Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Hội đồng Cạnh tranh

Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh.

Theo đó, Hội đồng Cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh: Tổ chức tiếp nhận Báo cáo điều tra và Hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 93 Luật Cạnh tranh; xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định tại Điều 119 Luật Cạnh tranh; yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Hội đồng Cạnh tranh còn có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại đối với các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định khác của Hội đồng Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tọa Phiên điều trần theo trình tự, thủ tục của pháp luật khiếu nại.

Hội đồng Cạnh tranh tham gia tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật tố tụng hành chính.

Hội đồng Cạnh tranh tổ chức và hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hội đồng Cạnh tranh có từ 11 - 15 thành viên, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Cạnh tranh là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Hội đồng Cạnh tranh có cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và tuyển dụng, bổ nhiệm công chức của Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2015.

Chương trình hành động xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Mục tiêu của Chương trình hành động là triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; từng bước xây dựng thị trường văn hóa, phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh, tạo lập vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; hoàn thiện hệ thống khung pháp lý; cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội

Đến năm 2030, hoàn thiện và phổ biến các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời tạo dựng những giá trị mới phù hợp để con người Việt Nam có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, kỹ năng hội nhập phù hợp với sự phát triển của đất nước; đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội; phát triển đồng bộ thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa; phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong hội nhập khu vực và thế giới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách...

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Để đạt được những mục tiêu trên, chương trình sẽ thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Nghị quyết 33; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; hoàn thiện thể chế và các cơ chế, chính sách; tăng cường giám sát thực hiện.

Cụ thể, Chương trình sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa; tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Trong đó, tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, theo các giá trị chuẩn mực, trong đó trọng tâm là nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; lựa chọn các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế của Việt Nam; xác lập thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế...

Tổ chức, hoạt động của BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về VH, XH, KH, CN và GDĐT

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo vừa ký Quyết định ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo (Ban Chỉ đạo liên ngành) là một bộ phận của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo quốc gia) được thành lập theo Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.

Ban Chỉ đạo liên ngành có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia các chủ trương, chính sách lớn, chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo (VH, XH, KH, CN và GDĐT); đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về hội nhập quốc tế về VH, XH, KH, CN và GDĐT cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn.

Ban Chỉ đạo liên ngành còn giúp Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các chủ trương, chính sách lớn về hội nhập quốc tế về VH, XH, KH, CN và GDĐT; giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến hội nhập quốc tế về VH, XH, KH, CN và GDĐT; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phối hợp, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách về hội nhập quốc tế về VH, XH, KH, CN và GDĐT.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo liên ngành phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan và địa phương tiến hành công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền và bồi dưỡng kiến thức về chủ trương, đường lối và các nội dung của hội nhập quốc tế về VH, XH, KH, CN và GDĐT...

Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kiêm Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ