Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động ĐH Bách khoa Hà Nội

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế và hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí;...

Trường được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án của Trường phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu của xã hội; quyết định chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; thiết kế, in phôi bằng, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Trường được quyết định liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo trong nước; liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với đối tác là các trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới trên cơ sở các chương trình liên kết đã được kiểm định chất lượng; công khai thông tin về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học; quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Hợp tác kỹ thuật chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hợp tác kỹ thuật về ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị viêm phổi đề nghị Chính phủ Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại.

Dự án thực hiện trong 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2022) với nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản là 350.000.000 Yên Nhật (tương đương 3.500.000 đô la Mỹ hoặc 78.050.000.000 đồng).

Mục tiêu chung của Dự án nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm phổi mắc phải tại cộng đồng kháng thuốc ở trẻ em Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là phát triển những kỹ thuật mới để xác định các căn nguyên vi khuẩn kháng thuốc gây viêm phổi, triển khai áp dụng, chuẩn hóa các kỹ thuật mới tại Bệnh viện Nhi Trung ương, và chuyển giao những kỹ thuật này tới 7 bệnh viện khác ở Việt Nam; thiết lập một hệ thống đăng ký, theo dõi, giám sát và báo cáo các trường hợp viêm phổi mắc phải tại cộng đồng kháng thuốc được điều trị tại 8 bệnh viện tại Việt Nam, với Bệnh viện Nhi Trung ương là trung tâm; chẩn đoán và điều trị viêm phổi kháng thuốc.

Cụ thể, Dự án sẽ hỗ trợ hệ thống các bệnh viện Nhi quản lý và kiểm soát tốt hơn các xu hướng kháng thuốc để đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời; thiết lập hệ thống chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng kháng thuốc thống nhất, sử dụng cho các bệnh viện Nhi trên toàn quốc.

Đồng thời, phát triển các loại thuốc mới, ứng dụng trong điều trị các viêm phổi mắc phải tại cộng đồng ở trẻ em dưới năm tuổi ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới; góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, giảm các chi phí điều trị và các chi phí cơ hội phát sinh cho các gia đình liên quan tới chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bổ sung kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung dự toán năm 2016 số tiền 199,009 tỷ đồng cho các Bộ, ngành, cơ quan từ nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương năm 2016 để thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Việc quản lý, sử dụng số kinh phí được bổ sung trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; thông báo cụ thể số kinh phí bổ sung cho các Bộ, ngành, cơ quan theo quy định.

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn đơn vị quản lý và sử dụng số kinh phí được bổ sung theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Nâng cao chất lượng chi tiêu công

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình "Nâng cao chất lượng chi tiêu công" do ADB tài trợ.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình nhằm hỗ trợ Chính phủ cải thiện điều kiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm cải thiện đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu cụ thể là trợ giúp Chính phủ cải thiện hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam thông qua việc phân bổ nguồn lực tài chính công một cách hiệu quả; tăng cường năng lực xác định và quản lý rủi ro tài khóa; và cải thiện công tác giám sát, theo dõi và đánh giá chi tiêu công.

Tổng kinh phí Chương trình là 200 triệu USD, do ADB tài trợ, trong đó, vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) 117,3 triệu USD, vốn vay thông thường (OCR) 82,7 triệu USD.

Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản của Chương trình. Các cơ quan thực hiện gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện các hành động chính sách thuộc Ma trận chính sách theo phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình.

Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ1

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung hạng mục tăng cường mặt đường và hoàn chỉnh hệ thống biển báo giao thông vào dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ cầu Đoan Vỹ đến cửa phía Bắc và cửa phía Nam - Dốc Xây, tỉnh Ninh Bình.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý kéo dài thời gian thanh toán đối với số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của Dự án trên đến hết năm 2016 để thực hiện đầu tư các hạng mục trên.

Bộ Giao thông vận tải rà soát, phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân làm cường độ mặt đường suy giảm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc về tình hình hoạt động thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới của Cục Sở hữu trí tuệ.

Thông báo kết luận nêu rõ, hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cơ bản đã đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Công tác tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thực hiện với khối lượng đơn ngày càng nhiều, thúc đẩy việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ; hoạt động đào tạo và tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ đạt được nhiều tiến bộ; công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ được chú trọng và mở rộng.

Bên cạnh đó, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ còn một số tồn tại, công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chậm, thời hạn xử lý đơn dài, gây bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội. Quy trình, thủ tục và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc còn hạn chế, chậm đổi mới...

Đẩy mạnh lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ. Để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và dịch vụ sở hữu công nghiệp; loại bỏ những quy định gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội; tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và sản xuất, kinh doanh.

Về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ tập trung từng bước rút ngắn thời hạn xử lý đơn, sớm khắc phục tình trạng tồn đọng đơn. Cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình; đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định đơn; hoàn thiện cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu. Có cơ chế huy động các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy tham gia thẩm định đơn đăng ký sáng chế, từng bước xã hội hóa một số khâu trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp; chia sẻ kết quả trong xử lý đơn. Đẩy mạnh đào tạo để tăng số lượng và nâng cao chất lượng thẩm định viên. Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016-2020, đưa quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời sớm kiện toàn nhân sự của Cục Sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong các hoạt động nội bộ./.