Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng nay (ngày 11/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, theo Văn phòng Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số, thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.
Do đó, Bộ trưởng chia sẻ, Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào, thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số. Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu… |
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm thay công việc của các bộ, ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể…”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những loại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định, thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Do đó, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn. Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác; tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này.
Phát biểu kết luận nội dung Phiên thảo luận sáng 11/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số…
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5…”, ông Hải cho biết./.
Bình luận