Chuyển từ "chọn - cho" sang "chọn - bỏ"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Theo Bộ trưởng, phương pháp tiếp cận của từ trước đến nay là tiếp cận “chọn - cho” - nghĩa là cái gì cho thì ghi trong luật. Trong khi đó, chúng ta không thể ghi đủ tất cả những thứ cần phải cho, bởi xã hội có quá nhiều ngành nghề, có những ngành nghề phát sinh mới. Một khi không ghi trong luật, người dân lại phải đi xin cơ quan quản lý nhà nước. Cũng vì không có ghi trong luật dẫn đến người thích thì cho, không thích thì không cho… gây khó khăn, tốn kém, không minh bạch.
Lần này, khi soạn thảo Luật đầu tư (sửa đổi), chúng ta dùng phương thức tiếp cận mới, đó là “chọn - bỏ”.
“Đây là phương pháp tiếp cận tiên tiến, minh bạch, song cũng rất khó làm”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Giải thích cho nhận định trên, Bộ trưởng cho biết: “Chọn - bỏ là những gì khó làm thì cấm, và được ghi vào luật, cái gì luật không ghi hoặc ghi thiếu là người dân, doanh nghiệp được quyền làm. Đây là sự thay đổi rất mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Bộ trưởng chia sẻ: “Từ kỳ họp năm ngoái đến bây giờ, anh em ở bộ phận soạn thảo làm việc liên tục để rà soát danh mục, bởi vì nó rất phức tạp, chồng chéo, rất khó khái niệm. hôm nay chúng ta có danh mục 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.
Vấn đề thứ hai của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là thể hiện được sự bảo hộ đầu tư với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, minh bạch và phù hợp với các thông lệ của quốc tế. Dự thảo đã cập nhật tất cả quyền sở hữu của nhà đầu tư, cam kết bồi thường thỏa đáng khi quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không được đảm bảo, khi nhà nước quốc hữu hóa… đều phải bồi thường.
Vấn đề thứ ba mà dự án Luật hướng đến và được các đại biểu đồng tình đánh giá cao là thủ tục thông thoáng.
Trong tất cả các quy định của Luật, Ban soạn thảo đã quy định bỏ toàn bộ giấy chứng nhận đầu tư với tất cả các dự án đầu tư trong nước. Đây không phải là buông lỏng, mà vì chúng ta đã đối chiếu với tất cả các luật lệ, các luật chuyên ngành. Các quy định đã quá chặt, quá cụ thể nên không nhất thiết bắt doanh nghiệp phải làm trùng lặp lại, điều này tạo thuận thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư trong nước.
“Chỉ có đối với nhà đầu tư nước ngoài thì không thể cào bằng. Một khi anh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, khi anh thành lập doanh nghiệp ở trong nước thì anh được hưởng các công bằng, không phân biệt đối xử, còn một khi anh mới vào anh phải chịu kiểm soát, không có nước nào không kiểm soát hết và chúng ta càng phải cần kiểm soát hơn trong điều kiện hiện nay. Chỉ có điều kiểm soát phải chính đáng, minh bạch và rút ngắn thời gian”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Trước đó, góp ý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận xét, đây là bước đột phá rất quan trọng theo Hiến pháp 2013, chuyển cách quản lý theo kiểu là “chọn - cho” sang quản lý theo kiểu “chọn - bỏ”.
"Đây là đột phá mang tính cách mạng, tôi rất ủng hộ tư tưởng này”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh./.
Bình luận