Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc/ Ảnh:tcvn.gov.vn

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cung cấp thông tin, hiện có khoảng 74 nghìn doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực, trong đó riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày.

Đồng thời nếu giảm được 1 ngày thủ tục thông quan sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 200 USD một lô hàng. Trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 8,3 triệu lô hàng, 36% trong số đó bị kiểm tra, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần các quốc gia trong TPP và gấp 3 lần EU.

Điểm khác biệt lớn nhất trong Nghị quyết 19 lần này so với hai Nghị quyết 19 của các năm 2014 và 2015 là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được nêu tên và giao những nhiệm vụ rất cụ thể trong Nghị quyết lần này.

Trên cơ sở các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 19/2016 đã chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể đối với từng bộ, ngành. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ có 5 nhiệm vụ cụ thể đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

“Nhưng, quan trọng hơn là chất lượng kiểm tra, kết quả kiểm tra rất thấp, phát hiện vi phạm không đang kể, hầu hết hàng hóa đều qua. Điều này đang cản trở sự phát triển. Vì 94% lượng hàng nhập khẩu là để phục vụ sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn.

Trước thực trạng trên, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% vào cuối năm nay.

Là người theo sát Nghị quyết 19, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ rõ, để giảm được thời gian thông quan hàng hóa – một trong những yêu cầu trọng tâm của Nghị quyết 19 của Chính phủ, thì vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ là rất quan trọng. Vì hai luật gốc của hoạt động quản lý chuyên ngành là Luật Chất lượng sản phẩm và Luật Đo lường.

Báo cáo về công việc của Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, Bộ đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu trong thời gian qua, đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Thời gian dành cho hoạt động kiểm tra chất lượng đã được cắt giảm so với trước.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 110/TTLT-BTC-BKHCN ngày 30/6/2016 Hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Thông tư hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu, góp phần giảm bớt thời gian đọng hàng ở cửa khẩu chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp và rút ngắn được thời gian trao đổi và cung cấp thông tin về kết quả kiểm tra, đánh giá sự phù hợp (các cơ quan kiểm tra, đánh giá sự phù hợp, hải quan chấp nhận trao đổi và xử lý thông tin trên file ảnh qua email, qua bản fax...).

Ở góc độ Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, nếu các lô hàng khi nhập khẩu vào đã có chứng chỉ chất lượng (chứng chỉ này được cấp bởi tổ chức được thừa nhận từ nước ngoài được chỉ định hoặc tổ chức được chỉ định trong nước thực hiện đánh giá tại nguồn sản xuất ở nước xuất khẩu), thì thời gian kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ không quá 1,5 ngày, đáp ứng tốt yêu cầu của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Vinh cũng cho biết, để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu nói riêng, cũng như đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành... cần giải quyết nút thắt quan trọng nhất ở khâu triển khai hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Trong đó, các bộ, ngành cần đẩy mạnh việc triển khai hình thức đánh giá cơ sở sản xuất tại nguồn nước xuất khẩu; bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam và nước xuất khẩu (cơ chế G to G); triển khai nguyên tắc cho phép áp dụng các biện pháp kiểm tra, đánh giá sự phù hợp theo các chế độ bình thường, chế độ chặt, chế độ lỏng căn cứ vào mức độ rủi ro của từng loại hàng hoá cũng như kết quả tuân thủ yêu cầu chất lượng, an toàn của doanh nghiệp nhập khẩu.

Ngoài ra, với một số sản phẩm hàng hoá nhóm 2 không quá rủi ro, theo nguyên tắc của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, có thể chỉ cần áp dụng cơ chế công bố hợp quy và tăng cường hậu kiểm…

Thực hiện công việc này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ này làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát lại sản phẩm, hàng hoá để loại khỏi Danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 đối với các sản phẩm không thực sự có nguy cơ cao về an toàn; giao Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp nói chung ngoài một số lĩnh vực đánh giá sự phù hợp chuyên sâu để thực sự đảm bảo tính khách quan trong việc thúc đẩy cơ chế xã hội hoá hoạt động đánh giá sự phù hợp, thừa nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài, mà hiện nay các bộ, ngành còn chưa thực hiện...

Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cải cách kiểm tra chuyên ngành nghe qua dường như không liên quan khoa học và công nghệ, nhưng sự đóng góp của các đồng chí rất quan trọng. Giảm thời gian thông quan được 1 ngày thì 1 năm chúng ta tiết kiệm được ít nhất 800 triệu USD, bằng đúng kinh phí cấp cho ngành khoa học và công nghệ hằng năm”.

Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu sửa ngay Thông tư 28 về công bố hợp chuẩn, hợp quy trong thời gian ngắn nhất trên tinh thần “sửa đâu chắc đấy” để các Bộ (Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) có cơ sở sửa đổi các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý.

Phó Thủ tướng lưu ý thêm, về lâu dài, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đòi hỏi Việt Nam phải rà soát, sửa đổi nhiều luật trong đó có các luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa. Nhưng trước mắt, nếu tập trung vận dụng linh hoạt các quy định của luật hiện hành có thể xử lý được tới 80% vướng mắc hiện tại.

Liên quan đến mục tiêu giảm số mặt hàng và thời gian kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngay tuần tới các Bộ phải đưa ra đề xuất cụ thể, thống nhất thực hiện theo đúng Nghị quyết 19 của Chính phủ./.

Ngày 28/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.