Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong kỳ họp này, Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015 và thống nhất nhận định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. An sinh xã hội được chú trọng. An ninh quốc phòng được giữ vững. Công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của đất nước như: điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của một số dự án; nợ công đang ở mức cao, công tác xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu; những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, quản lý đô thị, môi trường, tệ nạn xã hội, kỷ luật hành chính chậm được khắc phục; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.

“Đây là những bức xúc, lo lắng được Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và kiến nghị nhiều giải pháp thiết thực đòi hỏi Chính phủ, các ngành, các cấp phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục cho được các tồn tại, hạn chế nhằm phát triển kinh tế bền vững, ổn định, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong năm 2017 và các năm tới”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua các Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tại kỳ họp này, với sự xem xét thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng về các điều kiện bảo đảm, Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật gồm: Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư và 11 Nghị quyết. Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác.

Riêng đối với dự án Luật về hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, qua các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cho thấy, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Căn cứ vào kết quả xin ý kiến, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật nêu trên tại Kỳ họp thứ 2 và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).

Các luật, nghị quyết được thông qua như Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và 14 dự án luật khác được cho ý kiến sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết về chuyên đề “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, trong đó giao Chính phủ, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm thực thi Nghị quyết, gắn việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trước tình hình biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Quốc hội cũng đã xem xét báo cáo công tác của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện những mặt được, chưa được của công tác tư pháp và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong năm qua, kiến nghị những giải pháp thiết thực để khắc phục những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực này.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV đối với một số thành viên Chính phủ.

“Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng tính tranh luận để làm rõ thêm; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục trong lĩnh vực công thương, tài nguyên, môi trường, giáo dục và đào tạo và nội vụ.

Các vị bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn đã nắm bắt yêu cầu; bám sát chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mình phụ trách; trả lời thẳng vào vấn đề được hỏi, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, đưa ra giải pháp và hướng khắc phục những hạn chế, bất cập. Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian trả lời trực tiếp các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ.

Quốc hội đã ra nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng thực hiện quyết liệt những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân./.