Thỏa thuận thương mại lớn nhất toàn cầu

Những nút thắt cuối cùng đã được tháo gỡ sau khi bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia TPP đạt đồng thuận về 3 lĩnh vực gai góc nhất còn lại là ô tô, bơ sữa và thời hạn bản quyền sở hữu sinh dược. Như vậy, sau 5 năm ròng rã đàm phán với vô số bất đồng và trở ngại, tiến trình đàm phán TPP đã hoàn tất, mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng thương mại 12 nước đàm phán TPP tại Mỹ

Tuyên bố của bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP khẳng định: "Các bộ trưởng thương mại của Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam hân hạnh thông báo chúng tôi đã hoàn tất thành công Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Sau hơn 5 năm đàm phán sâu rộng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường phát triển hòa nhập và khuyến khích sáng tạo trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, thỏa thuận này đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra về một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước chúng ta."

TPP chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu và sẽ tạo ra một khối kinh tế Thái Bình Dương mới, với các rào cản thương mại được hạ thấp đối với hầu hết các mặt hàng, từ thị bò, các sản phẩm từ sữa, tới hàng may mặc, cũng như các tiêu chuẩn và quy tắc mới về đầu tư, môi trường và việc làm.

Vượt qua khuôn khổ của một hiệp định thương mại, TPP còn là xương sống về kinh tế trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, trong bối cảnh đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như toàn cầu.

Đây cũng là nhân tố then chốt trong “mũi tên thứ ba” của những cải cách kinh tế Thủ tướng Nhật Abe luôn theo đuổi kể từ khi nhậm chức năm 2012.

Phát biểu ngay sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố, Thủ tướng Abe đã bày tỏ sự phấn khởi, và tin rằng TPP sẽ đem lại lợi ích to lớn cho không chỉ Nhật Bản mà cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. “Đây là một thành công lớn không chỉ cho Nhật Bản mà cho tương lai của cả Châu Á – Thái Bình Dương”, ông Abe khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích cũng cho rằng quá trình đàm phán bí mật và nghiêng nhiều về phía các tập đoàn. Dù vậy, một khi được triển khai, TPP sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được thông qua kể từ năm 1994, khi Vòng đàm phán Uruguay cho ra đời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất

Mới đây, Viện kinh tế toàn cầu Peterson (PIIE) cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi hàng dệt may, da giày được miễn thuế quan khi vào thị trường Mỹ, từ mức thuế 17-32% hiện tại. Điều này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và làm tăng đáng kể dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

PIIE nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ là nước nhìn thấy mức tăng trưởng thu nhập lớn nhất và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số 12 nước thành viên TPP, với tỷ lệ tăng lần lượt là 13,6% và 31,7%.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu dự báo tác động TPP tới Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), Việt Nam có được sự thay đổi GDP thực tế theo phần trăm cao nhất trong số 12 nước khi tham gia TPP.

Cụ thể, GDP có thể tăng từ 1,03% đến 2,11%, tương đương với giá trị tuyệt đối là 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD, chủ yếu là nhờ vào tăng đầu tư và tiêu dùng. Còn thu nhập của người dân có thể tăng thêm 13% và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng tới 37% vào năm 2025.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp cận được với các thị trường kinh tế mới rộng lớn, đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh của hàng hóa và thị trường nội địa để thu hút thêm vốn và công nghệ của các nhà đầu tư ngoại, tăng khả năng xâm nhập vào các thị trường khó tính.

Báo cáo phân tích của Tập đoàn Dragon Capital cũng cho biết, những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày và thủy sản sẽ là những ngành hưởng lợi rất lớn từ TPP. Hiện tại, đối với ngành dệt may của Việt Nam, hơn 90% sản phẩm được xuất sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, nhưng hiện thuế nhập khẩu tại các thị trường vẫn khá cao, trung bình tại EU là 12%, Mỹ từ 5,6% đến 19%. Vì vậy, việc tham gia TPP sẽ tạo điều kiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan, từ đó hành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội bước chân vào thị trường các nước sở tại với mức giá rẻ hơn, sức cạnh tranh với hàng cùng ngành của các nước khác sẽ cao hơn.

Hiện TPP được đề xuất áp dụng quy tắc về xuất xứ (ROO), theo đó sản phẩm dệt may của Việt Nam chỉ được miễn thuế khi nguyên liệu may mặc được sản xuất trong nước, hoặc nhập từ một quốc gia cũng tham gia TPP. Đây là điều khoản khá bất lợi trong bối cảnh Việt Nam đang nhập nguyên liệu may mặc lớn từ nước ngoài, đặc biệt Trung Quốc. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có thời hạn 5 năm trước khi phải tuân thủ theo ROO. Do đó, về trước mắt, các chuyên gia đánh giá TPP vẫn có lợi cho dệt may. Việt Nam

Còn đối với ngành thủy sản sẽ có mức chi phí đầu ra dễ chịu hơn, khi thị trường xuất khẩu chính của thủy sản là Mỹ và EU. Mỹ tuy không áp thuế nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam nhưng đánh thuế chống bán phá giá, và TPP có thể sẽ giúp Việt Nam dỡ bỏ được loại thuế này. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất thấp.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận hành cảng và logistics sẽ được hưởng lợi gián tiếp, khi dòng chảy thương mại mạnh sẽ kéo theo nhu cầu vận tải và dịch vụ logistics tăng.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn do làn sóng doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam trước và sau hiệp định, và kéo theo đó là nhu cầu xây dựng nhà máy và cơ sở hạ tầng tăng lên, giúp cho ngành xây dựng cũng được cải thiện vượt bậc./.