Chiều ngày 17/6, với 446/458 đại biểu tán thành (8 đại biểu không tán thành, 4 đại biểu không biểu quyết) đạt tỷ lệ 92,34% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan cơ chế kiểm soát, giám sát ngành, nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh; đồng thời đưa ra những tiêu chí rõ ràng đối với việc bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Với 92,34% đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 291/BC-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cho biết, có nhiều điều luật có ý kiến khác nhau.

Cụ thể, về áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan (Điều 4), Báo cáo cho biết, có ý kiến cho rằng quy định nếu có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác mà chỉ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư là chưa hợp lý, gây phức tạp cho áp dụng pháp luật đối với trường hợp luật ban hành sau có quy định khác với Luật Đầu tư, đề nghị bỏ quy định tại khoản 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, sửa đổi quy định tại khoản 2 để phân định rõ trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đồng thời, bổ sung khoản 4 quy định đối với trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Về chính sách về đầu tư kinh doanh (Điều 5), có ý kiến cho rằng vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia có phạm vi rất rộng, cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để xác định và giải quyết đối với dự án bị đình chỉ đầu tư kinh doanh do có hoạt động gây phương hại đến quốc phòng, an ninh.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Quy định tại khoản 3 Điều 5 phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, kinh nghiệm quốc tế và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Để thực hiện chính sách trên, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định về quốc phòng, an ninh quốc gia, xác định thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Trong đó, quy định chỉ Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ngừng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (khoản 3 Điều 47). Qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế gia tăng thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

Đặc biệt, về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), Báo cáo cho biết, đa số ý kiến đề nghị quy định Phụ lục 1, 2, 3 tại dự thảo Luật và sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu quy định Phụ lục 1, 2 và 3 tại dự thảo Luật trên cơ sở rà soát, cập nhật nội dung các phụ lục này theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế.

Một vấn đề khác được dư luận quan tâm, đó là quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Báo cáo cho biết, đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6.

Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 15 và Điều 16), có ý kiến cho rằng quy định về đối tượng được ưu đãi đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, tránh tràn lan, theo định hướng phát triển các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, các vùng kinh tế có tác động lan tỏa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 dự thảo Luật được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước. Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế). Đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...

Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20), có ý kiến đề nghị bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khác tại điểm c khoản 2, vì quy định này chưa rõ ràng về tiêu chí, dự án ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại điểm a và b tại khoản này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu bỏ quy định tại điểm c khoản 2 của Điều này.

Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 với mức ưu đãi đầu tư đặc biệt, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật, dẫn đến mở rộng ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai. Quy định trên có thể dẫn tới xung đột pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

Đồng thời bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 75 của dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và để chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26), có ý kiến cho rằng cần phải quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn những hình thức đầu tư thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế để đầu tư vào các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia cần hài hòa với nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội tại các khu vực đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển; quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật…

Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29), có ý kiến cho rằng, tại điểm a khoản 4, quy định đối với nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời lựa chọn nhà đầu tư là chưa phù hợp với Luật Nhà ở và Luật Xây dựng.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo rằng, Dự thảo Luật quy định đối với các dự án thuộc diện chấp thuận đầu tư mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tránh trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phải đến cơ quan có thẩm quyền hai lần, một lần để xin chấp thuận chủ trương đầu tư, một lần để xin chấp thuận nhà đầu tư.

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31), một số ý kiến đề nghị phân cấp cho địa phương hoặc bỏ quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với những dự án có quy mô vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên vì đây là vốn đầu tư của tư nhân, nhà đầu tư tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và thực hiện theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, bỏ quy định tại khoản 2 Điều này.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư (Điều 46), Báo cáo cho biết, có ý kiến cho rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật Đầu tư và Điều 49 của Luật Kinh doanh bất động sản, dẫn đến nhà đầu tư phải thực hiện hai thủ tục có tính chất, nội dung tương tự nhau, thủ tục theo Luật Đầu tư và thủ tục theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, quy định rõ phạm vi áp dụng quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản về việc chuyển nhượng dự án đầu tư tại khoản 2 Điều 46. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều 50 và 51 của Luật Kinh doanh bất động sản tại Điều 75 dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp về thủ tục có tính chất, nội dung tương tự nhau giữa hai Luật này.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh (Điều 75), có ý kiến cho rằng điểm b khoản 1 Điều này sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Nhà ở là chưa hợp lý vì phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nói chung, trong đó có dự án nhà ở, còn thủ tục và điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cần được quy định trong Luật Nhà ở. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng quy định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời bổ sung quy định trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận, thì việc xác định chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng./.