Bổ sung 100 tỷ đồng tu bổ đê điều

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 100 tỷ đồng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện tu bổ đê điều thường xuyên năm 2015.

Khoản bổ sung 100 tỷ đồng này là từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn cho các hạng mục quan trọng, cấp bách đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định và hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2015; trong đó ưu tiên xử lý triệt để những vị trí đã xảy ra sự cố sạt lở, thẩm lậu, uy hiếp an toàn đê.

Theo thông tin vừa cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trong mùa mưa lũ năm 2015 sẽ rất phức tạp, mặc dù số lượng cơn bão ít hơn nhưng khốc liệt và khó lường hơn, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão sẽ trực tiếp đổ vào đất liền nước ta.

Do đó, công tác củng cố, tu bổ đê điều luôn được chú trọng, quan tâm đầu tư.

Chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn NN tại DN về SCIC

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan và Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31/8/2015.

Trường hợp Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phối hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển giao thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thay thế Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.

Chưa bổ sung cước vận tải vào danh mục bình ổn giá

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chưa bổ sung dịch vụ vận tải bằng ô tô vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá như đề xuất của Bộ Tài chính.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý giá cước vận tải bằng ô tô theo quy định hiện hành.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường vận chuyển bằng xe ô tô là thị trường có tính cạnh tranh cao với nhiều người mua và nhiều người bán, thông tin giá cước được niêm yết công khai tại nơi bán vé và mặt ngoài trên phương tiện vận chuyển. Theo thống kê, hiện tại có khoảng 2.681 doanh nghiệp, 568 hợp tác xã, hộ kinh doanh gia đình tham gia thị trường kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Trong môi trường cạnh tranh, để tồn tại và phát triển, các đơn vị vận tải bằng xe ô tô cạnh tranh không chỉ bằng chất lượng dịch vụ mà còn cạnh tranh về giá cước. Giá cước vận tải ô tô phụ thuộc vào loại phương tiện, quy mô đơn vị vận tải, cự ly vận chuyển, tuyến vận chuyển, chất lượng dịch vụ nên có nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá khó thực hiện, nhất là biện pháp quy định giá trần.

Ngoài ra, các quy định hiện hành (Luật Giao thông đường bộ, Luật Giá và pháp luật hiện hành) quy định cơ chế quản lý giá cước bằng xe ôtô theo nguyên tắc thị trường. Các đơn vị tự quy định giá cước theo cơ chế thị trường và kê khai giá với cơ quan Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, quy định này hoàn toàn phù hợp và tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị chưa bổ sung dịch vụ vận tải bằng ô tô vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam)

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Nam chủ trì, tiếp thu ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, chỉ đạo triển khai theo đúng quy định của pháp luật.

Khu du lịch Tam Chúc thuộc xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý gần 15 km về phía Tây nằm trên tuyến quốc lộ 21 kề cận với các khu du lịch lớn của quốc gia như Khu du lịch chùa Hương (Hà Nội), khu du lịch Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình) khu du lịch chùa Tiên (Hoà Bình).

Nơi đây là vùng ngập nước núi đá vôi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh như: động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, động Lim, động Đề Yêm, động Chùa, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng.

Khu du lịch Tam Chúc có vị trí đặc biệt là gạch nối giữa Khu du lịch chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước.

Tháo gỡ vướng mắc cấp thị thực cho khách du lịch

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết gia hạn tạm trú cho khách đến từ các nước thuộc diện đơn phương miễn thị thực có nhu cầu tiếp tục ở lại Việt Nam du lịch quá thời hạn 15 ngày nếu có doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế bảo lãnh, quản lý khách theo chương trình du lịch do doanh nghiệp tổ chức và khách có vé máy bay khứ hồi. Thời hạn gia hạn tạm trú phù hợp với chương trình du lịch nhưng không quá 15 ngày và chỉ gia hạn tạm trú 1 lần.

Bên cạnh đó, xem xét, cấp thị thực tại cửa khẩu đối với khách du lịch đến từ các nước thuộc diện đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay trở lại Việt Nam cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam chưa đến 30 ngày, nếu khách có vé máy bay xuất cảnh khỏi Việt Nam. Thời hạn thị thực phù hợp với thời hạn vé máy bay nhưng không quá 15 ngày.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế trong việc thực hiện bảo lãnh và quản lý khách du lịch gia hạn tạm trú; có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó làm rõ mô hình, nguyên tắc hoạt động, nguồn huy động, cơ chế quản lý tài chính của Quỹ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Công an nghiên cứu, đề xuất mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực, trước hết là các nước đang là thị trường nguồn khách du lịch có tiềm năng lớn, có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2015.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 66/2009/TT-BTC ngày 30/3/2009 và Thông tư 190/2012/TT-BTC ngày 09/11/2012 quy định chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh theo hướng có mức thu lệ phí nhập cảnh hợp lý, bảo đảm minh bạch, thúc đẩy việc thu hút khách du lịch; báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành Thông tư sửa đổi các thông tư này./.