Kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh dù "sóng gió" chứng khoán

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim vừa cho hay các nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh, bất chấp việc thị trường chứng khoán nước này lao dốc trong thời gian gần đây.

Phát biểu trong chuyến công du Bắc Kinh, ông Jim Yong Kim nhận định Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thực hiện những cải cách đáng kể nhằm mang lại cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội một cơ hội thụ hưởng sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Bên cạnh đó, ông Jim Yong Kim cho biết các lãnh đạo Trung Quốc đã rất kiên trì trong nỗ lực tiếp tục thực hiện những cải cách tài chính và tài khóa để chuyển đôi mô hình tăng trưởng.

EU thông qua khoản vay hơn 7 tỷ Euro dành cho Hy Lạp

Ngày 17/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua khoản cứu trợ ngắn hạn trị giá 7,16 tỷ Euro (7,8 tỷ USD) cho Hy Lạp để giúp nước này trả các khoản vay lớn cho các chủ nợ quốc tế vào đầu tuần tới. Trong khi đó, gói cứu trợ thứ 3 cho Xứ sở thần thoại vẫn đang được thảo luận.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Ủy viên châu Âu phụ trách đồng Euro Valdis Dombrovskis cho biết 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí cung cấp cho Hy Lạp khoản vay trên thông qua Quỹ bình ổn tài chínhchâu Âu (EFSF), cho dù trước đó đã gặp phải phản đối mạnh mẽ từ Anh và các quốc gia khác ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Dự kiến, khoản vay trị giá 7,16 tỷ Euro này sẽ giúp Hy Lạp thanh toán ngay cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khoản nợ trị giá 4,2 tỷ Euro sẽ đến hạn vào ngày 20/7 tới, đồng thời giúp Athens giải quyết phần nào việc chậm thanh toán 2 tỷ Euro tiền nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

EU-ASEAN tăng cường tiếp cận thị trường đầu tư thương mại

Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) - tiếng nói của doanh nghiệp châu Âu tại Đông Nam Á, vừa ra mắt báo cáo nghiên cứu tiếp cận thị trường ASEAN, khuyến nghị tăng cường tiếp cận thị trường cũng như gia tăng thương mại và đầu tư giữa châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong tuyên bố đưa ra ngày 16/7, Hội đồng EU-ABC cho biết châu Âu là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của khu vực Đông Nam Á và báo cáo này nghiên cứu các biện pháp để mở cửa thị trường hơn nữa phù hợp với Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Trước hết, báo cáo đề cập việc loại bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại, nêu bật các vấn đề vướng mắc như thủ tục hải quan rườm rà với sự hài hòa không đáng kể trên toàn ASEAN, và các ứng dụng không thể đoán trước được của các quy định và thủ tục, ảnh hưởng đến khả năng doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư dài hạn.

Các vấn đề khác bao gồm sự hạn chế về quyền sở hữu và cạnh tranh nước ngoài, và việc thiếu các tiêu chuẩn hài hoà hoặc thiếu sự công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn trên toàn khu vực.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 16/7 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển tại châu Á trong hai năm 2015 và 2016 từ mức ước tăng 6,3% xuống lần lượt là 6,1% và 6,2%.

Trong báo cáo cập nhật về "Triển vọng Phát triển châu Á 2015", ADB cho rằng kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á.

Những nước trong diện được điều chỉnh bao gồm 45 quốc gia thành viên của ADB, trừ các quốc gia công nghiệp đã phát triển như Nhật Bản./.