kết dư, không sử dụng hết.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ năm 2010 đến 2013, Quỹ Bảo hiểm y tế đã kết dư 15.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2013, mặc dù viện phí tăng và 30 địa phương bội chi nhưng quỹ vẫn kết dư trên 2.000 tỷ đồng. Rõ ràng, Quỹ Bảo hiểm y tế là do người dân đóng, nhưng khi kết dư lại chưa được tái sử dụng để phục vụ người bệnh.

Còn chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế lại chưa đáp ứng hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Trước đó, từ ngày 1/8/2012, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã áp dụng giá viện phí mới, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương đã triển khai đầu tiên. Thu viện phí theo hướng đủ 7/7 yếu tố cấu thành, trong đó có tiền lương, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật...

Khi tăng viện phí, Bộ Y tế đã hứa, sẽ khiến cho người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn (do bệnh viện có kinh phí để phục vụ), nhất là với đối tượng có bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, sau nửa năm tăng viện phí, sáng 14/1/2013, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế có buổi làm việc tại Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh. Tại đây bà đã tận mắt chứng kiến cảnh ngộ bệnh nhân chui từ gầm giường chào Bộ trưởng.

Trong khi đó, sau nửa năm tăng viện phí, thực trạng khám chữa bệnh ở một số bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi… dường như chưa có gì thay đổi.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu sức khỏe và công bằng, cần phải đổi mới hệ thống y tế, sử dụng các phương pháp hệ thống có khả năng hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới năng lực và hoạt động của 6 thành phần trong hệ thống y tế gồm: quản trị, cung cấp dịch vụ, tài chính, nguồn nhân lực, thông tin và các sản phẩm y tế.

Cải thiện chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, trong đó tập trung đặc biệt tới người nghèo, cận nghèo, người dân vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc thu - chi sau khi tăng viện phí, để chất lượng khám chữa bệnh thực sự được cải thiện trên thực tế. Cùng với đó cần sớm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, để người nghèo không rơi vào cảnh cùng quẫn khi mắc bệnh hiểm nghèo./.