Nguyễn Thúy Anh, Trần Phương Uyên

Trường Đại học Ngoại thương

Email: nthuyanh@ftu.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân đối với quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT). Kết quả cho thấy, có 5 yếu tố quyết định đến hành vi nhà đầu tư bao gồm: Mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư; Nhận thức về rủi ro; Hành vi đám đông; Nhận thức về pháp luật và chính sách và Kỳ vọng trong tương lai của nhà đầu tư; trong đó, yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất là Nhận thức về pháp luật và chính sách. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về việc phân tích ảnh hưởng của quyết định của nhà đầu tư cá nhân đối với việc phân bổ nguồn vốn cho REIT.

Từ khóa: quỹ tín thác đầu tư bất động sản, quyết định đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, nhận thức rủi ro, hành vi đám đông, nhận thức về pháp luật và chính sách

Summary

The study examines factors impacting individual investors' investment decision in real estate investment trusts (REITs). The results point out five factors influencing their decision, which are Risk tolerance; Risk perception; Crowd behavior; Perception of laws and policies; Future expectations of investors. In addition, Awareness of laws and policies is the most important influential factor. This is one of the first studies in Vietnam to analyze the impact of individual investors' decisions on capital allocation to REITs.

Keywords: real estate investment trusts, investment decisions, risk tolerance, risk perception, crowd behavior, perception of laws and policies

GIỚI THIỆU

Ngành bất động sản đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam. Năm 2022, quy mô của bất động sản ước khoảng 12 tỷ USD, chiếm 3% GDP của Việt Nam (Tổng cục Thống kê, 2022). Đây là động lực phát triển của nhiều ngành công nghiệp (như xây dựng và vật liệu xây dựng), cũng như ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, năm 2022 đã chứng kiến những sự kiện tiêu cực liên quan đến việc phát hành trái phiếu vi phạm pháp luật và gian lận của các tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam, bao gồm: Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, và FLC. Kết quả là, Chính phủ Việt Nam đã rà soát các quy định pháp luật và tăng cường việc giám sát việc phát hành trái phiếu bất động sản. Hơn nữa, những scandal này cũng gây ra tác động tiêu cực đối với thị trường bất động sản, khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn và siết chặt tín dụng bất động sản để giảm thiểu rủi ro. Khi 2 nguồn vốn chính cho thị trường bất động sản bị hạn chế là đi vay và phát hành trái phiếu, nhu cầu tìm kiếm nguồn lực thay thế trở nên cấp bách hơn. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới, như: Mỹ và Anh (Alias và CY, 2011), cũng như những quốc gia ở châu Á, REIT là một kênh gọi vốn hiệu quả (Ooi, Newell và Sing, 2006). Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có một REIT chính thức tại Việt Nam thuộc sở hữu của Techcombank được gọi là TCREIT. Do đó, việc nghiên cứu về REIT và các yếu tố góp phần phát triển REIT như một nguồn đầu tư thay thế trong khi thị trường bất động sản đang cần đến vốn một cách nghiêm trọng là động cơ nghiên cứu của nhóm tác giả.

Trong khi đó, các nghiên cứu quốc tế về REIT thường tập trung vào việc định giá, xác định lợi nhuận, tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của REIT, đặc biệt là trong các quốc gia phát triển với thị trường vốn trưởng thành. Còn tại Việt Nam, chỉ có một số ít nghiên cứu về REIT, hầu hết phân tích các khung pháp lý cần thiết để phát triển thị trường REIT và đề xuất xây dựng thị trường REIT tại Việt Nam (Dao, 2012). Vì những lý do đó, các tác giả đã quyết định nghiên cứu các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định của cá nhân để đầu tư vào REIT. Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất các khuyến nghị để phát triển REIT đặc biệt đối với các nhà quản lý nhà nước và nhà đầu tư cá nhân.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Tổng quan về REIT

REIT (Real Estate Investment Trust) thường được gọi là quỹ tín thác đầu tư bất động sản, là hình thức góp vốn cho một hay nhiều dự án bất động sản từ những cá nhân, tổ chức khác, thông qua việc phát hành các chứng từ có giá, như: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. REIT được cơ cấu dưới dạng công ty hoặc quỹ. Tại các nước phát triển, sức hấp dẫn chính của REIT nằm ở việc tránh được thuế 2 lần. Thông thường, thu nhập của các công ty được đánh thuế, sau đó, một phần của lợi nhuận sau thuế được phân phối cho cổ đông và các cổ tức này được đánh thuế theo luật thuế thu nhập cá nhân. Trái ngược với các trường hợp thông thường, REIT có thể không chịu thuế doanh nghiệp nếu tỷ lệ phân phối cổ tức bằng hoặc lớn hơn 90% của lợi nhuận chịu thuế của quỹ.

Ở hầu hết các quốc gia, một công ty có thể được coi là REIT nếu đáp ứng 3 yêu cầu sau: (1) Phân phối 90% đến 100% lợi nhuận sau thuế dưới dạng cổ tức và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; (2) Quỹ đầu tư ít nhất 75% danh mục tài sản vào bất động sản; và (3) Nguồn thu của quỹ ít nhất chiếm 75% lợi nhuận là từ lãi suất trên các khoản vay thế chấp hoặc thu nhập từ cho thuê bất động sản (Feng, Price và Sirmans, 2011).

REIT có thể được phân loại vào 3 nhóm dựa trên các lớp tài sản của quỹ, bao gồm: REIT vốn, REIT thế chấp và REIT kết hợp. REIT vốn là quỹ đầu tư chủ yếu mua, quản lý và bán bất động sản. REIT vốn hiện nay chiếm đa số trong các loại REIT. Trong khi đó, REIT thế chấp là đầu tư vào việc cho vay được bảo đảm bằng bất động sản (Block, 2002). Loại thứ ba, REIT kết hợp là đầu tư vào cả các khoản cho vay thế chấp bất động sản và đầu tư vốn bất động sản.

REIT có thể là REIT niêm yết hoặc không niêm yết, phụ thuộc vào cấu trúc sở hữu. REIT niêm yết tương tự như các công ty niêm yết bình thường, ngoại trừ lợi thế về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. REIT không niêm yết, thì không bắt buộc phải đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý chứng khoán nào và không phải tuân thủ các yêu cầu công khai thông tin.

Quyết định đầu tư REIT và các yếu tố tác động đến quyết định đầu tư REIT của nhà đầu tư cá nhân

Ainia và Lutfi (2019) định nghĩa, quyết định đầu tư là sự cam kết để phân bổ tài nguyên trong một khoảng thời gian nhất định để thu được lợi ích trong tương lai. Tương tự, Bodie, Kane và Marcus (2018) cho rằng, quyết định đầu tư là việc phân bổ vốn vào các tài sản khác nhau, bao gồm tài sản tài chính và tài sản thực tế. Quyết định đầu tư REIT thực chất là việc các nhà đầu tư mua các chứng chỉ, cổ phiếu do các Quỹ tín thác đầu tư bất động sản phát hành.

Ngày nay, nghiên cứu quyết định đầu tư thường tích hợp với tài chính hành vi để giải thích các quyết định đầu tư. Các nghiên cứu về tài chính hành vi chủ yếu tập trung vào 2 nhóm yếu tố dẫn đến quyết định “phi lý” của các nhà đầu tư, đó là các yếu tố rủi ro và các định kiến hành vi.

Thứ nhất, về yếu tố rủi ro. Riaz và Hunjra (2015) kết luận rằng, quá trình ra quyết định đầu tư bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố: xu hướng rủi ro và nhận thức về rủi ro của nhà đầu tư. Xu hướng rủi ro hay còn gọi là mức độ chấp nhận rủi ro được xác định là mức độ rủi ro mà một người sẵn lòng chấp nhận từ các khoản đầu tư của họ (Ainia và Lutfi, 2019). Nhận thức về rủi ro đề cập đến việc đánh giá của người ra quyết định về mức độ rủi ro trong một tình huống cụ thể. Rủi ro được nhận thức là xuất phát từ 3 nguồn chính, đó là: cá nhân nhà đầu tư, sản phẩm đầu tư và bối cảnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu về khám phá sự tương tác giữa quyết định đầu tư với xu hướng rủi ro và nhận thức về rủi ro còn hạn chế (Mahmood và cộng sự, 2011; Chou và cộng sự, 2010).

Thứ hai, về định kiến hành vi. Các định kiến hành vi của cá nhân được phân loại thành lỗi nhận thức và định kiến cảm xúc (Pompian, 2012). Lỗi nhận thức phát sinh từ sự phi lý hoặc lý do sai lầm, có thể là kết quả của sự hiểu biết không đầy đủ về phân tích thống kê, lỗi trong quá trình xử lý thông tin hoặc lý do không hợp lý. Trong khi đó, các định kiến cảm xúc phát sinh từ cảm xúc hoặc trực giác của một cá nhân. Ogunlusi và cộng sự (2019) cho rằng, việc lo sợ bị thua lỗ (lý thuyết triển vọng), sự tự tin quá mức có thể dẫn đến hành vi phi lý của nhà đầu tư cá nhân.

Giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu

Xu hướng rủi ro/Mức độ chấp nhận rủi ro có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của cá nhân trong ngắn hạn và dài hạn. Những người có các mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau sẽ thể hiện hành vi khác nhau trong quá trình ra quyết định đầu tư. Cụ thể, những nhà đầu tư sẵn lòng chấp nhận rủi ro sẽ thể hiện hành vi đầu tư mạnh mẽ hơn so với những người tránh rủi ro. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một mối quan hệ tích cực giữa sự chịu đựng rủi ro và việc phân bổ nguồn lực cho các tài sản rủi ro (Nguyen và cộng sự, 2017). Như trong trường hợp của thị trường REIT hiện tại tại Việt Nam, REIT có thể được coi là một tài sản rủi ro. Do đó, giả thuyết được đề xuất là:

H1: Xu hướng rủi ro/Mức độ chấp nhận rủi ro có tác động cùng chiều đến Quyết định đầu tư REIT của nhà đầu tư cá nhân.

Nguyen và cộng sự (2017) xác định nhận thức rủi ro là niềm tin, thái độ, nhận xét và cảm xúc của các nhà đầu tư về các thuộc tính rủi ro của một sản phẩm đầu tư. Các cá nhân có xu hướng tránh rủi ro có xu hướng đánh giá quá cao các kết quả tiêu cực, do đó dẫn đến việc tăng nhận thức về rủi ro (Schneider và Lopes, 1986). Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H2: Xu hướng rủi ro/Mức chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân có tác động cùng chiều với Nhận thức rủi ro.

Mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ tích cực trực tiếp giữa xu hướng rủi ro và quyết định đầu tư (Ainia và Lutfi, 2018), nhưng vai trò trung gian của nhận thức rủi ro thường bị bỏ qua (Nguyen và cộng sự, 2017). Nhà đầu tư có nhận thức rủi ro cao có xu hướng xem xét rằng, một tài sản rủi ro thấp có mức rủi ro cao hơn và ngược lại (Nofsinger, 2017). Do đó, những người có nhận thức rủi ro cao có khuynh hướng phân bổ nguồn lực của họ cho các lựa chọn đầu tư ít rủi ro hơn (Weber và Milliman, 1997). Do đó, nhóm tác giả đặt ra giả thuyết nghiên cứu thứ ba như sau:

H3: Nhận thức rủi ro của cá nhân có tác động cùng chiều với Quyết định đầu tư vào REIT.

Các nhà đầu tư cá nhân thường thể hiện hành vi theo đám đông bằng cách tuân thủ các hành động của đám đông hoặc các chuyên gia. Shleifer và Summers (1990) phát hiện ra các nhà đầu tư cá nhân có thể hành động theo đám đông khi họ dựa vào các tín hiệu, các đề xuất từ các nhà môi giới, các nhà dự báo thị trường, hoặc khi họ đánh giá sai mức độ quan trọng của tin tức gần đây, dẫn đến sự phản ứng quá mức. Do quyết định của cá nhân dễ bị ảnh hưởng bởi các tương tác xã hội của cá nhân đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H4: Hành vi theo đám đông của cá nhân có tác động ngược chiều với Quyết định đầu tư vào REIT.

Newell và Osmadi (2010) đề xuất rằng, các vấn đề quy định pháp luật là một trong bốn yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai của REIT tại Malaysia. Như một công cụ đầu tư mới tại các thị trường đang phát triển, khung pháp lý là các vấn đề chính tác động đến quyết định của các nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư cá nhân tin tưởng vào hệ thống pháp luật và các chính sách liên quan, họ sẽ có khả năng đầu tư vào thị trường vốn. Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:

H5: Nhận thức về pháp luật và các chính sách có tác động cùng chiều đến Quyết định đầu tư vào REIT.

Kỳ vọng của nhà đầu tư về thị trường tương lai là một yếu tố quan trọng đóng góp vào quyết định đầu tư của họ. Antonides và Van Der Sar (1990) gán những rủi ro được nhận thức và lợi nhuận dự kiến của nhà đầu tư với một số biến liên quan tài chính và kinh tế vĩ mô. Nói cách khác, nhận thức của cá nhân về hiệu quả của thị trường trong tương lai có thể là yếu tố quyết định trong quá trình ra quyết định. Do đó, giả thuyết được đề xuất trong nghiên cứu này là:

H6: Kỳ vọng về tương lai của cá nhân có tác động cùng chiều đến Quyết định đầu tư vào REIT.

Dựa trên các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu

Ảnh hưởng của các yếu tố hành vi đến quyết định đầu tư vào quỹ tín thác đầu tư bất động sản: Bằng chứng tại thị trường Việt Nam
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Phương pháp nghiên cứu

Bảng 1: Các biến trong mô hình

Biến

Các quan sát

Nguồn

Xu hướng rủi ro/Mức chấp nhận rủi ro

RT

Rủi ro mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận

Sung and Hanna (1997)

Nhận thức rủi ro

RP1

Tôi nghĩ có khả năng cao sẽ thua lỗ khi đầu tư vào REIT (Xác suất thua lỗ)

MacGregor và cộng sự (2011)

RP2

Tôi rất lo lắng nếu đầu tư vào REIT (Sự lo lắng)

RP3

Tôi không tin là REIT sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt trong trung và dài hạn (Không có niềm tin)

RP4

Tôi không hiểu cách REIT vận hành

(Khó khăn trong nhận thức)

RP5

Tôi không nghĩ là các chuyên gia tài chính có thể dự báo chính xác kết quả của REIT trong trung và dài hạn (Khả năng khó dự báo)

Tâm lý đám đông

HB1

Tôi thường xuyên ra quyết định đầu tư dựa trên xu hướng thị trường

Nofsinger và Sias (1999), Luu (2014), Ouimet và cộng sự (2019)

HB2

Tôi thường xuyên ra quyết định đầu tư dựa vào đồng nghiệp

HB3

Tôi thường xuyên ra quyết định đầu tư dựa vào bạn bè

Nhận thức về chính sách và pháp luật

LP1

Tôi tin rằng khuôn khổ luật pháp chặt chẽ là quan trọng khi quyết định đầu tư vào REIT.

Constructed by the author

LP2

Tôi tin rằng các nhà hoạch định sẽ xây dựng khuôn khổ pháp luật chặt chẽ và đặt nền móng cho sự phát triển của REIT.

Kỳ vọng vào tương lai

FE1

Tôi kỳ vọng cao là kinh tế Việt Nam sẽ phát triển trong vòng 5 năm tới.

Antonides and Van der Sar (1990), Newell và Osmadi (2015)

FE2

Tôi kỳ vọng cao là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển trong vòng 5 năm tới.

FE3

Kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong 5 năm tới

Quyết định đầu tư

ID

Tôi có ý định đầu tư vào REIT tại Việt Nam trong tương lai gần

Nguyen và cộng sự (2017), Riaz và Hunjra (2015)

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Theo Hair (1995), quy tắc thông thường kích thước mẫu phải ≥ 100 và mẫu nhỏ nhất phải có tỷ lệ mong muốn n = 5*k, trong đó k là số lượng các biến quan sát tương đương với số lượng câu hỏi nghiên cứu. Nghiên cứu này có 16 quan sát, do đó cỡ mẫu tối thiểu là 16*5 = 90. Phiếu khảo sát chủ yếu được gửi online thông qua các môi giới chứng khoán tại các công ty chứng khoán đến các nhà đầu tư cá nhân. 500 phiếu được gửi đi và kết quả thu được 324 phiếu hợp lệ. Như vậy, kích thước mẫu chấp nhận được.

Phương pháp phân tích dữ liệu là phương pháp định lượng. Nghiên cứu sử dụng phần mềm Amos Graphics và IBM SPSS Statistics 26 được sử dụng để thu thập và phân tích dữ liệu này, sau đó sử dụng phần mềm AMOS để kiểm định tính tin cậy, tính hội tụ và phân biệt của thang đo, và phân tích kết quả hồi quy thông qua mô hình Phương trình Cấu trúc (SEM) (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Mô tả thống kê

Bảng 2: Kết quả mô tả thống kê

Thang đo

Ký hiệu

Mẫu

Mean

STDEV

Mức độ rủi ro mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận

RT

324

3.55

1.170

Nhận thức về xác suất thua lỗ

RP1

324

2.60

1.085

Lo lắng khi đầu tư

RP2

324

2.45

1.113

Sự không tin tưởng khi đầu tư

RP3

324

2.54

1.036

Khó khăn trong nhận thức

RP4

324

2.49

1.030

Nhận thức về việc khó dự báo

RP5

324

2.52

1.009

Quyết định dựa trên xu thế thị trường

HB1

324

3.35

0.979

Quyết định dựa trên xu thế đồng nghiệp

HB2

324

3.26

0.927

Quyết định dựa trên xu thế bạn bè

HB3

324

3.35

1.001

Niềm tin vào sự quan trọng của khuôn khổ pháp luật

LP1

324

3.64

1.267

Niềm tin vào việc xây dựng khuôn khổ pháp luật trong tương lai

LP2

324

3.71

1.228

Kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới

FE1

324

3.72

1.287

Kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 năm tới

FE2

324

3.50

1.311

Kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong 5 năm tới

FE3

324

3.59

1.354

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm SPSS

Kết quả (Bảng 2) cho thấy, hầu hết các người tham gia khảo sát trong nghiên cứu này có mức độ chấp nhận rủi ro từ trung bình đến cao. Ngoài ra, người tham gia khảo sát cũng thể hiện một mức độ nhận thức về rủi ro dưới mức trung bình và có hành vi đám đông cao hơn mức trung bình. Nhận thức của các nhà đầu tư về pháp luật và chính sách, cùng với kỳ vọng về tương lai, thể hiện giá trị trung bình tương đối cao so với các biến khác. Kết quả này cho thấy rằng, người tham gia khảo sát nói chung quan tâm đến các khung pháp lý cho REIT và nuôi hy vọng cao về tiềm năng của thị trường vốn trong tương lai.

Kiểm tra độ tin cậy của thang đo

Kết quả hệ số Cronbach’s Alpha của tất cả các biến trong nghiên cứu này đều > 0.6 và các hệ số tương quan giữa các biến đều > 0.3 (Bảng 3). Do đó, các biến này sẽ được sử dụng để thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA) tiếp theo.

Bảng 3: Hệ số Cronbach’s Alpha của các biến độc lập trong mô hình

No.

Scale

Cronbach’s Alpha

1

Nhận thức rủi ro

0.805

2

Hành vi đám đông

0.787

3

Nhận thức về chính sách và pháp luật

0.755

4

Kỳ vọng vào tương lai

0.868

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm SPSS

Phân tích EFA

Như kết quả phân tích từ phần mềm AMOS, hệ số KMO = 0.795 (> 0.5) và kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê < 0.05, có thể nhận định rằng phân tích nhân tố càng thích hợp với tập dữ liệu nghiên cứu, các biến quan sát có tương quan với nhau. Bên cạnh đó, các nhân tố đề xuất giải thích được 60.66%, 13 yếu tố trong mô hình được xác định tương ứng với 4 biến với hệ số Eigenvalues > 1. Ma trận xoay (Bảng 4) cũng cho thấy, 4 nhân tố được mô tả bởi các quan sát tương ứng trong mô hình là phù hợp.

Bảng 4: Ma trận xoay

Nhân tố

1

2

3

4

RP5

0.837

RP1

0.775

RP3

0.774

RP4

0.705

RP2

0.687

FE1

0.869

FE2

0.862

FE3

0.761

HB3

0.772

HB1

0.739

HB2

0.722

LP1

0.814

LP2

0.741

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm AMOS

Phân tích nhân tố khẳng định (CFA)

Kết quả phân tích CFA (Bảng 5) cho thấy, các tiêu chí đều đạt mức chấp nhận trở lên (Hu và Bentler, 1999). Cụ thể, Chi-bình phương/df = 1.133, GFI, CFI, TLI đều > 0.9 (Bentler và Bonett, 1980), RMSEA = 0.034 (< 0.08) (Steiger, 1998). Như vậy, mô hình được xem là phù hợp với dữ liệu thị trường.

Bảng 5: Phân tích mức độ phù hợp của mô hình

Tiêu chí

Giá trị

Mức chấp nhận

CMIN/DF

1.383

> 3

CFI

0.982

> 0.95

SRMR

0.094

> 0.08

RMSEA

0.034

< 0.06

PClose

0.972

> 0.05

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm AMOS

Dữ liệu (Bảng 6) cho thấy, các giá trị CR và AVE đều > 0.5 với hệ số Cronbach’s Alpha > 0.6, do đó, thang đo của nghiên cứu này là tin cậy (Hair và cộng sựm 1995; Nunnally, 1978). Kết quả phân tích CFA cũng cho thấy, các trọng số hồi quy chuẩn hóa đều > 0.5 và tất cả các giá trị AVE đều > 0.5, cho thấy tính hội tụ của thang đo (Anderson và Gerbing, 1998). Tương quan theo cặp giữa các biến đều không bằng 1 và giá trị bình phương của tổng phương sai trích của các biến theo tiêu chuẩn Fornell-Larcker cũng đáp ứng. Vì vậy, các biến trong mô hình có tính phân biệt (Bảng 7).

Bảng 6: Mức độ tương quan giữa các biến

Relationship

Tương quan (r)

S.E

CR

P-value

RP

HB

-0.142

0.055

20.702

0.000

RP

LP

-0.182

0.055

21.570

0.000

RP

FE

-0.276

0.054

23.822

0.000

HB

LP

0.227

0.054

14.243

0.000

HB

FE

0.165

0.055

15.192

0.000

LP

FE

0.341

0.052

12.579

0.000

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm AMOS

Bảng 7: Kiểm định Fornell and Larcker

AVE

MSV

RP

HB

LP

FE

RP

0.573

0.076

0.757

HB

0.553

0.052

-0.142*

0.743

LP

0.607

0.116

-0.182*

0.227**

0.779

FE

0.691

0.116

-0.276***

0.165*

0.341***

0.831

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm AMOS

Kết quả phân tích SEM

Bảng 8: Bảng trọng số hồi quy

Giả thuyết

Đường dẫn

Trọng số hồi quy

S.E.

C.R.

P-value

Trọng lượng tiêu chuẩn hóa

H1

ID

RT

0.234

0.046

5.123

***

0.238

H2

RP

RT

-0.277

0.040

-6.880

***

-0.404

H3

ID

RP

-0.435

0.071

-6.098

***

-0.303

H4

ID

HB

-0.370

0.079

-4.701

***

-0.235

H5

ID

LP

0.400

0.067

5.929

***

0.336

H6

ID

FE

0.315

0.050

6.322

***

0.310

*** P-value < 0.01

Nguồn: Tổng hợp từ phần mềm AMOS

Kết quả (Bảng 8) cho thấy, cả 6 giả thuyết đều có ý nghĩa thống kê với p-value < 0.01, do vậy đều được chấp nhận. Trong đó, giả thuyết H2, H3, H4 có tác động ngược chiều với quyết định đầu tư REIT và giả thuyết H1, H5, H6 có tác động thuận chiều đối với quyết định đầu tư REIT. Hệ số r-square của mô hình là 0.519, nghĩa là sự thay đổi của Biến quyết định đầu tư REIT có thể được giải thích 51.9% bằng 5 biến tổng mô hình là: Xu hướng rủi ro (RT); Nhận thức về rủi ro (RP); Hành vi đám đông (HB); Nhận thức về chính sách và pháp luật (LP) và Kỳ vọng trong tương lai (FE).

Thảo luận kết quả nghiên cứu

Trước hết, kết quả cho thấy xu hướng rủi ro/mức độ chấp rủi ro cá nhân có ảnh hưởng tích cực đến quyết định đầu tư vào REIT (β = 0.23, p < 0.01). Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy các kết quả tương tự (Riaz và Hunjra, 2015; Ainia và Lutfi, 2018; Nguyen và cộng sự, 2019).

Thứ nhất, nghiên cứu cũng phát hiện tác động tiêu cực giữa mức độ chấp nhận rủi ro và nhận thức về rủi ro (β = -0,277, p < 0.01), kết quả này cũng phù hợp với các kết quả trước đó (Schneider và Lopes, 1986). Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư tránh rủi ro là những người cho rằng một tài sản rủi ro hơn so với những người chấp nhận rủi ro, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực của nhận thức về rủi ro đối với quyết định đầu tư REIT (β = -0.435, p < 0.01). Kết quả này cũng phù hợp với các kết quả trước đây của Weber và Milliman (1997), và Broihanne và cộng sự (2014), cho thấy những người có nhận thức rủi ro cao có xu hướng phân bổ vốn của họ vào các lựa chọn đầu tư ít rủi ro hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, ảnh hưởng trực tiếp của mức độ chấp nhận rủi ro đối với quyết định đầu tư của họ. Kết quả này cho thấy tầm quan trọng của nhận thức rủi ro như một vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa Mức độ chấp nhận rủi ro và Quyết định đầu tư của cá nhân vào REIT.

Thứ hai, nghiên cứu phát hiện rằng cá nhân có hành vi đám đông cao hơn có xu hướng tránh đầu tư vào REIT, chứng minh một mối quan hệ ngược chiều giữa hai biến này (β = -0.37, p < 0.01). Kết quả này mâu thuẫn với kết quả của Tamara và cộng sự (2022) rằng hành vi đám đông có thể có ảnh hưởng tích cực đến quyết định đầu tư, với biến phụ thuộc là "quyết định đầu tư vào cổ phiếu" Tuy nhiên, trường hợp của nghiên cứu này khác biệt vì đây là: quyết định đầu tư vào REIT”. Sự không phổ biến của REIT là lý do khiến những người có tâm lý đám đông cảm thấy không chắc chắn và lo lắng về loại hình đầu tư này, do đó, có ý định đầu tư vào REIT ít hơn.

Thứ ba, nhận thức của cá nhân về pháp luật và chính sách có ảnh hưởng tích cực nhất đối với quyết định đầu tư vào REIT với β = 0.4 (p < 0.01). Như có thể suy luận từ cuộc khảo sát, các nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các hệ thống pháp luật và có niềm tin mạnh mẽ vào các khung pháp lý trong tương lai tại Việt Nam thể hiện ý định rõ ràng để đầu tư vào REIT trong tương lai gần.

Thứ tư, kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai của nền kinh tế, thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam có mối quan hệ tích cực với ý định đầu tư vào REIT (β = 0.32, p < 0.01). Ảnh hưởng tích cực của kỳ vọng cá nhân đối với quyết định đầu tư cũng được Antonides và Van Der Sar (1990) tìm thấy. Nghiên cứu này chứng minh rằng những người kỳ vọng cao đối với nền kinh tế quốc gia, hiệu suất của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Như đã đề cập trước đó, các nghiên cứu về REIT tại Việt Nam khá hạn chế. Ngay cả trên phạm vi quốc tế, có rất nhiều bài viết nghiên cứu về REIT và quyết định đầu tư từ góc độ cá nhân một cách riêng lẻ, tuy nhiên không có bài nào kết hợp 2 lĩnh vực như nghiên cứu này. Do đó, nghiên cứu này đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định đầu tư của cá nhân vào REIT trong tương lai với mục tiêu đánh giá tiềm năng phát triển của REIT tại Việt Nam.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Tác động của Hành vi đám đông đối với Quyết định đầu tư của cá nhân có thể tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào các loại tài sản được cân nhắc trong "quyết định đầu tư". Hành vi đám đông của cá nhân có một mối quan hệ tích cực với Quyết định đầu tư vào cổ phiếu của họ. Trong khi đó, nghiên cứu này cho thấy, mối liên hệ ngược lại giữa 2 biến này, vì đây là quyết định đầu tư là REIT. Kết quả này có thể lý giải bởi thực tế hiện nay, đầu tư vào REIT vẫn ít ỏi trên thị trường và chưa phải là xu thế của thị trường. Do vậy, tác động ngược chiều của hành vi đám đông đối với quyết định này là có thể lý giải được; (2) Nhận thức của cá nhân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình ra quyết định của họ. Điều này bao gồm Nhận thức về các khung pháp lý và Nhận thức về tiềm năng tương lai. Trong nghiên cứu này, 2 biến này có tác động lớn nhất đến Quyết định của cá nhân đầu tư vào REIT. Vì REIT là một công cụ đầu tư mới tại Việt Nam, các nhà đầu tư chỉ sẵn lòng đầu tư vào REIT khi họ tin vào việc giới thiệu các luật pháp cụ thể trong tương lai và tiềm năng phát triển của nền kinh tế quốc gia và thị trường vốn. Nói cách khác, cá nhân quyết định phân bổ nguồn lực của họ vào một công cụ đầu tư rủi ro và không ổn định chỉ khi họ nhìn thấy tiềm năng của nó trong tương lai gần.

Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, có thể đưa ra một số đóng góp về thực tiễn như sau:

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc xây dựng một môi trường bền vững cho sự phát triển của thị trường REIT tại Việt Nam, bao gồm khuôn khổ pháp luật là yếu tố quan trọng hàng đầu. Sự kết hợp giữa một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và môi trường kinh tế ổn định là giải pháp tốt nhất cho sự phát triển tương lai của REIT tại Việt Nam.

- Đối với các nhà đầu tư cá nhân, việc tích lũy kiến thức tài chính và kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro là một cách để đầu tư vào REIT một cách hiệu quả, giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi ra quyết định./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ainia, N. S. N., and Lutfi, L. (2019), The influence of risk perception, risk tolerance, overconfidence, and loss aversion towards investment decision making, Journal of Economics, Business, & Accountancy Ventura, 21(3), 401-413.

2. Alias, A., and CY, S. T. (2011), Performance analysis of reits: Comparison between M-reits and UK-reits, Journal of Surveying, Construction and Property, 2(2).

3. Anderson, J. C., and Gerbing, A. G. (1988), Structural equation modeling in practice: A review and recommended two-step approach, Psychological Bulletin, 103(2), 411–423.

4. Antonides, G., and Van Der Sar, N.L. (1990), Individual expectations, risk perception and preferences in relation to investment decision making, Journal of Economic Psychology, 11(2), 227–245.

5. Block, R.L. (2002), Investing in REITs, Bloomberg Press.

6. Bodie, Z., Kane, A., and Marcus, A. J. (2018), Investments (SIE), McGraw-Hill Education.

7. Broihanne, M.H., Merli, M., and Roger, P. (2014), Overconfidence, risk perception and the risktaking behavior of finance professionals, Finance Research Letters, 11(2), 64-73.

8. Chou, S. R., Huang, G. L., and Hsu, H. L. (2010), Investor Attitudes and Behavior towards Inherent Risk and Potential Returns in Financial Products, International Research Journal of Finance and Economics, 44, 16-29

9. Dao, M. D. (2012), Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) và khả năng áp dụng cho thị trường bất động sản tại Hà Nội, truy cập từ VNEUs Digital Repository.

10. Feng, Z., Price, S. M., and Sirmans, C. (2011), An overview of equity real estate investment trusts (REITs): 1993–2009, Journal of Real Estate Literature, 19(2), 307-343.

11. Hair, J., Anderson, R., Tatham, R., Black, W. (1995), Multivariate data analysis with readings, 4th ed. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.

12. Mahmood, I., Ahmad, H., Khan, A. Z. and Anjum, M. (2011), Behavioral Implications of Investors for Investments in the Stock Market, European Journal of Social Sciences, 20(2), 240-247.

13. Newell, G., and Osmadi, A. (2010), Assessing the importance of factors influencing the future development of reits in Malaysia, Pacific Rim Property Research Journal, 16(3), 358–374.

14. Nguyen, L., Gallery, G., and Newton, C. (2017), The joint influence of financial risk perception and risk tolerance on individual investment decision-making, Accounting & Finance, 59, 747-771.

15. Nofsinger, J. R. (2017), The psychology of investing: Routledge, 6th ed. New York, NY.

16. Nunnally, J. (1978), Psychometric theory, 2nd ed. New York: McGraw-Hill.

17. Ooi, J.T.L., G. Newell and T-F. Sing. (2006), The Growth of REIT Markets in Asia, Journal of Real Estate Literature, 14(2), 203-222.

18. Ouimet, P. and Tate, G. (2019), Learning from coworkers: Peer effects on individual investment decisions, The Journal of Finance, 75(1), 133-172.

19. Pompian, M. M. (2012), Behavioral finance and investor types: managing behavior to make better investment decisions, John Wiley & Sons.

20. Riaz, L. and Hunjra, A. (2015), Relationship between Psychological Factors and Investment Decion Making: The Mediating role of Risk Perception, Pakistan Journal of Commerce and Social Sciences, 9(3), 968-981.

21. Schneider, S. L. and Lopes, L. L. (1986), Reflection in preferences under risk: Who and when may suggest why, Journal of Experimental Psychology: Human perception and performance, 12(4).

22. Shleifer, A., and Summers, L. H. (1990), The noise trader approach to finance, Journal of Economic Perspectives, 4, 19-33.

23. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám Thống kê năm 2022, Nxb Thống kê.

24. Weber, E. U., and Milliman, R. A. (1997), Perceived risk attitudes: Relating risk perception to risky choice. Management science, 43(2), 123-144.

Ngày nhận bài: 25/4/2024; Ngày phản biện: 15/5/2024; Ngày duyệt đăng: 22/5/2024