Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” năm 2008 đã đưa Việt Nam và Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của nhau và chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023 được xác định là “dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước” đang mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế lớn hơn, thực chất hơn trong thập kỷ tới. Việc nhận diện và sớm bối cảnh và cơ hội hợp tác mới, trên cơ sở đó đề ra các định hướng chính sách, giải pháp giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả cơ hội, hạn chế thách thức trong hợp tác với Trung Quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc:  Bối cảnh mới và những dư địa cần khai thác
Chiều 12/12/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc Tập Cận Bình

NHỮNG DẤU MỐC LỚN VỀ KẾT NỐI KINH TẾ

Hơn 30 năm qua, hợp tác kinh tế song phương, nhất là lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Ngay từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và từ đó đến nay, quốc gia láng giềng này luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 4 trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia.

Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Kể từ đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng, cụ thể: năm 2019 đạt 111,86 tỷ USD, năm 2020 đạt 133,l tỷ USD và những năm đại dịch covid-19 cũng đạt mức cao, với 165,88 tỷ USD năm 2021, và 175,56 tỷ USD năm 2022; năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trung Quốc nhiều năm gần đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt nam, sau Mỹ. Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD), trong đó, có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng dương trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm. Với mặt hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,7% lượng hàng xuất ra nước ngoài; xuất khẩu vải thiều chiếm 90%; thanh long chiếm hơn 80%; cao su là 71% và Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng trưởng đột biến trong năm 2023, nổi bật là sầu riêng đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 5 lần so với năm 2022.

Về đầu tư, vốn FDI của Trung Quốc tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay tăng trưởng nhanh liên tục. Lũy kế đến 20/11/2023, tổng số dự án FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 4.161 dự án (đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ), với tổng số vốn hơn 27 tỷ USD (đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ), bình quân mỗi dự án khoảng 6,50 triệu USD/dự án, thấp hơn bình quân của toàn quốc (8,56 triệu USD/dự án). Riêng năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại nước ta. Về lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành, lĩnh vực, nhưng tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực chế biến, chế tạo với 2.202 dự án, tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, chiếm 78,7%. Về địa bàn, doanh nghiệp Trung Quốc có mặt tại 56/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam; dẫn đầu là Tây Ninh với 89 dự án, vốn đăng ký 5 tỷ USD, chiếm 19,7%; Bắc Giang 151 dự án, vốn đăng ký 2,18 tỷ USD; Bình Thuận 10 dự án, vốn đăng ký 2 tỷ USD.

Một số dự án lớn, điển hình của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam như: Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (1,5 tỷ USD) – ngành nghề về Công nghệ tế bào quang điện; Tập đoàn Deli (Trung Quốc) đầu tư 400 triệu USD, tại tỉnh Hải Dương - Khu công nghiệp (KCN) Đại An mở rộng; Công ty BoViet - công ty con thuộc Tập đoàn BoWay (Trung Quốc) - vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD dự kiến sẽ thu hút khoảng 4.000 lao động, ngành nghề: sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; Công ty Innovation Precision Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology Trung Quốc) - xây nhà máy hợp kim nhôm tổng vốn 165 triệu USD tại KCN VSIP Nghệ An; Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu USD ở Nghệ An. Ngoài ra, Việt Nam có 7 KCN, KCX do các nhà đầu tư Trung Quốc làm chủ đầu tư, hiện các KCN này đều đang hoạt động ổn định và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Cùng với hợp tác thương mại, đầu tư tăng trưởng nhanh, hợp tác địa phương, hợp tác năng lực sản xuất, kết nối hạ tầng giữa hai bên cũng ngày càng hiệu quả hơn. Năm 2017, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế thương mại, kết nối năng lực sản xuất… Theo đó, đến nay hầu hết các cửa khẩu quốc tế của hai bên đã được kết nối bằng đường cao tốc. Về đường sắt, cuối năm 2017 đã khai trương hai tuyến tàu chở hàng bằng container Hà Nội - Đồng Đăng đến Quảng Tây, Giang Tây của Trung Quốc và từ Hải Phòng đi Vân Nam, góp phần rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển (tuyến Hà Nội đi Quảng Tây, Giang Tây có hành trình 4 ngày, trong khi vận chuyển bằng đường biển mất 15 ngày). Các tàu hàng này chở sản phẩm nội thất văn phòng, thực phẩm, phụ tùng linh kiện ôtô, hàng điện tử, hoa quả trên container lạnh, phân bón từ Trung Quốc về Việt Nam và chở nông sản, khoáng sản, sản phẩm điện tử... Việt Nam sang Trung Quốc. Chỉ trong ba năm (2016-2018), đã có 3 cặp cửa khẩu phụ được nâng cấp lên thành cửa khẩu chính (Chi Ma (Lạng Sơn) - Ái Điểm (Trung Quốc); Xín Mần (Hà Giang) - Đô Long (Trung Quốc); Sóc Giang (Cao Bằng) - Bình Mãng (Trung Quốc).

Một điểm đáng chú ý nữa là, trong khoảng hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã tham gia hầu hết các sáng kiến hợp tác, kết nối khu vực do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), Hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC)… Năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết và bước đầu triển khai thực hiện Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Theo đó, hai bên cam kết hợp tác, kết nối trên năm lĩnh vực gồm: kết nối chính sách, hợp tác đầu tư và kết nối hạ tầng, kết nối thương mại, kết nối tài chính và kết nối con người. Tháng 12/2023, nhân chuyến thăm Việt nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của hai nước đã ký 36 văn kiện hợp tác, trong đó có “Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và con đường”.

Trong khung khổ BRI, từ năm 2017, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai Tuyến vận tải hàng hóa quốc tế hướng Nam Trung Quốc - Singapore, sau đó đổi tên thành Tuyến hành lang quốc tế mới về thương mại trên bộ, trên biển (dưới đây gọi là Tuyến hành lang mới). Đây là tuyến vận tải kết hợp đường sắt, đường biển từ Trùng Khánh qua Quý Châu, Quảng Tây và theo hướng biển đến các cảng quan trọng của một số nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Theo đường bộ qua Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, đến Singapore. Hiện tại, trên Tuyến hành lang mới đoạn từ Trùng Khánh qua Việt Nam có ba loại hình vận tải kết hợp giữa đường bộ, đường sắt, đường biển có thể kết nối đến các cảng của Trung Quốc (như Phòng Thành, Khâm Châu ở Quảng Tây) và các cảng của Việt Nam (như Hải Phòng). Xe hàng hóa xuất phát từ Trùng Khánh chỉ mất khoảng 3 ngày là tới Hải Phòng. Từ năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải, logistics của Trung Quốc và Việt Nam như: Công ty TNHH logistics quốc tế ASEAN - Trùng Khánh, Công ty TNHH quản lý chuỗi cung ứng Yuxinou Trùng Khánh, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco); Công ty quốc tế Delta… đã vận tải liên vận hàng trăm nghìn container hàng hóa từ Trùng Khánh qua Việt Nam đến các nước ASEAN và từ Việt Nam qua Trung Quốc đi nước thứ ba (châu Âu, Nga, các nước Trung Á, Mông Cổ…).

BỐI CẢNH MỚI: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐAN XEN

Hợp tác, kết nối phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới đã và đang có nhiều biến động, nhất là từ năm 2018, với một số nét đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, kết nối kinh tế, mà trong đó kết nối hạ tầng giao thông là một trọng tâm, đang trở thành một xu hướng lớn của các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ năm 2013, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã xác định một kế hoạch kết nối APEC đến năm 2025 với 3 lĩnh vực trọng tâm là kết nối thể chế, kết nối vật chất (bao gồm hạ tầng) và kết nối con người. Ở khu vực Đông Nam Á, một cộng đồng chung - Cộng đồng ASEAN (AC) - đã ra đời cuối năm 2015 và các nước trong khu vực đang tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN giai đoạn đến năm 2025, trong đó chú trọng ba lĩnh vực kết nối chủ yếu là thể chế, hạ tầng và con người. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng năm 2013 và các sáng kiến hợp tác tiểu vùng khác giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN; giữa Việt Nam với Lào, Campuchia... cũng chú trọng kết nối thể chế, hạ tầng, con người. Tuy nhiên, kết nối hạ tầng ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương nói chung, đang trở thành một trong những lĩnh vực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Trung quốc với Mỹ và các nước phương Tây. Chẳng hạn, tháng 9/2021, tại cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất, nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã đạt đồng thuận đẩy nhanh vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở hơn 30 quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để cạnh tranh với BRI…

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc diễn ra gay gắt, đặc biệt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc đang đứng đầu hai “cực” đối lập, hoặc có quan điểm khác nhau nhau trong một số lĩnh vực (công nghệ, tiền tệ, an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu…). Xu hướng quan hệ quốc tế nêu trên tác động sâu sắc đến tiến trình toàn cầu hóa và hợp tác khu vực. Các phân tích của giới chuyên gia quốc tế thời gian gần đây chỉ ra rằng, trong thời gian tới, “chiến tranh ấm” có thể xảy ra trong bối cảnh các cường quốc đang chuyển trạng thái từ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” sang trạng thái “vừa đấu tranh, vừa hợp tác”. Các lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bao gồm cạnh tranh trong triển khai các sáng kiến mang tính chiến lược khu vực và toàn cầu, chẳng hạn BRI (do Trung Quốc khởi xướng), Khung khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (do Mỹ dẫn dắt)… Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã và đang làm gia tăng xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng và dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Bên canh đó, xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc với Mỹ và phương Tây, bao gồm sự xuất hiện các tiêu chuẩn mới, sáng kiến mới, định chế tài chính mới (như AIIB)… đang và sẽ tác động sâu sắc đến địa chính trị khu vực và toàn cầu.

Thứ ba, kinh tế toàn cầu (bao gồm Việt Nam và Trung Quốc) bước vào giai đoạn nhiều khó khăn thời “hậu Covid-19”. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD nhận định bức tranh kinh tế thế giới năm 2024 và các năm tiếp theo tiếp tục ảm đạm. Trong báo cáo "Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng 2024" mới được công bố, Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái. Tại Trung Quốc, đầu năm 2023, rất nhiều chuyên gia lạc quan rằng kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng, sau đại dịch, nhưng thực tế đà tăng trưởng kinh tế đang yếu với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tiêu dùng thấp, lĩnh vực bất động sản trì trệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023 chỉ đạt 5,2%. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chỉ đạt 5,02%, thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 như Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Trong bối cảnh nêu trên, thúc đẩy kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế là nhu cầu cấp bách của cả hai phía Trung Quốc và Việt Nam.

Thứ tư, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đang tác động lớn đến hợp tác, kết nối kinh tế khu vực nói chung, hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc nói riêng. RCEP có hiệu lực đã tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi trong khuôn khổ RCEP, theo đó thúc đẩy hợp tác đàu tư, thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển. Đồng thời, RCEP cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Thứ năm, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023 đã xác lập dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội hợp tác mới. 36 văn kiện hợp tác ký nhân chuyến thăm và “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” đã thiết lập nền tảng mới vững chắc hơn để tăng cường lòng tin chính trị song phương. Bản Tuyên bố chung cũng đồng thời xác định những định hướng kết nối chiến lược và mở ra cơ hội hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như: thúc đẩy các hợp tác trọng điểm về kết nối sáng kiến "Hai hành lang, một vành đai" với "Vành đai và Con đường", thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (trong đó có các dự án phát triển, kết nối hạ tầng mang tính chiến lược như các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đồng Đăng - Hà Nội - Hải Phòng; Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái...), kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới; thúc đẩy hợp tác thương mại, tài chính, đầu tư (trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh…).

Trước chuyến thăm nói trên, kể từ chuyến thăm CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, lòng tin chính trị giữa hai nước đã được củng cố, hợp tác thực chất giữa hai bên ngày càng được tăng cường. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã quan tâm, tin tưởng và đầu tư ngày càng nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh hợp tác mới bên cạnh cơ hội hợp tác cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Việc lựa chọn đối tác hợp tác trong một số lĩnh vực mang tính chiến lược như đất hiếm, công nghệ, tiêu chuẩn, đường sắt cao tốc, có thể được hiểu là “chọn bên” và tác động tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác kinh tế nhưng vẫn bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm hợp tác hiệu quả, thực chất và không thua thiệt về lợi ích quốc gia, cũng là những thách thức lớn trong bối cảnh Việt Nam chênh lệch lớn với Trung Quốc về tiềm lực kinh tế, trình độ phát triển, quy mô thị trường…

TRIỂN VỌNG MỚI VÀ DƯ ĐỊA CẦN KHAI THÁC

Ngoài thách thức như đã nêu trên, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm qua luôn tồn tại một vấn đề lớn là tính hiệu quả chưa cao. Về thương mại, mặc dù kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh, nhưng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng nhanh và lên mức kỷ lục hơn 60 tỷ USD vào năm 2022, khoảng 50 tỷ USD năm 2023; mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng lớn. Tình trạng thiếu trao đổi thông tin, thiếu ổn định chính sách thương mại dẫn đến ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc diễn ra thường xuyên.

Về đầu tư, lũy kế đến gữa năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 27 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam còn nhỏ (chỉ khoảng 6 triệu USD/dự án, thấp hơn mức trung bình 12 triệu USD/dự án FDI tại Việt Nam), công nghệ sản xuất còn hạn chế. Đa số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam mới chỉ quan tâm thầu khoán công trình với lợi ích ngắn hạn mà chưa quan tâm đầu tư lâu dài, chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động cho Việt Nam. Một số dự án thậm chí để lại tai tiếng về việc đội vốn, chậm tiến độ, gây ô nhiễm môi trường (đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các dự án nhiệt điện, một số dự án khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên…).

Về kết nối, Việt Nam đang suy giảm vị thế “cầu nối” giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, sau khi Trung Quốc đẩy mạnh kết nối giao thông với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là kết nối với Lào và Thái Lan qua tuyến đường sắt Trung - Lào, kết nối hàng không, cảng biển với Campuchia thông qua việc nâng cấp, phát triển các sân bay, cảng biển tại nước này… Ngoài ra, Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến kết nối kinh tế khu vực do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt như BRI, AIIB, MLC, Tuyến hành lang quốc tế mới về thương mại trên bộ, trên biển, nhưng chưa tận dụng được đáng kể lợi ích, động lực phát triển từ các sáng kiến hợp tác nói trên.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc những năm gần đây, Việt Nam chưa tích cực, chủ động trong khai thác, học hỏi kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc để phục vụ phát triển đất nước. Chẳng hạn, chưa nghiên cứu, tham khảo các mô hình khu tự do thương mại, cảng tự do thương mại tại Hải Nam, Thâm Quyến… để phục vụ quy hoạch và phát triển các thành phố cảng, hải cảng quan trọng (đang có nhu cầu phát triển mô hình tương tự) như TP Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải, Đà Nẵng, Hải Phòng. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chủ động để khai thác hiệu quả thị trường rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân và các cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại từ Trung Quốc.

Thực tế nêu trên cho thấy, dư địa hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc còn rất lớn. Việt Nam còn nhiều cơ hội khai thác thị trường rộng lớn của Trung Quốc, nhất là xuất khẩu nông sản. Năm 2023, Việt Nam đã đạt kỷ lục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, riêng các mặt hàng rau quả đã đạt gần 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Trung Quốc lên tới 15 tỷ USD năm 2023 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2030, nên dự địa khai thác thị trường này còn rất lớn. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm năng mở rộng và đầu tư dài hạn tại Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, khai khoáng, năng lượng mới... Trong khi đó, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc còn rất hạn chế, với 36 dự án, tổng vốn 40,8 triệu USD. Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi thực tế này, khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc.

Về thể chế, hai bên có triển vọng tăng cường hợp tác và Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo các mô hình khu tự do thương mại, cảng tự do thương mại tại Hải Nam, Thâm Quyến… để quy hoạch và phát triển các thành phố cảng, hải cảng quan trọng. Ngoài ra, Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn cơ hội hợp tác, phát triển từ việc tham gia các sáng kiến kết nối kinh tế khu vực do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt như BRI, AIIB, MLC…

Để nâng cao hiệu quả hợp tác, kết nối kinh tế Việt Nam với Trung Quốc, thời gian tới, chúng tôi kiến nghị hai bên cần tập trung thực hiện tốt một số phương hướng, giải pháp cụ thể dưới đây.

Một là, tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo 6 phương hướng hợp tác đã xác định trong Tuyên bố chung tháng 12/2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, Quốc hội... Chú trọng thúc đẩy kết nối phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với sáng kiến Vành đai và con đường nói riêng; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, môi trường, khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh…

Hai là, hai nước cần tích cực hợp tác tập trung giải quyết các nút thắt về thủ tục qua biên giới như hải quan, kiểm dịch… để giảm thời gian vận tải, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics và hàng hóa xuất khẩu của hai bên. Phía Việt Nam tích cực thúc đẩy phía Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc, nhất là nông sản, thủy sản và tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như Thành Đô (Tứ Xuyên), Hải Khẩu (Hải Nam)…

Ba là, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư song phương. Theo đó, phía Việt Nam, bao gồm chính quyền các địa phương, quan tâm hơn việc xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc có tiềm lực, uy tín, công nghệ hiện đại, đầu tư vào Việt Nam; nhận thức đúng, đánh giá đúng về các nhà đầu tư Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, các nhà đầu tư vào Việt Nam cần nâng cao uy tín thông qua hiệu quả từ các dự án cụ thể, có tầm nhìn dài hạn và tham gia các dự án lớn (đường sắt, khai khoáng...) không chỉ với tư cách nhà thầu, mà còn là nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, cùng với đầu tư chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam đào tạo nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ...

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tích cực, chủ động hơn trong việc kết nối chính sách đề xuất trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu về một số lĩnh vực cùng có lợi hoặc Việt Nam có nhu cầu. Có thể đề xuất một số nội dung trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu cụ thể như: Nghiên cứu mở rộng phạm vi hợp tác ”Hai hành lang” kéo dài tới Trùng Khánh; nghiên cứu quy hoạch và xây dựng báo cáo khả thi đối với các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn: Lào Cai-Hà Nội- Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Lạch Huyện; Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Đồng thời, trao đổi thông tin về Quy hoạch cửa khẩu và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cửa khẩu thông minh tại Hữu Nghị quan (Lạng Sơn); kinh nghiệm xây dựng và quản lý cảng tự do thương mại quốc tế... Đồng thời, quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, để xây dựng các trung tâm logistic, trung tâm phân phối, kho bãi, phát triển hạ tầng giao thông, thương mại ở khu vực biên giới.

Năm là, để hợp tác kinh tế toàn diện, bền vững, hai bên cần tăng cường kết nối con người, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương. Theo đó, xác định hợp tác với địa phương, nhất là các địa phương trên Tuyến hành lang quốc tế mới (Quảng Tây, Trùng Khánh) là giải pháp quan trọng để duy trì vị thế “cầu nối” của Việt Nam trong kết nối Trung Quốc với ASEAN./.

TS. Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)