Theo các quyết định về bổ nhiệm công chức lãnh đạo của Bộ Công Thương được công bố tại Hội nghị, một số cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm cụ thể như sau: bổ nhiệm ông Trần Hữu Linh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường; bổ nhiệm Phan Văn Chinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường; bổ nhiệm ông Tạ Hoàng Linh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ giữ chức Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài; bổ nhiệm ông Đỗ Quốc Hưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài; bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Lâm Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững giữ chức Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công.

Ngành Công Thương với 5 nhiệm vụ cần làm ngay để sắp xếp bộ máy mới tinh gọn
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị công bố các quyết định bổ nhiệm cán bộ

Điều động, bổ nhiệm ông Phạm Nguyên Hùng - nguyên Cục trưởng Cục Công nghiệp đến nhận nhiệm vụ và giữ chức Cục trưởng Cục Điện lực; điều động, bổ nhiệm ông Trần Việt Hòa, nguyên Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đến nhận nhiệm vụ và giữ chức Cục trưởng Cục Công nghiệp; Điều động ông Tô Xuân Bảo, nguyên Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đến nhận nhiệm vụ tại cơ quan chuyên trách Đảng ủy Bộ Công Thương. Đồng thời, phân công ông Tô Xuân Bảo giữ chức Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Công Thương.

Quyết liệt triển khai sắp xếp bộ máy

Thực hiện Nghị quyết 18 và các chủ trương, chính sách của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40 ngày 26/2 thay cho Nghị định số 96 ngày 29/11/2022 về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương. Theo Nghị định này, Bộ Công Thương còn 22 đơn vị, tức là giảm 6 đầu mối so với Nghị định số 96. Để thực hiện Nghị định, chiều ngày 28/2, Ban Thường vụ của Đảng ủy Bộ đã họp và ra Nghị quyết.

Trên tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký các Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ; quyết định về điều động, bố trí nhân sự cho các đơn vị và tạm giao các chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị thuộc Bộ; quyết định điều động lãnh đạo các đơn vị sáp nhập về công tác ở các đơn vị mới theo tinh thần Nghị định số 40; ban hành những quy chế hoạt động của Bộ theo tinh thần mới; phân công nhiệm vụ đối với lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng và các Thứ trưởng.

Ngành Công Thương với 5 nhiệm vụ cần làm ngay để sắp xếp bộ máy mới tinh gọn
Các nhân sự lãnh đạo được bổ nhiệm tại lễ công bố

Trong quá trình sắp xếp lãnh đạo Bộ và Ban Thường vụ cấp ủy đã quán triệt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành cần phải nghiên cứu, nghiêm túc tự giác thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của cấp trên và nghiêm túc chấp hành các quyết định của cấp có thẩm quyền. Thực hiện sáp nhập tổ chức bộ máy nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục tinh gọn bên trong các đơn vị thuộc Bộ và cũng tiếp tục sắp xếp để bộ máy hoạt động thật sự hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.

5 nhiệm vụ cần làm ngay

Để khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị định 40/2025/NĐ-CP ngày 26/02/2025 cùng các Quyết định của Ban thường vụ đảng ủy và lãnh đạo Bộ Công thương, tại Hội nghị giao ban đầu tiên gắn với cơ cấu tổ chức bộ máy mới theo Nghị định số 40 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung triển khai 5 nhiệm vụ cần thiết bao gồm:

Thứ nhất, tất cả các đơn vị thuộc Bộ, nhất là các lãnh đạo đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Nghị định số 40/2025/NĐ-CP cũng như các Quyết định của Bộ trưởng về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ; quyết định phân công công tác cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các đơn vị, nhất là quyết định điều động, bổ nhiệm đối với các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo quản lý ở các đơn vị này.

Ngành Công Thương với 5 nhiệm vụ cần làm ngay để sắp xếp bộ máy mới tinh gọn
Hội nghị giao ban đầu tiên gắn với cơ cấu tổ chức bộ máy mới của Bộ Công Thương

Thứ hai, các đơn vị sát nhập cần khẩn trương tiến hành bàn giao về cơ sở vật chất, tài liệu, tài sản; bàn giao công việc và tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định, tổ chức bộ máy và nhân sự nội bộ của các đơn vị để thực hiên thật tốt các tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình bàn giao tài chính, tài sản; sớm ổn định tổ chức bộ máy và nhân sự để đảm bảo các công việc được triển khai một cách nghiêm túc; không bê trễ công việc để ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, các đơn vị tập trung thật cao việc rà soát điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị mình. Từ những chương trình công tác của đơn vị trước sau khi sáp nhập phải rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho tổ chức cá nhân thật rõ ràng theo yêu cầu, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả để cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và mức 2 con số từ năm 2026 trở đi.

Thứ tư, cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy theo Nghị định số 40 và theo quyết định của Bộ, các đơn vị đều phải rà soát để kiện toàn tổ chức Đảng đồng bộ với tổ chức bộ máy theo Nghị định số 40/2025/NĐ-CP. Rà soát, điều chỉnh công tác chuẩn bị về nội dung, nhân sự, phương án để tổ chức thật tốt Đại hội Chi bộ, Đảng bộ theo chủ trương chỉ đạo của trên.

Thứ năm, chú trọng làm thật tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trước hết là công tác tư tưởng của cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người liên quan trực tiếp đến công tác sắp xếp để cá nhân có liên quan nhận thức rõ, đánh giá đúng và thể hiện thái độ phù hợp./.