Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch từ cấp cao đến cấp thấp “đều thiếu và yếu”.

“Nghe báo cáo sơ bộ thì chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ. Một số doanh nghiệp như Saigontourist, Vingroup hoàn thành xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng xong mà chưa thể khánh thành ngay được vì chưa tuyển đủ nhân lực vận hành”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đề án phải đặt ra kế hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Việt Nam, kể cả nguồn nhân lực quản lý du lịch từ cấp cao đến cấp thấp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khi Đề án được hoàn thiện và thực hiện thì phải giải quyết được các bất cập hiện nay nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc cấp thị thực (visa), tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa; đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư vào ngành du lịch (về đất đai, thuế, giá điện, giá nước…); nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa-du lịch; xóa bỏ được những nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam như cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường...

Báo cáo thường niên Travel & Tourism Economic Impact 2016 Viet Nam (WTTC) của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới công bố hồi tháng 3/2016 cho biết, tổng đóng góp của du lịch vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP).

Tổng đóng góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là hơn 6,035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành du lịch tạo ra là 2,783 triệu (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đầu tư vào lĩnh vực du lịch năm 2015 đạt 113.497 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng đầu tư cả nước…

Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Đề án chưa thể hiện rõ được các nguồn lực về thể chế, chính sách, tài chính, các giá trị văn hóa tinh thần để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thực tiễn hiện nay, phí, giá dịch vụ du lịch vẫn rất thấp, cào bằng, không đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, nâng cao giá trị của di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như sự phát triển của ngành du lịch. Đơn giá điện phục vụ cho du lịch, thì cao hơn đơn giá điện phục vụ sản xuất. Chưa có ưu đãi thuế đất đối với các công trình lưu trú trong các khu vực hạn chế xây dựng (như cố đô Huế) hay các công trình lưu trú có sử dụng nhiều diện tích trồng nhiều cây xanh, sinh thái…

Để hoàn thiện Đề án trước khi trình ra Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo nhận thức rõ sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan.

Cụ thể là chưa có thể chế tốt về quản lý và phát triển du lịch theo sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường. Làm rõ được thể chế, chính sách cho ngành du lịch phát triển được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ coi là điểm đột phá mà Đề án phải đạt được.

Về giải pháp thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy phát triển du lịch là tiên quyết.

“Phải hành xử với du lịch như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật phổ quát của nền kinh tế thị trường, có thể chế, chính sách vượt trội thì mới thành mũi nhọn. Nếu các bộ, ngành nói chính sách vướng cho quản lý thì sẽ “tắc””, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Để thực hiện Đề án này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch trong giai đoạn 2016- 2020 có tầm nhìn tới năm 2030 dựa trên 3 trọng điểm là: hạ tầng; xác định loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch trong đó có các chính sách thu hút nguồn lực nhà nước và xã hội, bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá phí dịch vụ du lịch, có lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ du lịch tương ứng với quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Cơ quan soạn thảo phải thể hiện rõ chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020; có kế hoạch phát triển nguồn lực du lịch cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn lao động.

Tỉnh, thành phố nào có thế mạnh về du lịch sẽ thành lập Sở Du lịch trên cơ sở không tăng biên chế và chịu sự quản lý, giám sát của một Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực kinh tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xác định kế hoạch phát triển ngành du lịch dài hơi hơn thay vì chỉ tính toán tới năm 2020 và nhấn mạnh việc Bộ Chính trị sẽ thảo luận và xem xét thông qua Đề án là cơ hội “có một không hai” để thúc đẩy ngành du lịch có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn./.