Giải pháp tăng cường hợp tác về thương mại giữa Việt Nam và Nigeria
Từ khóa: hợp tác về thương mại, Nigeria, Việt Nam
Summary
Vietnam and Nigeria established diplomatic relations in 1976, but trade cooperation between the two sides has not reached the desired value. Import-export turnover fluctuates frequetnly and the volume is still small. This article introduces the Nigerian market, analyzes the current state of trade cooperation between Vietnam and Nigeria, thereby proposing some solutions to promote trade cooperation between the two countries.
Keywords: trade cooperation, Nigeria, Vietnam
GIỚI THIỆU
Nigeria là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, đồng thời là địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng hàng đầu của khu vực Tây Phi. Quốc gia này là thành viên quan trọng trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Hơn thế nữa, công nghiệp và nông nghiệp của Nigeria vẫn đang trên đà phát triển, nên có nhu cầu nhập khẩu một số lượng lớn hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước. Mặt khác, Nigeria giàu tài nguyên thiên nhiên, có thế mạnh trong sản xuất hạt điều, hạt tiêu. Đây cũng là các mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu.
Có thể thấy, với lợi thế về vị trí địa lý, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, Nigeria đang là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam cần thúc đẩy mở rộng. Điều này đặt ra yêu cầu Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam phải triển khai đa dạng và đồng bộ hơn nữa các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại với Nigeria trong thời gian tới.
ĐÔI NÉT VỀ THỊ TRƯỜNG NIGERIA
Nigeria là đất nước nằm ở Tây Phi, tiếp giáp eo Guinea, nằm giữa Benin và Cameroon. Quốc gia này hiện là địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng hàng đầu của khu vực Tây Phi với 4 cảng lớn là Lagos, Warri, Port Harcourt và Calabar. Cảng biển nước sâu Lekki là cảng biển nước sâu đầu tiên ở Nigeria và là một trong những cảng biển lớn nhất và hiện đại nhất ở Tây Phi.
Theo VCCI (2020), quy mô dân số của Nigeria hơn 200 triệu người. Tộc người Fulani/Hausa, Yoruba, Igbo chiếm chủ yếu với 68%. Miền Bắc nước này chủ yếu theo đạo Hồi; miền Trung và Tây Nam có cả Hồi giáo và Kitô giáo. Miền Đông Nam và Đồng bằng sông Niger đa số theo Kitô giáo.
Quốc gia này được chia thành 36 tiểu bang và một lãnh thổ Thủ đô liên bang là Abuja. Tiếp đó, Nigeria lại chia nhỏ thành 774 khu vực chính quyền địa phương. Khí hậu tại đây khá đa dạng: xích đạo ở phía Nam, nhiệt đới ở vùng trung tâm, khô cằn ở phía Bắc. Nhiệt độ trung bình từ 26 đến 330C. Lượng mưa trung bình là 500 mm ở vùng Đông Bắc, 4.000 mm ở miền Nam. Khu vực địa hình rộng nhất của Nigeria là các thung lũng của sông Niger và Benue. Phía Tây Nam của sông Niger là cao nguyên gồ ghề và phía Đông Nam của sông Benue là địa hình đồi núi. Khu vực gần biên giới với Cameroon giáp biển là rừng nhiệt đới phong phú. Ở khu vực miền Nam Nigeria, giữa sông Niger và Cross, đã có ít nhiều diện tích rừng biến mất và được thay thế bằng đồng cỏ. Khu vực giữa phía Nam và xa về phía Bắc là hoang mạc Xa-van. Nigeria sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên như: dầu mỏ, thiếc, sắt, than đá, đá vôi, chì, kẽm, khí tự nhiên... Sự đa dân tộc, đa văn hóa cùng địa hình phức tạp ở Nigeria đã sinh ra những nền văn hóa cổ đại đặc sắc và nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Nigeria là thành viên và có vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, như: Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức các nước Hồi giáo, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)… Vượt qua đại dịch Covid-19, Nigeria đã duy trì ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Nhờ chính sách đa dạng hóa nền kinh tế thông qua đầu tư phát triển nông nghiệp, viễn thông và dịch vụ, kinh tế Nigeria những năm gần đây phát triển khá năng động. Trong cơ cấu kinh tế của Nigeria, ngành nông nghiệp hàng năm đóng góp khoảng 20% GDP; công nghiệp đóng góp khoảng 26% GDP, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến thăm đò và khai thác dầu khí. Tuy nhiên, nền nông nghiệp và công nghiệp chưa thực sự phát triển, buộc quốc gia này phải nhập khẩu khoảng 90% lượng hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Việt Nam và Nigeria thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/5/1976. Nigeria mở Đại sứ quán tại Hà Nội vào tháng 7/2007 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Abuja vào tháng 4/2008. Quan hệ hai nước phát triển tích cực từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Olusegun Obasanjo (năm 2005). Nigeria hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, may mặc, giáo dục… trong thời gian tới. Còn với Việt Nam, bên cạnh thị trường 200 triệu người tiêu dùng của Nigeria, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn có thể tiếp cận thị trường các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi mà Nigeria là thành viên.
THỰC TRẠNG HỢP TÁC VỀ THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM VA NIGERIA
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Hình), tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Nigeria năm 2020 đạt 501 triệu USD, giảm 2,8% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt 135 triệu USD, tăng 6,2% so với năm 2019. Nhập khẩu của Việt Nam từ Nigeria đạt 366 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2019. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nigeria bao gồm: hàng dệt, may (đạt 40,3 triệu USD, tăng 33,8%); điện thoại và linh kiện (đạt 10,1 triệu USD, giảm 15,8%); túi xách, ví, vali, mũ và ô dù (đạt 5,4 triệu USD, giảm 46%); chất dẻo nguyên liệu (đạt 4,1 triệu USD, tăng 101,7%). Ở chiều ngược lại, nhóm hàng nhập khẩu đáng kể nhất của Việt Nam từ Nigeria là hạt điều (đạt 162,4 triệu USD, giảm 18%).
Hình: Kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Nigeria
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Sang năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Nigeria đạt 595,6 triệu USD, tăng 18,9% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt 158 triệu USD, tăng 17,1% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nigeria đạt 439,7 triệu USD, tăng 19,6% so với năm 2020. Nhập siêu của Việt Nam từ Nigeria có giá trị 279,5 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang quốc gia này bao gồm: hàng dệt, may (đạt 46,4 triệu USD, tăng 14,9%); điện thoại các loại và linh kiện (đạt 13,9 triệu USD, tăng 37,1%); chất dẻo nguyên liệu (đạt 13,1 triệu USD, tăng 219,6%); túi xách, ví, vali, mũ và ô dù (đạt 7,1 triệu USD, tăng 30,5%). Nhóm hàng nhập khẩu đáng kể nhất của Việt Nam từ Nigeria là hạt điều (đạt 247,9 triệu USD, tăng 69,3%).
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Nigeria đạt 458,8 triệu USD, giảm 23,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Nigeria đạt 148,1 triệu USD, giảm 6,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nigeria đạt 310,7 triệu USD, giảm 29,3% so với năm 2021. Nhập siêu của Việt Nam từ Nigeria có giá trị 162,6 triệu USD, giảm mạnh 42,3% so với năm 2021. Trong năm 2022, các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nigeria bao gồm: hàng dệt, may đạt 26,2 triệu USD, giảm 43,4% nhưng vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện (đạt 8,2 triệu USD, giảm 40,8%); chất dẻo nguyên liệu (đạt 7,2 triệu USD, giảm 44,7%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 1,6 triệu USD, tăng 61,7%). Thị trường Nigeria hiện không quá khắt khe đối các mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất. Việt Nam nhập khẩu chính từ Nigeria là hạt điều (đạt 154,6 triệu USD, giảm 44,1%); khí đốt hóa lỏng (đạt 39,2 triệu USD). Hiện hạt điều chiếm khoảng 50% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nigeria, hầu hết là điều thô. Nigeria là một trong các quốc gia sản xuất điều nguyên liệu của thế giới và là nước sản xuất điều lớn thứ 4 tại châu Phi.
Ngày 21/01/2022, Ngân hàng Trung ương Nigeria đã ban hành hướng dẫn về việc áp dụng hóa đơn điện tử (e-Invoice) thay thế cho hóa đơn giấy đối với tất cả các giao dịch xuất - nhập khẩu tại Nigeria. Việc áp dụng e-Invoice nhằm giám sát mức giá các loại hàng hóa xuất - nhập khẩu tại Nigeria, tránh thất thu thuế cho ngân sách. Từ ngày 01/9/2022, Chính phủ Nigeria yêu cầu tất cả các thương nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm phân bón phải có giấy phép đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (Certificate of Registration), trong khi các nhà phân phối sản phẩm phân bón bắt buộc phải có giấy phép lưu hành (Sales Permits). Động thái này nhằm kiểm soát, đảm bảo chất lượng phân bón phục vụ phát triển ngành nông nghiệp trong bối cảnh Nigeria đang đối mặt với thách thức từ việc sử dụng phân bón chất lượng thấp khiến năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp giảm. Những chính sách pháp lý trên của Nigeria đã tác động tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường nước này.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HỢP TÁC THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM VÀ NIGERIA
Mặc dù Nigeria là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi, nhưng cơ hội hợp tác giữa hai bên vẫn còn chưa được tận dụng tối đa, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước cũng không duy trì được sự tăng trưởng hằng năm. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Nigeria đều chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam (chưa tới 0,1%). Do đó, thời gian tới, hai bên cần tăng cường hợp tác trao đổi thương mại bằng những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Chính phủ hai nước cần nâng cao hơn nữa sự quyết tâm trong thúc đẩy quan hệ xuất - nhập khẩu. Theo đó, các chính phủ cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thiết lập và triển khai nhiều cơ chế hợp tác, phát huy vai trò thâm nhập thị trường khu vực, tạo thế cân bằng trong hợp tác, tạo chuỗi cung ứng chất lượng cao.
Thứ hai, Bộ Công Thương Việt Nam cùng các hiệp hội cần tăng cường tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp, đoàn nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại. Thường xuyên tổ chức các phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nigeria nhằm chia sẻ tới các doanh nghiệp những thông tin cập nhật về tình hình, xu hướng thị trường, những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất - nhập khẩu của thị trường Nigeria đối với một số sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm, may mặc... Đồng thời, tổ chức các kênh tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất - nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Nigeria, như: yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất - nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất - nhập khẩu...
Thứ ba, các cơ quan quản lý của 2 nước cần tăng cường các chuyến thăm và quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng hóa lẫn nhau để tăng cường thông tin, đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp 2 bên. Tổ chức nhiều cuộc trao đổi đoàn doanh nghiệp sang thăm lẫn nhau để trao đổi thông tin về thị trường, chính sách thương mại, quy định xuất - nhập khẩu của mỗi nước.
Thứ tư, thúc đẩy, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử xuất khẩu sang thị trường Nigeria. Ngành công nghiệp thời trang của Nigeria chưa phát triển nên thị trường này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các sản phẩm dệt may, giày dép, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, phụ kiện thời trang… các loại từ nước ngoài. Trong khi đó, đây là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thứ năm, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý các rủi ro lừa đảo ở thị trường Nigeria. Hình thức lừa đảo của các đối tượng tương đối đa dạng, có thể lừa đảo trong đấu thầu, trong xuất - nhập khẩu hàng hóa. Cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp các thông tin cảnh báo về chiêu trò lừa đảo của các doanh nghiệp Nigeria để các doanh nghiệp trong nước lưu ý. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thẩm tra, xác minh đối tác kỹ trước khi thực hiện hợp tác và ký kết hợp đồng./.
ThS. Trịnh Thị Lan Anh - Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cục Hải quan (2020), Báo cáo tình hình xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2020.
2. Tổng cục Hải quan (2021), Báo cáo tình hình xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2021.
3. Tổng cục Hải quan (2022), Báo cáo tình hình xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2022.
4. VCCI (2020), Hồ sơ thị trường Nigeria.
Bình luận