Hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động

Theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.

Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm khi có đủ 4 điều kiện sau:

1. Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.

2. Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 3 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

3. Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

4. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Những người sử dụng lao động khi đủ các điều kiện trên sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là ½ tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Đối với khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Tạo bước đột phá trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 là tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.

Theo đó, năm 2015, tiếp tục thực hiện chi tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương.

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp.

Chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10-15% tổng mức đầu tư. Không tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

Về quản lý, sửa dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công, thực hiện nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật; sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định.

Năm 2015 không tăng biên chế CBCCVC

Về quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, Quyết định nêu rõ, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế. Không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2015. Đối với số biên chế giảm do nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, các đơn vị chỉ được bổ sung tối đa 50% số biên chế giảm.

Thực hiện quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và đảm bảo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, công sở.

Giảm ít nhất 50% số giờ nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm);...

Thành lập BCĐ trung ương về phòng, chống thiên tai

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, làm nhiệm vụ điều phối liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi cả nước.

Quyết định nêu rõ, tổ chức của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 4/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban.

Các Phó Trưởng ban gồm: Một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phó Trưởng ban thường trực); một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Các ủy viên của Ban gồm đại diện là lãnh đạo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải,...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng bộ máy, biên chế của Cục Phòng, chống thiên tai làm nhiệm vụ của Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ hướng dẫn việc xây dựng, đôn đốc thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia, chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai; hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, điều phối ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi toàn quốc; quyết định các biện pháp cấp bách, huy động các nguồn lực của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của tổ chức, cá nhân để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định; kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Đổi mới cơ chế hoạt động Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2015 - 2017.

Mục tiêu chung của Đề án là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; đồng thời bảo đảm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên là đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của Trường.

Xây dựng mô hình ĐH định hướng nghiên cứu hiện đại

Mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức và nhân sự của Trường theo mô hình trường đại học định hướng nghiên cứu hiện đại; thực hiện quản lý trường đại học theo các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng và ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, bảo đảm năng lực quản trị, lãnh đạo và quản lý hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập quốc tế; bảo đảm người học được trang bị kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo cam kết của Trường, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phát triển, hoàn thiện các ngành và chuyên ngành đào tạo, các chương trình đào tạo ở các bậc học trên cơ sở chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trên thế giới; xây dựng hệ thống giáo trình bảo đảm tính cơ bản, hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, chuyển dịch cơ cấu đào tạo theo hướng chú trọng các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài...

Năm học 2014-2015 học phí tối đa 9,5 triệu đồng

Theo nội dung đổi mới hoạt động, trường quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của Trường; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của Trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định; quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ); bảo đảm chuẩn đầu ra mà Trường đã cam kết; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định.

Về học phí, trường sẽ thu học phí ổn định theo kế hoạch nêu trong Đề án với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 9,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu đồng/sinh viên/năm và đến năm học 2016-2017 là 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký các quyết định thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học. Việc thí điểm này nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho Ngân sách nhà nước, đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách...

Sắp xếp, đổi mới DNNN tỉnh Bắc Kạn

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với Công ty TNHH 1 thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Bắc Kạn.

Thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2015-2016, nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ đối với Công ty TNHH 1 thành viên Cấp thoát nước Bắc Kạn; nhà nước không nắm giữ cổ phần đối với Công ty TNHH 1 thành viên In Bắc Kạn.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm khẩn trương thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp trên theo quy định hiện hành; thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Bắc Kạn hoặc chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 172/2013/NĐ-CP và các quy định có liên quan, UBND tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thành lập Công ty TNHH 1 thành viên Thủy nông Bắc Kạn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Căn cứ quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và các quy định có liên quan, chỉ đạo Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Xử lý tài chính khi chuyển giao cảng Nha Trang

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý tài chính khi thực hiện chuyển giao cảng Nha Trang từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về UBND tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với Công ty cổ phần Vinpearl Nha Trang. Giá chuyển nhượng thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở kết quả thẩm định của tổ chức có chức năng tư vấn, thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Số cổ phần còn lại (15,070 triệu cổ phần) chuyển cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo hình thức bàn giao vốn nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines xây dựng phương án xác định vốn điều lệ và phương án cổ phần hóa theo hướng giảm nguồn vốn chủ sở hữu tại Vinalines tương ứng với giá trị cổ phần chuyển giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý.

UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi tiếp nhận phần vốn Vinalines bàn giao, thực hiện thoái vốn theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối. Toàn bộ tiền thu từ thoái vốn, UBND tỉnh Khánh Hòa nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Thanh tra việc thu phụ phí của hãng tàu nước ngoài

Kết luận tại cuộc họp về tình hình thu phụ phí theo cước vận tải biển của hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương và các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra việc thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính và các cơ quan có liên quan, căn cứ quy định pháp luật về cạnh tranh, rà soát, đánh giá thực tế việc thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các loại phụ phí theo cước vận tải biển mà các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang thu, đối chiếu với thông lệ quốc tế đang áp dụng, đề xuất ban hành quy định về danh mục các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng tại Việt Nam, quy trình đăng ký, kê khai, kiểm soát các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến tháng 10/2014, có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đảm nhận khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó đảm nhận gần 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container xuất, nhập từ các thị trường như Châu Âu, Châu Mỹ, Bắc Mỹ.

Với tình trạng phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài nên chủ hàng Việt Nam bị áp đặt thu nhiều các phụ phí khác nhau. Hiện tại có khoảng 12 loại phụ phí các hãng tàu đang áp dụng thu như phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối công-te-nơ (CIC), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí hóa đơn… Các doanh nghiệp Việt Nam do không được trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng vận chuyển, thường bị áp đặt bị động, đồng thời vì chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc quản lý, giám sát thu phụ phí nên không bảo vệ được quyền lợi của chủ hàng và các hãng tàu thường lạm dụng để thu thêm một số loại phí khi hiện tượng biến động đã chấm dứt hoặc không xảy ra.

3 Ủy viên BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, ANQP

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng vừa ký quyết định phê duyệt Danh sách Ủy viên Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, có 3 Ủy viên Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng gồm: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, kiêm Tổng Thư ký; Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng là một bộ phận của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo quốc gia), được thành lập theo Quyết định 596/QĐ-TTg, ngày 23/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.

Ban Chỉ đạo liên ngành có nhiệm vụ tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia trong việc đề ra các định hướng, chiến lược, giải pháp lớn và xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn liên quan đến hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh đó, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng.

Đồng thời, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia theo dõi, đôn đốc sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân để đảm bảo sự triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng./.