Lời toà soạn: Thời gian qua, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã đăng tải khá nhiều bài về tích hợp quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định hướng dẫn được ban hành và có hiệu lực, nhưng việc triển khai tích hợp quy hoạch vẫn đang có nhiều vướng mắc, làm chậm trễ tiến độ lập quy hoạch, chậm tiến trình phát triển. Để góp phần vào “tháo gỡ” những vướng mắc, hướng dẫn triển khai tích hợp quy hoạch, Tạp chí Kinh tế và Dự báo xin giới thiệu chùm bài gồm 6 kỳ của TS. Ngô Công Thành, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bài 3: Một số giải pháp cấp bách khắc phục các rào cản trong việc thực hiện tích hợp quy hoạch hiện nay.

Hiện nay, vẫn đang tồn tại một số rào cản gây trở ngại cho việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp

Quy hoạch là công cụ quan trọng để Nhà nước hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực và quản lý đầu tư phát triển ở từng địa phương và trên cả nước. Do đó, nhu cầu lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã trở nên hết sức cấp thiết. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 05/02/2018, trong đó có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai lập quy hoạch từ ngày 01/03/2018, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 31/12/2020. Còn theo Nghị quyết số 751/2019/NQ-UBTVQH14, ngày 16/08/2019, các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một số rào cản gây trở ngại cho việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp.

Nhận diện các rào cản tích hợp quy hoạch

Nhu cầu lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 hiện nay rất lớn. Ngoài Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, còn phải lập 39 quy hoạch ngành quốc gia, 7 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh. Việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp đang gặp phải ba rào cản chính sau đây:

(1) Chưa có Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch bao gồm: hồ sơ quy hoạch, các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, quốc phòng an ninh gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, được chuẩn hóa và cập nhật thường xuyên.

Đây là đầu vào quan trọng đảm bảo cho việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp được thực hiện một cách thuận lợi và hiệu quả. Là căn cứ để tạo dựng nền tảng cơ sở chung cho hoạt động xây dựng các hợp phần quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, cũng như xây dựng các “nội dung đề xuất” tích hợp vào quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.

Trách nhiệm xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được quy định tại Điều 41, Luật Quy hoạch năm 2017, như sau:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và được cập nhật thường xuyên để tạo dữ liệu khung cho Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

- Bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp dữ liệu liên quan thuộc phạm vi quản lý để cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

- Ủy ban nhân dân tỉnh cung cấp dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý của địa phương để cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Luật Quy hoạch năm 2017 cũng quy định: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được xây dựng, vận hành thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống này vẫn chưa được đưa vào vận hành, trong khi nhu cầu thông tin, dữ liệu để lập quy hoạch đã trở nên cấp thiết sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Điều này gây ra nhiều trở ngại cho việc lập quy hoạch, đồng thời làm giảm chất lượng quy hoạch do các cơ quan, tổ chức lập quy hoạch phải chấp nhận lấy thông tin dữ liệu từ các nguồn kém tin cậy và không cập nhật.

(2) Tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý quy hoạch và tư vấn lập quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu tích hợp quy hoạch

Một thời gian dài trước đây, việc lập quy hoạch tiến hành theo cách tiếp cận riêng lẻ, giới hạn trong phạm vi từng lĩnh vực, từng ngành, thậm chí còn chia nhỏ ra lập quy hoạch từng sản phẩm, hầu như các ngành chỉ biết đến lợi ích của ngành mình, không quan tâm đến các ngành khác dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Tâm lý ngại thay đổi vẫn tồn tại trong đội ngũ chuyên gia tư vấn và cán bộ quản lý quy hoạch. Hiện nay, phần lớn các chuyên gia tư vấn, và cán bộ quản lý quy hoạch ở các bộ, ngành, địa phương kể cả ở các viện nghiên cứu chiến lược, chính sách của các bộ vẫn mơ hồ về tích hợp quy hoạch, chưa nắm bắt được đầy đủ nội dung của Luật Quy hoạch năm 2017, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật khác đi kèm với Luật Quy hoạch.

Thời gian qua, để đưa nhanh Luật Quy hoạch năm 2017 vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP cho các cơ quan bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, các tổ chức tư vấn lập quy hoạch - lực lượng chủ lực, trực tiếp áp dụng phương pháp tích hợp vào lập quy hoạch, chưa được tập huấn, đào tạo lại. Đây là một thiếu sót lớn, dẫn đến tình trạng tư duy lập quy hoạch theo kiểu cũ vẫn đang tồn tại trong đội ngũ chuyên gia tư vấn. Điều này thể hiện rõ ở chất lượng nhiệm vụ lập quy hoạch của các địa phương được trình thẩm định tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cho đến nay, hầu như chưa có hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch tỉnh nào đáp ứng đầy đủ yêu cầu tích hợp quy hoạch. Tất cả hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã thẩm định đều được Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa về nội dung liên quan đến tích hợp quy hoạch.

(3) Nguồn nhân lực tư vấn quy hoạch không đáp ứng nhu cầu thực tế

Theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, trong đó thời gian lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng; thời gian lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng.

Để đáp ứng thời gian lập quy hoạch theo quy định, căn cứ nội dung của các quy hoạch và định mức lập quy hoạch tại Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT, ngày 17/05/2019 hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể xác định được nhu cầu tối thiểu về số lượng chuyên gia tư vấn lập quy hoạch trong thời gian từ nay đến hết năm 2021 như Bảng.

Bảng: Nhu cầu tư vấn lập quy hoạch trong cả nước

TT

Loại quy hoạch

Số quy hoạch cần lập

Yêu cầu số lượng chuyên gia tư vấn lập 1 quy hoạch

Tổng số chuyên gia tư vấn yêu cầu

1

Quy hoạch tổng thể quốc gia

01

34

34

2

Hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia

30

02

60

3

Quy hoạch không gian biển quốc gia

01

25

25

4

Hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch không gian biển quốc gia

12

02

24

5

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

01

12

12

6

Quy hoạch ngành quốc gia (tính cả số chuyên gia lập nội dung đề xuất)

39

12

468

7

Quy hoạch vùng (tính cho 6 vùng, trừ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới - WB)

06

16

96

8

Hợp phần quy hoạch tích hợp vào quy hoạch vùng (tính cho 6 vùng)

20 hợp phần/1 vùng

02

240

9

Quy hoạch tỉnh (tính cả số chuyên gia lập nội dung đề xuất)

63

47

2.961

Tổng cộng

3.920

Nguồn: Tác giả tính toán trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành

Nguồn cung tư vấn quy hoạch hiện nay chủ yếu từ các Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính sách phát triển, viện quy hoạch của các bộ; một số viện nghiên cứu chiến lược, viện quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện có khoảng 30 cơ quan cấp viện có thể đảm nhiệm lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, với số lượng chuyên gia tư vấn quy hoạch trên cả nước khoảng 1.500 người, phần lớn là chuyên gia mức 3 và mức 4; tỷ lệ chuyên gia mức 1 và mức 2 còn thấp. Như vậy, còn thiếu khoảng 2.400 chuyên gia tư vấn quy hoach mới đáp ứng đủ nhu cầu lập đồng loạt các quy hoạch trên cả nước.

Gần đây, một số doanh nghiệp tư vấn quy hoạch ngoài nhà nước đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về nhân lực tư vấn lập quy hoạch. Tuy nhiên, đội ngũ này còn nhỏ bé và chưa đủ năng lực đảm nhiệm vai trò đầu mối lập quy hoạch tỉnh.

Một số giải pháp cấp bách cần thực hiện

Thứ nhất, công bố rộng rãi danh sách các tổ chức tư vấn đủ năng lực lập quy hoạch

Việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp quy hoạch đòi hỏi phải tập hợp được một đội ngũ tư vấn đủ lớn để tiến hành đồng thời lập các hợp phần quy hoạch đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, cũng như lập các “nội dung đề xuất” tích hợp vào quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, để đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn trong việc lập quy hoạch, tổ chức tư vấn quy hoạch phải đáp ứng điều kiện: có ít nhất một (01) chuyên gia tư vấn đảm nhiệm được vai trò chủ nhiệm dự án quy hoạch, và ít nhất năm (05) chuyên gia tư vấn đảm nhiệm được vai trò chủ trì lập hợp phần hay nội dung quy hoạch.

Chuyên gia tư vấn là chủ nhiệm dự án quy hoạch phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến quy hoạch cần lập, đã chủ trì lập ít nhất 01 quy hoạch cùng cấp quy hoạch cần lập hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 02 quy hoạch cùng cấp quy hoạch cần lập. Trường hợp quy hoạch cấp quốc gia lần đầu tiên được lập tại Việt Nam, chuyên gia tư vấn là chủ nhiệm dự án quy hoạch phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến quy hoạch cần lập và đã chủ trì lập ít nhất 02 quy hoạch cấp vùng hoặc quy hoạch được lập cho phạm vi lưu vực sông liên tỉnh.

Chuyên gia tư vấn chủ trì lập hợp phần quy hoạch hoặc nội dung quy hoạch đối với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh phải có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến hợp phần quy hoạch hoặc nội dung quy hoạch cần lập và đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 01 quy hoạch cùng cấp quy hoạch cần lập.

Để hỗ trợ các địa phương lựa chọn được tổ chức tư vấn đủ năng lực lập quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần lập danh sách các tổ chức tư vấn trong cả nước, xác định năng lực chuyên môn của tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để ngăn ngừa tình trạng tư vấn quá yếu về năng lực chuyên môn, không đáp ứng được yêu cầu tích hợp quy hoạch. Có cơ chế khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn lập quy hoạch thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước để đáp ứng nhu cầu lập quy hoạch của các địa phương trong cả nước.

Thứ hai, tăng cường huy động đội ngũ tư vấn lập quy hoạch trong cả nước

Nhu cầu tư vấn lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp quá lớn so với nguồn cung hiện nay, đặc biệt là nhu cầu tư vấn lập quy hoạch tỉnh rất lớn, trong khi thời gian lập quy hoạch tập trung chủ yếu vào hai năm 2020-2021. Vì vậy, cần tổng động viên toàn bộ đội ngũ các chuyên gia độc lập, cán bộ từng làm công tác quy hoạch đã nghỉ hưu, giảng viên các trường đại học, hội viên các hiệp hội về quy hoạch, những người có kinh nghiệm và am hiểu về công tác lập quy hoạch để cung cấp cho các tổ chức tư vấn lập quy hoạch tỉnh.

Theo định mức quy định, khi áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tới 94 chuyên gia tư vấn, để lập một quy hoạch vùng cần tới 56 chuyên gia tư vấn, để lập một quy hoạch tỉnh cần tới 47 chuyên gia tư vấn. Thực tế, hiện nay chỉ có một số ít viện chiến lược, viện quy hoạch ở cấp trung ương có thể đáp ứng được yêu cầu về số lượng chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, do hoạt động chuyên môn hóa theo ngành, lĩnh vực, nên không có đơn vị tư vấn nào có đủ các chuyên gia tư vấn tương ứng với tất cả các nội dung tích hợp vào quy hoạch. Vì vậy, các tổ chức tư vấn bắt buộc phải liên kết với các tổ chức tư vấn khác hoặc thu hút thêm chuyên gia tư vấn độc lập vào các ngành, lĩnh vực còn thiếu chuyên gia.

Đề huy động được đội ngũ chuyên gia trong cả nước tham gia vào lập quy hoạch, cần tiến hành các bước, như sau:

(1) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo rộng rãi trên cả nước việc huy động tư vấn lập quy hoạch các tỉnh và điều kiện đối với chuyên gia tư vấn lập quy hoạch. Những người đủ khả năng tham gia vào đội ngũ tư vấn lập quy hoạch phải gửi bản lý lịch khoa học tới cơ quan quản lý quy hoạch của Bộ (qua thư điện tử) kèm theo tài liệu chứng minh năng lực để xác minh, thẩm tra, đưa vào danh sách tư vấn.

(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường huy động đội ngũ nhân viên kỹ thuật bản đồ để khuyến khích tham gia và hỗ trợ các tổ chức tư vấn lập quy hoạch tỉnh trong việc ứng dụng các phần mềm hệ thống thông tin địa lý (GIS) để tích hợp các nội dung đề xuất vào quy hoạch tỉnh và xây dựng các bản đồ quy hoạch.

(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố danh sách, địa chỉ, điện thoại, năng lực chuyên môn của các chuyên gia tư vấn tự do, các nhân viên kỹ thuật bản đồ có thể tham gia vào việc lập quy hoạch để các tổ chức tư vấn lựa chọn theo nhu cầu thực tế. Quyền lợi của các chuyên gia, nhân viên kỹ thuật bản đồ do tổ chức tư vấn lập quy hoạch đảm bảo trên cơ sở hợp đồng giữa hai bên.

Thứ ba, nhanh chóng đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch

Việc chậm đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia gia về quy hoạch sẽ làm cho các cơ quan lập quy hoạch mất nhiều thời gian, công sức cho việc thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ cho lập quy hoạch; đồng thời, cũng ảnh hướng tới chất lượng quy hoạch, do chất lượng nguồn thông tin không chính thống không đảm bảo độ tin cậy.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần báo cáo Hội đồng Quy hoạch quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tích cực chia sẻ các thông tin, dữ liệu thuộc thẩm quyền quản lý để có thể đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, phục vụ kịp thời việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Xây dựng cơ chế thu phí và chia sẻ chi phí khi khai thác Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để có nguồn kinh phí phục vụ cho việc quản lý, vận hành, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn về tích hợp quy hoạch cho các tổ chức tư vấn lập quy hoạch

Để nâng cao năng lực của các tổ chức tư vấn lập quy hoạch, đặc biệt là tổ chức tư vấn lập quy hoạch tỉnh, cần triển khai thực hiện các hoạt động sau đây:

- Trên cơ sở thẩm tra năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mở các khóa đào tạo cấp tốc tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về tích hợp quy hoạch và quy trình lập quy hoạch tỉnh cho đội ngũ chuyên gia tư vấn. Để khắc phục tình trạng thiếu kinh phí đào tạo, Bộ nên có cơ chế huy động sự đóng góp của các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để đảm bảo chất lượng đào tạo.

- Tổ chức phổ biến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên Youtube, Facebook về yêu cầu, nội dung tích hợp quy hoạch; quy trình lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp; Phương pháp sử dụng các phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào việc tích hợp quy hoạch để hỗ trợ các chuyên gia tư vấn, các cán bộ quản lý quy hoạch tự tìm hiểu nâng cao năng lực bản thân./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017). Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2019). Nghị quyết số751/2019/UBTVQH14, 16/08/2019 Giải thích một số điều của Luật Quy hoạch

3. Chính phủ (2018). Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày, 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch

4. Chính phủ (2019). Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/05/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch

TS. Ngô Công Thành

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 11, tháng 04/2020)