Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố báo cáo về tình hình tai nạn lao động trong năm 2015 từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Báo cáo nêu rõ, năm 2015 trên toàn quốc đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động, làm 7.785 người bị nạn, trong đó 629 vụ tai nạn lao động chết người, 79 vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên, có 666 người chết, 1.704 người bị thương nặng, 2.432 nạn nhân là lao động nữ.

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2015 với 108 người chết. Tiếp đến là Quảng Ninh, Bình Dương, TP. Hà Nội, Đồng Nai, Hải Dương, Hà Tĩnh, Long An, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Các địa phương trên có tổng số người chết vì tai nạn lao động chiếm 51,6% tổng số người chết vì tai nạn lao động trên toàn quốc.

Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 10,1% số vụ tai nạn chết người và 9,6% số người chết. Loại hình doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 8,8% số vụ tai nạn chết người và 8,0% số người chết, loại hình công ty liên doanh có vốn đầu tư của nước ngoài chiếm 1,3% số vụ tai nạn chết người và 1,2% số người chết.

Báo cáo cũng chỉ ra những lĩnh vực kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người. Cụ thể, lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết; lĩnh vực cơ khí chế tạo chiếm 8,8% tổng số vụ chết người và 8,1% tổng số người chết; lĩnh vực dịch vụ chiếm 7,1% tổng số vụ chết người và 6,8% tổng số người chết.

Lĩnh vực dịch vụ vận tải và bốc xếp hàng hóa chiếm 5,9% tổng số vụ chết người và 6,1% tổng số người chết; lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 5,5% tổng số vụ chết người và 6,9% tổng số người chết; lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 5,5% tổng số vụ chết người và 5% tổng số người chết.

Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến tai nạn chết người do người sử dụng lao động chiếm 52,8%; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2%; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3%; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 9,7%.

Ngoài ra, nguyên nhân do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 2,6%; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1%. Nguyên nhân từ phía người lao động chiếm 18,9%.

Ngoài ra, nguyên nhân do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 2,6%; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1%. Nguyên nhân từ phía người lao động chiếm 18,9%.

Số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương cho thấy, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2015 như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 153,97 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 99.679 ngày./.