Hướng tới xây dựng một thỏa thuận số toàn cầu
Ngày 30/1 (giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York đã diễn ra phiên tham vấn không chính thức đầu tiên của Tiến trình liên chính phủ nhằm thảo luận và đưa ra Thỏa thuận số toàn cầu (Global Digital Compact - GDC).
Tại buổi thảo luận, đa phần các ý kiến cho rằng cần có một GDC, trong đó đề ra những nguyên tắc và mục tiêu cơ bản để thúc đẩy hợp tác và quản trị số toàn cầu, nhằm bảo đảm công bằng và lợi ích của tất cả quốc gia.
Đặc biệt, nhiều nước đang phát triển nhấn mạnh, GDC cần tận dụng cuộc cách mạng và chuyển đổi số để giúp thu hẹp khoảng cách số, chuyển giao công nghệ, xây dựng hạ tầng số, tăng cường năng lực và kết nối toàn cầu, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho việc đẩy nhanh thực hiện các Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (SDGs).
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết, bên cạnh những lợi ích có được, kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải giải quyết. Do đó, việc xây dựng GDC là cần thiết, để thúc đẩy một thế giới số an toàn, công bằng và phát triển hơn cho mọi người dân.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại cuộc họp |
Theo đó, cần phải bảo đảm mục tiêu kết nối phổ cập toàn cầu vào năm 2030, mọi người được tiếp cận với internet, các công nghệ và dịch vụ số với chi phí phải chăng, song đồng thời cũng cần phải bảo đảm an ninh và an toàn của việc tiếp cận, của hệ thống và hạ tầng số.
Về phương hướng thảo luận sắp tới, ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, tuy GDC là tiến trình liên chính phủ, do các quốc gia giữ vai trò chủ đạo, song cần tạo điều kiện cho thành phần tư nhân tham gia để tiến trình được toàn diện hơn với sự đóng góp cụ thể và hiệu quả.
Bên cạnh đó, GDC cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi quốc gia và các bên liên quan phải tuân thủ đầy đủ chủ quyền quốc gia trong không gian mạng, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia.
“Là một nước có nhiều kinh nghiệm và đạt nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử, hướng tới kinh tế và xã hội số, Việt Nam cam kết sẽ tham gia và đóng góp tích cực vào tiến trình này nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030”, ông Giang khẳng định./.
Bình luận