Thông tin này được công bố tại buổi gặp mặt báo chí, cung cấp thông tin nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam diễn ra chiều 18/04 tại Hà Nội.

Sau 25 năm hoạt động, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ được trên 30 lượt trẻ em, huy động được 5.500 tỷ đồng

Nhiều hỗ trợ thiết thực

Theo thông tin được công bố tại buổi gặp mặt, trong 25 năm hoạt động, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã huy động trên 5.500 tỷ, hàng trăm ngàn tấn hàng hóa và hàng triệu lượt người tham gia và hỗ trợ trên 30 triệu lượt trẻ em. Đặc biệt, riêng chương trình "Vì trái tim trẻ thơ" triển khai qua 15 năm đã hỗ trợ phẫu thuật tim cho gần 2.000 trẻ với kinh phí gần 80 tỷ đồng. Hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp cũng đã hỗ trợ phẫu thuật cho hơn 17.000 em trên khắp cả nước.

Chương trình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2001, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã xây dựng và thành lập 34 Trung tâm Phục hồi chức năng tại tỉnh 24 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 23.000 lượt trẻ em được hưởng lợi, với tổng kinh phí trên 36 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm năm 2000, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng hỗ trợ đỡ đầu và bảo trợ dài hạn trẻ em mồ côi hoặc có cha, mẹ bị tàn tật, mất sức lao động, có học lực khá trở lên với kinh phí hỗ trợ hàng năm từ 3-6 triệu đồng. Tính đến nay, đã có trên 1.000 lượt trẻ em nhận hỗ trợ đỡ đầu và bảo trợ dài hạn với tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng. Đây là chương trình hỗ trợ trong nhiều năm. Nếu không có sự trợ giúp, các em khó có điều kiện tiếp tục đến trường, nguy cơ bỏ học là rất cao.

Đáng chú ý, theo phát biểu của Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến, hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ trong những năm gần đây đã được triển khai. Từ năm 2014 đến nay, Quỹ đã phối hợp với đối tác Hàn Quốc để thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu chỉ 100 đến 200 trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó Quỹ đã hỗ trợ tiếp cho trẻ tự kỷ ở miền Trung và miền Bắc. Hiện tại Qũy hỗ trợ được khoảng trên 300 em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cần đổi mới cách thức hoạt động

Mặc dù thời gian qua, những kết quả hoạt động của Quỹ còn khá khiêm tốn, nhưng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã luôn làm tròn vai trò cầu nối giữa cộng đồng, xã hội, các tổ chức quốc tế và trẻ em. Giúp cộng đồng đem tới trẻ em khắp mọi miền đất nước nguồn lực, tình cảm và kiến thức trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ông Hoàng Văn Tiến nhận mạnh, trong thời gian tới, hoạt động Quỹ sẽ hướng tới ưu tiên hỗ trợ cho sự phát triển lâu dài của trẻ, giúp các em có thể tiếp tục học tập, phát triển vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, Quỹ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các điểm trường cho trẻ em vùng cao, biên giới, hải đảo; triển khai dự án chăm sóc mắt học đường.

Ngày 04/05 tới đây, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ tổ chức “Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và phát triển” (ngày 04/05/1992-04/05/2017) tại Nhà hát Lớn, TP. Hà Nội.

Theo đó, mục tiêu Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đến năm năm 2020 phấn đấu đạt mức kinh phí huy động 80 tỷ đồng/năm, mỗi năm hỗ trợ trực tiếp cho 55.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, những đóng góp to lớn rất đáng ghi nhận không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần dành cho trẻ em của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại việc huy động nguồn kinh phí hỗ trợ cho trẻ em của Quỹ đang ngày càng khó khăn. Dự kiến, Luật Trẻ em 2016 được ban hành và có hiệu lực từ 01/06/2017, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng sẽ được mở rộng, cùng với đó, sự phát triển của xã hội sẽ xuất hiện vấn đề mới, phát sinh nhiều nhóm trẻ em cần được hỗ trợ.

Do vậy, Quỹ cần có những ý tưởng, xây dựng dự án để vận động các nhà tài trợ chung tay giúp đỡ trẻ em. Đồng thời, Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động, cách huy động, kêu gọi nguồn tài trợ, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để nhiều người biết và tìm đến, đồng hành, chung tay cùng với Quỹ thực hiện những quyền cơ bản của trẻ em, tạo ra cơ hội phát triển bình đẳng và cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ./.