Theo đó, các nước Afghanistan, Angola, Australia, Chile, Congo, Mexico, Nepal, Nigeria, Pakistan, Peru, Qatar, Senegal, Slovakia, Tây Ban Nha và Ukraine được bầu vào thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Những quốc gia này sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 1/1/2018.

Bahamas, Pakistan và Lào cũng nằm trong danh sách ứng cử viên, tuy nhiên nhận được ít phiếu nhất và bị loại.

Đặc biệt, Nigeria và Qatar là hai quốc gia đã lần thứ 2 tái cử nhiệm kỳ của Hội đồng Nhân quyền.

Australia giành được tới 176 lá phiếu và theo ngoại trưởng Australia Julie Bishop thì đây là một minh chứng mạnh mẽ thể hiện quyết tâm nước này trong việc bảo vệ nhân quyền. Bà Bishop nhấn mạnh trong nhiệm kỳ này, Australia sẽ tập trung vào việc trao quyền cho phụ nữ, quyền của người bản địa, giải quyết vấn đề tị nạn.

15 thành viên mới năm nay được phân bố như sau: Nhóm châu Á-Thái Bình Dương: 4 ghế; Nhóm châu Phi: 4 ghế; Nhóm châu Mỹ Latin và Caribbean: 3 ghế; Nhóm Đông Âu: 2 ghế; Nhóm Tây Âu và các quốc gia khác: 2 ghế.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc gồm 47 thành viên do Đại hội đồng bầu ra. Nhiệm kỳ của các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền là 3 năm và một quốc gia có thể được tái bầu nhiệm kỳ 2 song không thể ngay lập tức tái ứng cử ngay sau khi nhiệm kỳ 2 kết thúc

Hội đồng Nhân quyền giữ trách nhiệm tăng cường quảng bá và bảo vệ quyền con người trên toàn câu; giải quyết các tình huống vi phạm nhân quyền và đưa ra các khuyến nghị. Trên cơ sở phân bố địa lý bình đẳng, 47 thành viên của Hội đồng được phân bố cho năm nhóm khu vực như sau: Các nước châu Phi: 13 ghế; Châu Á-Thái Bình Dương: 13 ghế; Các nước Đông Âu: 6 ghế; Các quốc gia Mỹ Latin và Caribean: 8 ghế; Tây Âu và các quốc gia khác: 7 ghế.

Hội đồng Nhân quyền thực hiện vai trò giám sát nhân quyền tại các nước thành viên. Ngoài ra, Hội đồng còn có các uỷ ban điều tra tội phạm và tình hình xung đột, đặc biệt là tại Triều Tiên và Syria./.