Khuyến khích sáng tạo và tạo nguồn cung công nghệ

Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, dự Luật Chuyển giao công nghệ đã bổ sung chỉnh sửa Điều 4 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Cụ thể là, đối với 3 luồng chuyển giao công nghệ: Đối với luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, cần khuyến khích chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến đã được kiểm chứng. Đối với luồng chuyển giao công nghệ trong nước, cần có chính sách thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường trong nước vào sản xuất, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh sự lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực doanh nghiệp trong nước. Đối với luồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, cần coi đây là một trong những động lực quan trọng của đổi mới công nghệ.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội K`Nhiễu (tỉnh Lâm Đồng) đánh giá, Luật Chuyển giao công nghệ đã được thực hiện 10 năm nhưng thực tiễn hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn còn trầm lắng, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội, chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ của dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn chưa rõ, chưa thể chế hóa đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng thành quy định pháp lý.

“Đề nghị xem xét bổ sung chính sách và cơ chế đồng bộ trong Luật nhằm khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ để các viện, các trường, các sở khoa học và công nghệ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đề tài cho các doanh nghiệp có nhu cầu; cần có chính sách thu hút tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến; cần có các định chế trung gian trên thị trường công nghệ để hình thành và phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực, cơ sở dữ liệu công nghệ và cơ chế hoạt động, đồng thời có chính sách riêng cho hoạt động chuyển giao công nghệ, để phát triển nông nghiệp nông thôn”, đại biểu K`Nhiễu kiến nghị.

Liên quan đến vấn về chuyển giao công nghệ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (tỉnh Gia Lai) cho rằng, trong giai đoạn phát triển của nước ta hiện nay, luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là một kênh quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Vì vậy, trong chính sách của Nhà nước về chuyển giao cần bổ sung chính sách về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) nhấn mạnh, vấn đề thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến, họ đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học tham gia tích cực vào chuyển giao khoa học công nghệ.

“Cần có chính sách trọng dụng thực sự hấp dẫn, thiết thực để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có bí quyết công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Nhà nước cần quy hoạch rà soát để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng một số tổ chức khoa học công nghệ, ươm tạo mạnh thực sự về trình độ đội ngũ, về cơ sở vật chất và môi trường làm việc. Có chính sách và cơ chế đặc thù đặt hàng giao nhiệm vụ cho các tổ chức nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ, thử nghiệm các công nghệ mới”, đại biểu Lan nói.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị, bổ sung nội dung ưu tiên chuyển giao công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo nhà nước có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng, chịu hạn, kháng mặn đang rất cần phải chuyển giao để phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính

Thống nhất các nội dung của dự thảo Luật về trình tự, thủ tục, nội dung, thời gian cấp giấy phép chuyển giao công nghệ, đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị làm rõ một số vấn đề. Cụ thể là các dự án đã được thẩm định công nghệ thì không phải cấp giấy phép chuyển giao công nghệ, vì thẩm định công nghệ có đạt được yêu cầu cấp thẩm quyền mới quyết định đầu tư mà đây là thủ tục hành chính cao nhất trong quyết định đầu tư. Việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ chỉ dành cho các công nghệ được chuyển giao không kèm theo các dự án đầu tư. Riêng công nghệ khuyến khích chuyển giao, nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký chuyển giao công nghệ.

“Sau khi Luật chuyển giao công nghệ được Quốc hội thông qua, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác cần điều chỉnh cho phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ như hiện nay. Mặt khác, trước khi quyết định chủ trương đầu tư, thì phải thẩm định công nghệ để xem xét có được chấp nhận chuyển giao công nghệ hay không rồi mới thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Cần hạn chế tối đa các thủ tục để khỏi làm phiền đến các nhà đầu tư”, đại biểu Thông nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Quân (TP. Hà Nội) đề nghị, Luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí và tránh chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, tại khoản 3 Điều 14 dự thảo có quy định mọi dự án khi sử dụng công nghệ phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định và một số báo cáo khác. Điều 17 quy định khi trình những dự án phải thẩm định sẽ cần thẩm định những nội dung gì về mặt công nghệ. Điều 19 cũng quy định rất nhiều tài liệu và những hồ sơ doanh nghiệp phải nộp khi thẩm định. Theo đại biểu đối với những dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thì nên lược bỏ một số các nội dung thuộc nghĩa vụ tự thân của doanh nghiệp phải quan tâm, khi họ đầu tư thì chúng ta không nhất thiết phải báo cáo. Những vấn đề về mặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc những vấn đề đó và trong luật chỉ cần đặt ra những mục tiêu thẩm định.

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) đề nghị luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí và tránh chi phí cho doanh nghiệp

“Bổ sung tại Điều 18 về trình tự, thủ tục một điều quy định về vấn đề một cửa, một đầu mối và quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cục, vụ, sở. Vì thực thế cho thấy, khi doanh nghiệp đi xin giấy phép thì phải qua rất nhiều đầu mối khác nhau. Đồng thời, cần có quy định rõ hơn là trong thời hạn bao nhiêu ngày mà các đơn vị, sở, ban, ngành, các bộ, ngành có liên quan cần phải cho ý kiến. Quá thời hạn đó thì cơ quan chủ trì thẩm định có quyền và có nghĩa vụ quyết định trả lời ý kiến cho doanh nghiệp”, đại biểu Quân kiến nghị.

Theo đại biểu Bùi Thu Hằng, Luật nên bổ sung quy định cụ thể những trường hợp nào chủ đầu tư xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực và trường hợp nào phải xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi triển khai dự án.

“Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn thì quy định về thẩm định công nghệ nên được thiết kế theo hướng quy định từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư đến khâu quyết định đầu tư và trong mỗi giai đoạn nên quy định cụ thể về hồ sơ trình tự thủ tục thực hiện. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định cụ thể đối với hồ sơ và thủ tục thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư công”, đại biểu Hằng đề xuất./.