Luật Quy hoạch có hiệu lực: 5 năm nhìn lại*
Từ khóa: Luật Quy hoạch, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích hợp, không gian
Summary
The Planning Law was promulgated in November 2017 and took effect from January 1, 2019. After 5 years of implementation, the Law has caused a very large impact on the socio-economic development of the whole country, regions, and localities. This article reviews the overall results of the implementation of the Planning Law since the law took effect, the positive and negative aspects, and proposes a number of recommendations to improve the effectiveness and efficiency of the Law in the coming time.
Keywords: Planning Law, socialist-oriented market economy, integration, spatial
SỰ RA ĐỜI TẤT YẾU CỦA LUẬT QUY HOẠCH
Nguồn gốc và nội hàm thuật ngữ quy hoạch
Theo Nguyễn Hiền và Nguyễn Hoàng Hà (2013), thuật ngữ “quy hoạch” được du nhập vào nước ta từ khi các chuyên gia Trung Quốc giúp đỡ xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, khu gang thép Thái Nguyên… vào những năm 1950-60. Lúc ban đầu, quy hoạch được hiểu là quản trị các hoạt động kinh tế - xã hội trên một không gian địa lý nhất định. Trên thực tế, “quy hoạch” với hàm nghĩa như vậy đã được áp dụng từ rất lâu trong lịch sử loài người như việc phân chia đất cư trú cư dân thuộc lưu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang thành 9 vùng vào 300 năm trước Công nguyên hay việc bố trí hệ thống đô thị tập trung lớn tới 0,8-1,2 triệu người ở thời La Mã Cổ đại (Thôi Công Hào và các cộng sự, 2002). Trải qua các thời kỳ phát triển của xã hội loài người, quy hoạch đã được tiến hóa và vận dụng rộng khắp trong mọi quốc gia có nhà nước. Nó không chỉ còn thuần túy liên quan đến mục tiêu bố trí dân cư, hay sản xuất nông nghiệp mà cho cả mục đích quân sự và đặc biệt là mục đích kinh tế, gắn với sự phát triển của lý thuyết về vị trí (location theory) và địa lý kinh tế (Isard, 2003). Hiện nay, nghiên cứu về phạm trù “quy hoạch” đã trở thành một ngành khoa học (còn được gọi là khoa học vùng) với việc thành lập Hiệp hội quốc tế về khoa học vùng (tên viết tắt tiếng Anh là RSAI) tại Hoa Kỳ vào năm 1954 (Isard, 2003; Florax và Plane, 2004).
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, công cụ “quy hoạch” được cả 2 khối cùng áp dụng. Tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, điển hình là Liên Xô (trước đây), “quy hoạch” (được dịch là Планировка nhằm phân biệt với “kế hoạch” (План)) được triển khai với các cấp độ khác nhau. Theo đó, cấp cao gồm: quốc gia, vùng kinh tế tổng hợp; cấp trung bình gồm: tỉnh, vùng trong tỉnh, đầu mối công nghiệp, vùng hành chính cấp thấp; và cấp thấp gồm: thành phố, các phân khu đô thị, các khu dự án tập trung (Trần Trọng Hanh 2015). Trong khi đó, Larsson (2006) cũng đã trình bày tổng quát hệ thống quy hoạch tại các nước phương Tây. Tác giả đã cho thấy, nhiều các nước phương Tây cũng quy hoạch lãnh thổ theo cấp độ quốc gia, vùng và địa phương theo quy định của các luật/đạo luật (có thể xem thêm tại Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch trong Hồ sơ dự Luật Quy hoạch trình Quốc hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2006)). Về cơ bản, quy hoạch ở cả hai khối có nội hàm, có ý nghĩa, mục tiêu tương đối giống nhau, nhưng khác nhau ở cách tiếp cận, phạm vi và sự tham gia của các chủ thể.
Những bất cập của hệ thống quy hoạch tại Việt Nam trước khi có Luật Quy hoạch
Tại Việt Nam, như đã trình bày ở trên, quy hoạch đã được du nhập vào từ những năm 1950 và sau đó hình thành và phát triển theo mô hình của Liên Xô (trước đây). Tuy nhiên, bước ngoặt đã xảy ra khi Việt Nam bắt đầu quá trình Đổi Mới, mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dường như chúng ta gặp sự lúng túng, khó khăn khi vừa muốn kế thừa vận dụng mô hình này nhưng đồng thời phải cải tiến nó để phù hợp với kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế như WTO, APEC, ASEAN… Hệ thống quy hoạch đã bộc lộ những bất cập rõ rệt, dễ thấy (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2006), như:
(i) Quy hoạch lập quá nhiều nhưng không rõ đối tượng, không phù hợp với kinh tế thị trường và thường xuyên bị lạm dụng từ “quy hoạch” gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội. Riêng trong thời kỳ 2011-2020, số lượng quy hoạch trên địa bàn cả nước đã được các bộ, ngành và địa phương triển khai lập là 12.860 quy hoạch. Thêm vào đó, không ít quy hoạch đã không phù hợp với nền kinh tế thị trường, vi phạm các nguyên tắc của WTO – đó là những quy hoạch sản phẩm. Đây là một trong những căn cứ cho việc các nước kiện chống phá giá đối với các sản phẩm này.
(ii) Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Đặc biệt, trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng lập quy hoạch nhưng dữ liệu làm căn cứ để lập quy hoạch lại không thống nhất, nhất là những dữ liệu về không gian. Điều đó đã dẫn tới các địa bàn và các đối tượng này lại có những định hướng khác nhau trong cùng một thời kỳ quy hoạch và đều được cấp thẩm quyền phê duyệt. Thêm vào đó, thiếu tính thứ bậc, thiếu tính ưu tiên trong các cấp độ quy hoạch, đồng thời thiếu sự thống nhất về thời kỳ quy hoạch và thiếu liên kết giữa các quy hoạch cũng đã làm cho hệ thống quy hoạch thiếu tính khả thi và chồng chéo. Do vậy, tính hiệu lực và hiệu quả của quy hoạch là không cao, gây ra khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp và người dân.
(iii) Quy hoạch chưa thể hiện được vai trò và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch; chất lượng quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như cân đối nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành. Tương tự, các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quy hoạch tuy đã được coi trọng, nhưng chưa được quan tâm thường xuyên, kịp thời và thiếu kiên quyết.
Bên cạnh đó, quy hoạch trên thế giới đang có sự thay đổi mạnh mẽ về cả lý thuyết và thực tiễn. Theo Archibugi (2008) đã kết luận rằng, các cách tiếp cận khác nhau, các loại hình quy hoạch khác nhau đều hướng tới sự tích hợp, đồng thời, đa mục tiêu, với nhiều bên tham gia. Trên thực tế, các nước cũng đã đi theo xu hướng này (Stoeglehner, 2016; Chapple, 2015; UN, 2008; Gilg, 2005; OECD, 2001) khi quy hoạch không chỉ đơn thuần là kinh tế - xã hội, hay môi trường hay vật thể (physical) mà là bao trùm, với sự tích hợp, đồng thời của các ngành, lĩnh vực trên một phạm vi không gian và có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Như vậy, có thể thấy hệ thống quy hoạch của nước ta bị lỗi thời do sự vận hành phân mảnh, đơn tuyến, thiếu liên kết.
Nhận thấy sự bất cập này trong thời gian dài, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (2012) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW nêu rõ là cần thiết phải “(i) Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; (ii) Tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; (iii) Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; và (iv) Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch”.
Như vậy, việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết, có tính cấp bách và là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thiện khung pháp lý của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại nước ta. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta xây dựng một luật thống nhất về quy hoạch, có tác động rất sâu rộng đến hầu hết các ngành, các địa phương và đặc biệt là phương thức quản lý nhà nước. Chính vì vậy, thời gian xây dựng Luật kéo dài, gần 5 năm (được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017) và cần thêm 2 năm để các bộ, ngành, địa phương có sự chuẩn bị cho sự thay đổi này.
ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT KẾT QUẢ THỰC HIỆN LUẬT QUY HOẠCH
Sau 5 năm có hiệu lực, sau đây là những đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch.
Những kết quả đạt được nổi trội
Đầu tiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), tính đến hết tháng 01/2024, hiện 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt. Trong đó, có 76 quy hoạch đã được phê duyệt; 5 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt; 23 quy hoạch đã thẩm định xong, đang hoàn thiện theo ý kiến thẩm định; 5 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định. Như vậy, mặc dù gặp những lúng túng, khó khăn nhất định do lần đầu triển khai theo quy định pháp lý mới, nhưng hầu hết các quy hoạch đã được phê duyệt.
(1) Nhận thức về vị trí và vai trò của quy hoạch được nâng lên rõ rệt ở tất cả hệ thống chính trị. Hiếm có một luật nào mà sau khi ra đời được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn, đốc thúc để tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ để lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Đặc biệt, ở cấp các bộ, ngành và địa phương, nhất là những người đứng đầu đã có sự quan tâm nhiều hơn đối với công tác quy hoạch. Nguyên nhân chính là số lượng quy hoạch đã giảm mạnh, nhiều nội dung quy hoạch thuộc thẩm quyền của các ngành, các địa phương được tích hợp, dẫn tới yêu cầu bắt buộc phải có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thuận hơn giữa các bên liên quan trong một bản quy hoạch. Sự phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước về quy hoạch được đẩy mạnh và hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp và loại hình quy hoạch, đặc biệt là ở quy hoạch tỉnh, làm tăng lên tính hiệu quả và hiệu lực của quy hoạch.
(2) Cách tiếp cận, tư duy về quản lý nhà nước của các cấp, các ngành từng bước thay đổi phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, quy hoạch là công cụ của Nhà nước định hướng tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng và khai thác, sử dụng tài nguyên bền vững. Việc bãi bỏ các quy hoạch ấn định khối lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể được sản xuất, tiêu thụ, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và việc quản lý hậu kiểm theo nguyên tắc minh bạch, công khai. Đây cũng là sự tương đồng với nhiều quy hoạch tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển (Nguyễn Hoàng Hà và các cộng sự, 2014). Sau khi Luật Quy hoạch đi vào triển khai, các vụ kiện chống phá giá theo các quy định của WTO đối với các sản phẩm của Việt Nam đã được giảm hẳn. Qua đó, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt, hơn phù hợp với tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù đã có những kết quả đạt được khá ấn tượng, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch còn những khó khăn, bất cập nhất định |
(3) Chất lượng công tác quy hoạch đã được nâng cao, có tính thống nhất, kết nối chặt chẽ hơn nữa chiến lược – quy hoạch – kế hoạch. Các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 bám sát Chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Quy hoạch cấp thấp hơn tuân thủ các quy hoạch cấp cao; trình tự trong hoạt động quy hoạch có tính thống nhất, đồng bộ, tuân thủ theo đúng luật định (Điều 7 Luật Quy hoạch). Đặc biệt, việc quy định gần như bắt buộc về việc áp dụng thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ và phương pháp liên quan như chồng lớp bản đồ, cho phép cập nhật kịp thời thông tin quy hoạch, bổ sung vào nguồn dữ liệu hiện trạng phục vụ kịp thời cho công tác quy hoạch. Việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu là cơ sở tin cậy cho quá trình phân tích, phát hiện những điểm mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột nảy sinh trong nội dung quy hoạch, qua đó nâng cao chất lượng quy hoạch. Từ đó, quy hoạch có tính khả thi hơn, hiệu lực hơn, góp phần tạo ra các cơ hội phát triển mới, không gian phát triển mới và giá trị mới cho quốc gia, vùng, địa phương.
Những khó khăn, bất cập và nguyên nhân
Mặc dù, đã có những kết quả đạt được khá ấn tượng, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch có những khó khăn, bất cập nhất định. Có thể liệt kê ra một số khó khăn, bất cập nổi bật như sau:
Một là, hầu hết các quy hoạch đều chậm tiến độ so với mục tiêu ban đầu (phải hoàn thành cơ bản trong năm 2021 và năm 2022). Đặc biệt, đối với quy hoạch ở cấp tỉnh, việc chậm tiến độ so với mục tiêu đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do các dự án đầu tư khi triển khai cần phải tuân thủ các định hướng trong quy hoạch. Một trong những nguyên nhân chính là trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế có những biến động không lường trước, ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có công tác quy hoạch, nhất là sự xuất hiện của dịch Covid-19.
Hai là, có sự khó khăn, lúng túng nhất định của các bên tham gia công tác quy hoạch, nhất là công tác phối hợp, liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương và xác định phạm vi của quy hoạch, cũng đã gây ra sự chậm trễ trong quá trình triển khai. Luật Quy hoạch là luật mới, chưa có tiền lệ, dẫn tới việc áp dụng còn khó khăn bỡ ngỡ. Để bảo đảm sự đồng bộ, Quốc hội đã ban hành 2 luật khác (vào năm 2018) để sửa đổi, bổ sung 48 luật có liên quan đến quy hoạch. Điều đó cho thấy, sự quyết liệt, mạnh mẽ trong đổi mới công tác quy hoạch một cách toàn diện của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhưng đồng thời, trong một thời gian ngắn, sự thay đổi nhanh chóng phần nào đó gây ra sự lúng túng, bỡ ngỡ khi áp dụng luật mới, nhất là trong việc tích hợp các nội dung và việc xóa bỏ các quy hoạch sản phẩm.
Ba là, sự tương thích, đồng bộ trong các văn bản pháp quy khác nhau liên quan đến quy hoạch, cũng như sự chưa lường trước hết được các tác động của Luật cũng gây ra những khó khăn cho quá trình triển khai. Ví dụ, chưa có sự đồng bộ về thẩm quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và thẩm quyền thẩm định quy hoạch tỉnh. Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Quy hoạch quy định, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh; trong khi đó, khoản 2 Điều 29 Luật Quy hoạch quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch để thẩm định quy hoạch tỉnh. Hoặc, vị trí của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia chưa hợp lý. Theo đó, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn chưa xác định rõ thuộc cấp nào trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong khi đó, Điều 5 quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó không có quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, nhưng loại hình quy hoạch này lại được giải thích cụ thể tại khoản 9 Điều 3 của Luật Quy hoạch và quy định danh mục tại Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch. Thêm vào đó, danh mục quy hoạch ngành quốc gia tại Phụ lục 1 của Luật Quy hoạch chưa phù hợp với phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương. Hiện nay, có một số quy hoạch chưa đủ dữ liệu để tổ chức lập[1]; hoặc có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung trùng lặp với nội dung quy hoạch cấp quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành[2] (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023).
Bốn là, sự bất cập trong quy định về hoạt động tư vấn cũng ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng của quy hoạch. Khoản 1 Điều 17 Luật Quy hoạch quy định việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Bên cạnh đó, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ gặp khó khăn trong trường hợp cần chỉ định thầu cho viện nghiên cứu trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là tổ chức tư vấn lập quy hoạch do một số quy hoạch có nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước, hoặc có tính đặc thù về kỹ thuật, chuyên ngành, hoặc trong trường hợp cấp bách, cần triển khai nhanh để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ. Bên cạnh đó, do việc triển khai đồng thời tất cả các quy hoạch, dẫn tới số lượng chuyên gia đáp ứng cho công tác quy hoạch gặp nhiều khó khăn.
Năm là, có sự bất cập trong quy định về kinh phí cho hoạt động quy hoạch dẫn tới việc khó khăn trong công tác giải ngân và quản lý tài chính của dự án quy hoạch. Trên thực tế, hiện đang rất thiếu các quy định liên quan đến tài chính cho công tác quy hoạch, như: thẩm định, hội họp, công tác phí… dẫn tới khó khăn trong công tác giải ngân, thanh, quyết toán. Ngoài ra, trong quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương sử dụng vốn đầu tư công thay vì chi thường xuyên, dẫn tới khó khăn hơn công tác giải ngân.
Sáu là, một số quy định trong Luật chưa rõ ràng hoặc chưa hướng dẫn đầy đủ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của quy hoạch. Ví dụ, nội hàm của khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa được hiểu một cách thống nhất ở các cấp, các ngành. Ở cấp tỉnh, các địa phương gặp nhiều lúng túng trong lập quy hoạch tỉnh, đặc biệt về phương pháp tích hợp quy hoạch, nội dung và mức độ chi tiết của quy hoạch; sự khác biệt giữa nội dung quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương.
Bảy là, một số bất cập khác có ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của quy hoạch. Ví dụ, để bảo đảm tiến độ, các quy hoạch ở các cấp quốc gia, vùng, và địa phương đều được lập đồng thời. Do thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh ngắn hơn quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng (24 tháng so 30 tháng) (Chính phủ, 2019), dẫn tới quy hoạch cấp thấp hơn được phê duyệt trước quy hoạch cấp cao hơn. Vì vậy, xuất hiện khả năng phải điều chỉnh các quy hoạch cấp thấp hơn sau khi quy hoạch cấp cao hơn được thông qua như trường hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ. Đó chắc chắn là một sự tốn kém chi phí và thời gian. Thêm vào đó, tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và Nghị định số 58/2023/NĐ-CP đều nêu thời hạn lập quy hoạch tính từ ngày “tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt”. Tuy nhiên, do thời gian đấu thầu có thể tốn rất nhiều thời gian (đã đề cập ở trên), nên sau khi chọn lựa được nhà thầu thì thời gian lập quy hoạch còn lại rất ngắn. Hoặc, sự khó khăn về dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thông tin địa lý gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quy hoạch, thậm chí không thực hiện được (trường hợp của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ). Việc công bố báo cáo quy hoạch, sơ đồ, bản đồ quy hoạch còn hạn chế do hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch chưa được xây dựng hoàn thiện.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ
Trước hết, cần khẳng định sự ưu việt, tiến bộ của Luật Quy hoạch với tinh thần đổi mới, chuyển đổi công tác quy hoạch theo hướng thị trường, tích hợp, kết hợp “khéo léo” giữa nội dung không gian và nội dung phi không gian, phù hợp với thời đại. Những sự khó khăn, bất cập xảy ra trong 5 năm qua là điều tất nhiên của một quá trình chuyển đổi không dễ dàng từ quy hoạch theo cơ chế cũ sang quy hoạch theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, mặc dù Chính phủ (2023) đã ban hành Nghị định số 58/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, tuy nhiên, những bất cập nêu trên chủ yếu nằm ở nội dung luật. Do đó, để khắc phục một cách triệt để cần phải ban hành một luật mới sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch hiện tại. Tuy nhiên, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm đúng tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Quy hoạch, đáp ứng được vai trò, ý nghĩa của Luật Quy hoạch trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là công cụ hiệu quả của Nhà nước trong định hướng, dẫn dắt sự phát triển của đất nước, vùng lãnh thổ và các địa phương.
Thứ ba, trước khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung (nếu có) cần phải tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch, trong đó có đánh giá tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch. Nghiên cứu rà soát các quy hoạch này để bảo đảm yêu cầu của Luật Quy hoạch, yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế.
Thứ tư, cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật và các văn bản pháp quy, văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quy hoạch. Luật Quy hoạch không thể giải quyết mọi vấn đề, bất cập liên quan đến công tác quy hoạch mà cần phải có hệ thống các văn bản pháp quy, đồng bộ, thống nhất, chung một mục tiêu. Song hành với yêu cầu này, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của quy hoạch; phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch, pháp luật có liên quan đến quy hoạch, trước tiên là cho công chức, viên chức trong ngành. Đồng thời, cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về quy hoạch; từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch ở các cấp, các ngành nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà về quy hoạch, nâng cao chất lượng của quy hoạch.
Thứ năm, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, trong đó tập trung việc xây dựng, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và việc cung cấp thông tin, dữ liệu về quy hoạch cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu và hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế về quy hoạch, về xu thế quy hoạch trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện phương pháp và nội dung quy hoạch phù hợp với điều kiện và từng giai đoạn phát triển của đất nước và gắn với hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Thứ bảy, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành Luật Quy hoạch và xử lý các vi phạm pháp luật về quy hoạch. Xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch là công cụ hỗ trợ hiệu quả việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư, công khai minh bạch thông tin, dữ liệu quy hoạch gắn với tăng cường giám sát xã hội về quy hoạch./.
Nguyễn Hoàng Hà - Viện Chiến lược phát triển
Tài liệu tham khảo
1. Archibugi, F. (2008), Planning Theory. From the Political Debate to the Methodological Reconstruction, Springer.
2. Ban Chấp hành Trung ương (2012), Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa XI, ngày 16/01/2012.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Tờ trình số 761/TTr-BKHĐT, ngày 30/01/2024 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Công văn số 9466/BKHĐT-QLQH ngày 12/11/2024 về việc lấy ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Hồ sơ dự án Luật Quy hoạch (trình Quốc hội), tháng 9/2016.
6. Booth, P., Breuillard, M., Fraser, C., Paris, D. (2007), Spatial Planning Systems of Britain and France. A comparative analysis, Routledge.
7. Chapple, K. (2015), Planning Sustainable Cities and Regions. Toward More Equitable Development, Earthscan.
8. Chính phủ (2023), Nghị định số 58/2023/NĐ-CP, ngày 12/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.
9. Chính phủ (2019), Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.
10. Florax, R.J.G.M., Plane, D.A. (2004), Fifty Years of Regional Science, Springer.
11. Gilg, A.W. (2005), Planning in Britain. Understanding & Evaluating the Post-War System, Sage.
12. Isard, W. (2003), History of Regional Science and the Regional Science Association International. The Beginnings and Early History, Springer.
13. Larsson, G. (2006), Spatial Planning Systems in Western Europe. An Overview, IOS Press.
14. Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Hà (2013), “Quy hoạch và sự thay đổi nội hàm trong bối cảnh thế giới mới”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 4(540), 5-7.
15. Nguyễn Hoàng Hà, Phan Thị Sông Thương, Nguyễn Thị Hương Giang (2014), Quy hoạch ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, 9(436), 32-40.
16. OECD (2001), Towards a New Role for Spatial Planning. Territorial Economy, OECD Publishing Service.
17. Quốc hội (2017), Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14, ngày 24/11/2017.
18. Stoeglehner, G. et al. (2016), Integrated Spatial and Energy Planning. Supporting Climate Protection and the Energy Turn with Means of Spatial Planning, Springer.
19. Thôi Công Hào, Ngụy Công Tuyền, Trần Tôn Hưng (2002), Phân tích và quy hoạch vùng, Giáo trình giảng dạy hướng tới Thế kỷ 21, Nxb Giáo dục Đại học Trung Quốc.
20. Trần Trọng Hanh (2015), Quy hoạch vùng, Nxb Xây dựng.
21. UN (2008), Spatial Planning. Key Instrument for Development and Effective Governance with Special Reference to Countries in Transition, UN Publication.
* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho cơ quan Viện Chiến lược phát triển nơi tác giả đang công tác làm việc.
[1] Bộ Công Thương đã có công văn số 5145/BCT-CN, ngày 19/7/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép chưa lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ vì chưa có dữ liệu đánh giá tiềm năng quặng urani.
[2] Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế (mục 22 Phụ lục 1) trùng nội dung với Quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (mục 26 Phụ lục 2), Quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước (mục 38 Phụ lục 2). Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội (mục 19 Phụ lục 1) trùng nội dung với Quy hoạch hệ thống cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng và cơ sở chăm sóc người khuyết tật (mục 14 Phụ lục 2), Quy hoạch cơ sở chăm sóc người cao tuổi (mục 15 Phụ lục 2). Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm (mục 16 Phụ lục 1) trùng nội dung với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (mục 16 Phụ lục 2).
Bình luận