Tiếp tục Phiên họp thứ 2, sáng nay (ngày 18/8), theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự thảo Nghị quyết về Định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Cùng với đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 5 dự án gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội tính phương án họp trực tuyến nếu dịch Covid-19 phức tạp

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (Ảnh: Quốc hội)

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nên việc tổ chức Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội cần được chuẩn bị, cân nhắc thật kỹ lưỡng về cả nội dung, cách thức tiến hành và các điều kiện bảo đảm để kỳ họp khai mạc đúng thời gian quy định là ngày 20/10/2021...

Cùng với tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, cũng tại Kỳ họp thứ hai, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Đặc biệt Quốc hội còn xem xét, quyết định: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết về dự kiến 2 phương án tổ chức Kỳ họp. Cụ thể, Phương án 1 là Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày và 1 ngày dự phòng, với thời điểm khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 10/11. Phương án 2, Quốc hội họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung (nếu dịch bệnh đã được kiểm soát tốt) và chia thành 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến 11 ngày từ ngày 20/10 đến ngày 2/11. Đợt 2 họp tập trung 6 ngày từ ngày 4/11 đến 10/11.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần thể hiện 3 phương án tổ chức kỳ họp gắn với dự báo tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cơ sở đối chiếu với dự kiến nội dung kỳ họp. Theo đó, có thể có phương án họp trực tiếp toàn phần, họp trực tuyến toàn phần và họp kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Quốc hội tính phương án họp trực tuyến nếu dịch Covid-19 phức tạp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Kỳ họp thứ 2 phải đặc biệt siết chặt kỷ cương lập pháp. Ảnh: Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với báo cáo do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Kỳ họp thứ 2 phải tốt hơn Kỳ họp thứ nhất, trong đó, phải đặc biệt siết chặt kỷ cương lập pháp, tránh “dục tốc bất đạt”, các dự án luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.

“Công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp Quốc hội cần phải có đề án tuyên truyền để bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.