Những ngày gần đây, thông tin điểm đầu vào một số trường sư phạm chỉ có 9 điểm, tức là trung bình chỉ cần đạt 3 điểm một môn đã tạo một làn sóng quan ngại với chất lượng của giáo viên trong tương lai. Nhiều ý kiến lo ngại điểm đầu vào quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sinh viên ngành giáo dục nói riêng và chất lượng ngành giáo dục nói chung trong tương lai.

Chưa thể cho ngừng tuyển mới vì… sự sống còn của các trường sư phạm

Tại cuộc làm việc về công tác đào tạo ngành sư phạm, ngày 17/8, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tháng 4/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định 732 phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong đó mục tiêu đến năm 2020, toàn hệ thống từ Trung ương tới địa phương chỉ được đào tạo thêm 190.000 người.

Thế nhưng, trong vòng 2 năm, tổng chỉ tiêu tuyển mới của toàn hệ thống đã lên tới gần 100.000 em.

Như vậy, trong 3 năm tới đây, ngành giáo dục sẽ chỉ được tuyển thêm 90.000 người nữa.

Con số này cần phải được tính toán kỹ và điều tiết trên toàn hệ thống vì tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các địa phương, các cấp học, thậm chí từng môn học đang diễn ra tại nhiều nơi. Nhưng trên thực tế, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm được điều này.

Báo cáo Phó Thủ tướng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã liên tục cắt giảm chi tiêu tuyển sinh ngành sư phạm từ 10 - 20% trong 3 năm vừa qua, nhưng chưa thể cho ngừng tuyển mới vì liên quan đến sự sống còn của các trường sư phạm

Ở một góc độ khác, đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Chỉ tiêu của trường này và các trường Đại học Sư phạm khác do Bộ quản lý chỉ khoảng 10.000. 40.000 chỉ tiêu còn lại do các địa phương quyết định và giao cho trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn mình quản lý. Số chỉ tiêu này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào của một số trường sư phạm thấp không phải tất cả

Nguyên nhân điểm đầu vào thấp là do… khó tìm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào của một số trường sư phạm thấp không phải tất cả là do chất lượng đào tạo kém. Vẫn có một số trường tốt cả về điều kiện, cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giảng viên, những người tâm huyết và rất giỏi.

“Nguyên nhân chính là sinh viên sư phạm ra trường khó tìm việc. Bởi thực tế nơi nào, ngành nào đào tạo ra có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định thì sẽ nhiều người đăng ký vào”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Trên quan điểm “bảo đảm đầu ra là yếu tố quyết định”, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không thống kê chính xác nhu cầu “đầu ra”, thì hoạt động đào tạo sư phạm như hiện tại sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

“Các đồng chí phải xem lại ngay chỉ tiêu các trường sư phạm. Nếu đào tạo sinh viên ra mà không xin được việc sẽ như thế nào? Không thể nói cái gì thiếu thì đào tạo còn thừa thì không quan tâm. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

“Ngành giáo dục cũng phải đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, từng môn, từng nơi, nhằm khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ, ‘thừa môn này, thiếu môn kia, thừa cấp này, thiếu cấp kia’. Không thể nói đào tạo tốt, dạy tốt mà thiếu giáo viên. Cũng không thể chuyển giáo viên văn sang dạy toán, giáo viên THPT dạy cấp THCS”, Phó Thủ tướng phân tích.

“Chúng ta công khai chỉ tiêu, biên chế, việc làm và ‘đặt hàng’ các trường sư phạm thì sẽ thu hút được người giỏi. Và dù số lượng đào tạo ít nhưng các trường sư phạm sẽ tính toán đầy đủ chi phí và tự đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu ‘đặt hàng’ từ ngành giáo dục. Trong năm nay các đồng chí dứt khoát phải trình được cơ chế, chính sách về ‘đặt hàng’ đào tạo sư phạm”, Phó Thủ tướng yêu cầu và nhắc Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu một số chương trình, quy định có tính đặc cách để đào tạo bổ sung, chuyển đổi sinh viên sư phạm sang những ngành nghề khác có nhu cầu lớn về nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch./.