Sắp đề xuất giải pháp mới lên Thủ tướng

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, kết thúc giai đoạn 2016 - 2020 còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Công văn số 991//2017/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: TP.HCM: 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Thành phố Hà Nội: 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty)...

Tiến độ cổ phần hoá Tổng công ty vận tải Hà Nội diễn ra chậm. Ảnh: Transerco

Cổ phần hoá Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn cũng bị chậm trễ. Ảnh: Sagri

Để khắc phục tình trạng chậm trễ kéo dài trên, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã đề xuất các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật; rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại, sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý đảm bảo triển khai có hiệu quả.

Bộ Tài chính đề xuất Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần chỉ đạo, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các bước thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn đã bàn giao về Ủy ban để đảm bảo khả thi.

Đối với UBND cấp tỉnh, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, Bộ Tài chính đề xuất cần khẩn trương triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định…

Một giải pháp quan trọng nữa các bên liên quan cần triển khai là cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Bị kỷ luật nếu để doanh nghiệp chậm lên sàn chứng khoán

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hoá không chấp hành quy định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, Bộ Tài chính kiến nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật…

Các tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá nguyên nhân doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, từ đó báo cáo kết quả thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, các cơ quan có trách nhiệm cần chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa; nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn việc thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán./.