Với lần trở lại này, tại sao lại là thơ chứ không phải tiểu thuyết như đã thành thông lệ?

Tính từ khi chấp bút quyển sách đầu tay, tôi đã có năm năm theo nghiệp viết. Tôi đã trải qua những ngày viết bình thản mà không phải áp lực mình sẽ trở thành người như thế nào, có giúp mình được biết đến nhiều hơn không, chỉ đơn thuần ghi lại trải nghiệm riêng. Cũng chính vì vậy nên tôi chọn thơ, không nghĩ phá cách hay lột xác, chỉ là nhân sinh quan ở thời điểm này phù hợp để trải lòng thành thơ.

Dường như sau ba tiểu thuyết, nỗi ám ảnh về thời gian vẫn tiếp tục ngự trị trong tập thơ lần này?

Mỗi người viết đều có một ám ảnh riêng, còn tôi hễ viết thì đều nằm trong vòng quẩn quanh so sánh chuyện xưa với chuyện nay. Tôi chưa bao giờ sợ tuổi già, chỉ do con tim qua ngày còn mỗi đập thình thịch chứ chẳng rung động, rồi dần nhiều việc mình tưởng nhớ như in mà lại quên béng, kỷ niệm cứ mờ trân qua từng năm, điều đó làm tôi khiếp sợ thời gian vô cùng tận.

“Hoa hồng nhung màu đỏ

Cẩm tú cầu màu xanh

Ái ân là mù quáng

Loài người bị thôi miên

Lẽ nào em chẳng biết

Nụ già sẽ giết chồi non

Tình trong như đã hóa thiên thu buồn”

Tôi thấy mình giờ như lâm vào cảnh trả nghiệp con chữ, những thứ mình từng viết lần lượt hóa thành bao hỉ nộ ái ố mà mình phải cám cảnh. Lúc trước, tôi viết về xa cách, chia ly, người bỏ người, cứ tỉnh bơ, có bao giờ thấu cho tâm can nhân vật, có bao giờ hiểu rồi có một ngày khi tuổi trẻ “bay màu”, mình sẽ phải bước qua những chương đời mới và mãi mãi đoạn tuyệt với thời hoàng kim xưa cũ.

Với tập thơ lần này, dấu vết thời gian vẫn hiện hữu, nhưng tôi không còn tỉ tê những điều tiêu cực, đi sâu khám phá các ngóc ngách nội tâm, có chai sạn nhưng không quá ưu tư, qua đó tạo tác nên những vần thơ dễ cảm hơn với người đọc.

“Tôi tự bảo quyết chí đi xa

Nào lê la đã nư trở về

Chỉ cần xa hơn những gì từng biết

Không còn vương vấn với người mình yêu

Dẫu lên B’Lao hay xuống Đ’Ran

Fi Nôm hay Ka Đô chẳng màng

Chừng bốn trăm dặm ngược về phương Bắc

Cũng đủ mệt lả, bớt đắng, bớt cay”

Đọc Tập làm thơ, có cảm tưởng mỗi bài thơ như những khung hình?

Mỗi khung hình đánh dấu cho một điểm mốc hóa thành vĩnh cửu, còn con người ngày một đi xa đến mức lạ hoắc, qua mỗi phút giây nhích thêm một chút về miền xa lạ, xa như cái cách mà người ta rời khỏi những khung hình.

“Dưới giàn hoa

Đẹp nên trong khoảnh khắc

Ngẫm lâu rồi

Tôi và đời cũng qua”

Tôi đúng là người hay nhìn về chuyện xưa, nhưng chỉ nhìn thôi, không sống trong đó. Có một thời gian, tôi luôn nghĩ một tình bạn đẹp, hay một tình yêu đẹp, phải kéo dài mãi mãi, nhưng tất nhiên làm gì có chuyện đó. Tôi buồn nhiều vì những thoái trào như thế, khi chứng kiến chúng ta dần thành ra tệ hại trong mắt nhau, quan trọng là mình có chấp nhận được những vô thường đó hay không mà thôi.

Nói như vậy để thấy rằng, quan niệm đó gần như đã trở thành cảm hứng sáng tác chủ đạo trong tập thơ. Không dông dài, trách người xong trách mình, hay dụng công xây dựng nên các biểu tượng, tôi chỉ lưu lại từng khoảnh khắc của xúc cảm như người thợ chụp ảnh, gợi tả và không phán xét, còn việc cảm nhận ra sao nằm ở tâm hồn người cảm thụ.

“Lắp ghép từng mảnh vỡ thời gian

Anh vá lại thời trinh nguyên đon đả

Khoác áo choàng lên vong thân trần trụi

Anh náu mình dưới mí mắt em sâu”

Tuyên bố ngừng viết ngay khi các tác phẩm của mình đang dần được mọi người công nhận, bạn có tiếc không?

Không phải ai sinh ra cũng đi đến cùng với điều mình lựa chọn. Đến giai đoạn nào đó, những mối quan tâm sẽ khác. Tôi nghĩ bất cứ người viết nào, hay bất cứ cá nhân nào, ít nhiều đều từng trải qua cảm giác này, chỉ khác nhau ở chỗ người ta có tìm ra được lối thoát, truy ra được sứ mệnh mình thật lòng muốn đeo mang hay không.

Viết là chuyện không thể cưỡng cầu, nghiệp chữ nghĩa đến với tôi một cách tự nhiên sau cơn bạo bệnh của nhiều năm trước, giờ rời đi cũng là lẽ thường. Tôi không chắc sau này còn hứng thú viết không, nếu còn duyên chắc chắn sẽ bén, nhưng rõ ràng hiện tại như lòng sông gặp hạn, ngày một khô rang trên trang giấy không hàng.