Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến du lịch sông nước tại TP. Cần Thơ
Từ khóa: Điểm đến du lịch, sự hấp dẫn du khách, du lịch sông nước
Summary
The study surveys the factors affecting the attractiveness of river tourism destinations in Can Tho City. The research results show 5 factors affecting the attractiveness of Can Tho River tourism destinations: (1) Price; (2) Destination accessibility; (3) Human resources; (4) Destination image; and (5) Facilities. Based on the research results, the authors propose several solutions to increase the attractiveness of tourist destinations and promote tourism development in Can Tho City.
Keywords: Tourist destinations, tourist attraction, river tourism
GIỚI THIỆU
TP. Cần Thơ nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối giao thông vận tải quan trọng của Vùng đến TP. Hồ Chí Minh và quốc tế. Đây là vùng đất mới giàu tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sông nước, miệt vườn; du lịch khám phá văn hóa dân tộc và văn minh nông nghiệp… do sở hữu hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đất đai màu mỡ, các vườn trái cây xum xuê, tươi xanh bốn mùa, nhiều làng nghề và di tích văn hóa đậm giá trị. Du khách đến với du lịch sông nước Cần Thơ có thể tham quan và khám phá những khu chợ nổi, các vườn trái cây bằng ghe, thuyền hoặc trải nghiệm những cảnh sắc của Cần Thơ theo đường sông, kênh rạch. Nắm bắt được thị trường tiềm năng này, Thành phố đã ngày càng chú trọng đầu tư, phấn đấu đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù cho TP. Cần Thơ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về mặt tự nhiên và sự phát triển hiện tại của du lịch sông nước tại TP. Cần Thơ, loại hình du lịch này vẫn chưa thực sự thu hút đông đảo khách du lịch; phương hướng phát triển du lịch đặc trưng của địa phương cũng còn thiếu sót. Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tính hấp dẫn du khách của điểm đến du lịch sông nước tại TP. Cần Thơ là cần thiết.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu
Theo Rubies (2001) định nghĩa, một điểm đến là một khu vực địa lý chứa đựng một nhóm tài nguyên du lịch và các yếu tố thu hút, cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhà cung cấp dịch vụ, hỗ trợ các lĩnh vực khác và tổ chức quản lý họ tương tác và điều phối các hoạt động cùng nhau nhằm cung cấp cho du khách những trải nghiệm mà họ mong đợi. Tương tự, Page và Conel (2006) cho rằng, điểm đến là hỗn hợp các sản phẩm dịch vụ đóng gói sẵn, khả năng tiếp cận, sự hấp dẫn, cơ sở vật chất, hoạt động và các dịch vụ hỗ trợ. Vì vậy, các điểm du lịch có các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch và thu hút khách du lịch. Những yếu tố này về cơ bản phải đa dạng và phong phú, nhưng điều quan trọng nhất là thu hút được sự chú ý của cả khách du lịch trong và ngoài nước.
Hầu hết các nghiên cứu liên quan đến sự hấp dẫn của điểm đến du lịch đều chú trọng vào việc phát triển khung khái niệm về hình ảnh điểm đến. Một số nghiên cứu đã thực hiện nhằm tìm ra sự hấp dẫn của một điểm đến du lịch trên cơ sở phân tích thuộc tính của điểm đến (Gearing và cộng sự, 1974; Tang và Rochananond, 1990). Trong khi đó, một số nghiên cứu cũng phát hiện ra sự hấp dẫn của điểm đến dựa trên cảm xúc, niềm tin và quan điểm của các cá nhân về khả năng cảm nhận về điểm đến trong việc mang lại sự hài lòng liên quan đến nhu cầu đặc biệt của du khách (Hu và Ritchie, 1993).
Mỗi điểm đến du lịch có những đặc điểm nhất định hấp dẫn đến du khách. Theo nghiên cứu của Lew (1987), những thuộc tính đó không chỉ là các di tích lịch sử, công viên giải trí và phong cảnh mà còn là các dịch vụ và cơ sở phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của du khách. Như vậy, đó có thể là các giá trị tự nhiên, các giá trị văn hoá - lịch sử, các điểm tham quan giải trí nhân tạo, khả năng tiếp cận điểm đến, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch…hoặc cũng có thể là tất cả các yếu tố trên. Theo World Tourism Organization (2007), sự hấp dẫn của một điểm đến du lịch bao gồm các yếu tố dưới đây:
(i) Các tiện nghi: được tạo ra từ nhiều loại dịch vụ và các trang thiết bị hỗ trợ du khách trong quá trình lưu trú tại điểm đến, như dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, dịch vụ thông tin du lịch, hướng dẫn và điều hành du lịch, mua sắm...
(ii) Khả năng tiếp cận: nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, điểm đến cần phải được tiếp cận dễ dàng thông qua các hệ thống giao thông, như: đường bộ, đường hàng không, đường thuỷ thuận tiện cho việc di chuyển. Các yêu cầu về thị thực, điều kiện nhập cảnh… cũng là những vấn đề cần xem xét như là một phần mở rộng khả năng tiếp cận của điểm đến đối với du khách.
(iii) Hình ảnh điểm đến: xây dựng hình ảnh tích cực, đặc sắc về điểm đến là một trong những yếu tố quan trọng giúp điểm đến tới gần hơn với du khách tiềm năng. Các hình ảnh có thể là: đặc điểm độc đáo về cảnh quan, điểm tham quan, chất lượng môi trường, sự an toàn, chất lượng dịch vụ, sự hiếu khách của người dân…
(iv) Giá cả sản phẩm du lịch: giá cả có liên quan tới chi phí vận chuyển, chi phí lưu trú, chi phí ăn uống, chi phí tham quan… Quyết định lựa chọn điểm đến của du khách cũng được dựa trên các yếu tố về giá hoặc các yếu tố mang tính kinh tế khác như tỷ giá thu đổi ngoại tệ…
(v) Nguồn nhân lực phục vụ du lịch: một lực lượng lao động du lịch có chất lượng cao, một bộ phận công dân được trang bị và nhận thức đúng đắn về quyền lợi và có trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch là yếu tố không thể tách rời trong chiến lược phát triển du lịch của một quốc gia.
Hình 1: Mô hình các yếu tố hấp dẫn khách du lịch tại điểm đến du lịch
Nguồn: WTO, 2007 |
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu xây dựng bảng câu hỏi với tổng cộng 19 biến quan sát thông qua việc sử dụng thang đo Likert 5 mức độ. Số liệu sơ cấp được thu thập trực tiếp qua bảng khảo sát du khách bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, tiếp cận du khách tại các điểm đến du lịch trên địa bàn. Mẫu nghiên cứu gồm 140 phiếu, trong đó có 135 phiếu hợp lệ, chiếm 96,4%. Dữ liệu sơ cấp sau khi thu thập được mã hóa và khai báo biến, xử lý bằng phần mềm SPSS. Để kiểm định các thành phần của thang đo, phương pháp thống kê mô tả được sử dụng, kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hệ số điểm nhân tố. Nghiên cứu tiến hành từ tháng 3-6/2024.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha của thang đo
Kết quả kiểm định cho thấy, hệ số độ tin cậy Cronbach’s Alpha của 19 biến thuộc 5 nhóm nhân tố thành phần đều hợp lệ (> 0,6) và các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến – tổng > 0,3. Như vậy, thang đo đạt độ tin cậy, các biến quan sát đủ điều kiện để đưa vào phân tích EFA.
Phân tích EFA
Kết quả kiểm định KMO và Bartlett trong ma trận xoay nhân tố (Bảng 1) cho thấy, hệ số KMO = 0,835, đáp ứng điều kiện 0,5 ≤ KMO ≤ 1, do đó, phân tích EFA là phù hợp và các biến có mối tương quan với nhau trong tổng thể ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả phân tích cho thấy, từ 19 biến quan sát được nhóm thành 5 nhóm nhân tố. Tổng phương sai trích = 63,208% > 50% cho thấy, khả năng giải thích sự biến thiên của dữ liệu từ 19 biến quan sát là 63,208%. Các giá trị Eigenvalue của các nhân tố đều > 1.
Bảng 1: Kết quả ma trận xoay nhân tố
Biến quan sát | Nhân tố | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | |
Giá cả lưu trú phù hợp với từng loại hình (P3) | 0,836 |
|
|
|
|
Các dịch vụ khác tại điểm đến có mức giá hợp lý (P4) | 0,721 |
|
|
|
|
Chi phí ăn uống ở mức vừa phải (P2) | 0,681 |
|
|
|
|
Quà tặng lưu niệm có mức giá niêm yết rõ ràng, thích hợp (P5) | 0,661 |
|
|
|
|
Giá vé vào cổng tương xứng với chất lượng dịch vụ của điểm đến (P1) | 0,632 |
|
|
|
|
Có thể đến Cần Thơ bằng đường hàng không (DA3) |
| 0,805 |
|
|
|
Có thể đến Cần Thơ bằng đường thuỷ (DA2) |
| 0,696 |
|
|
|
Thuận tiện trong việc di chuyển đến các địa điểm du lịch lân cận (DA4) |
| 0,672 |
|
|
|
Có thể đến Cần Thơ bằng đường bộ (DA1) |
| 0,542 |
|
|
|
Nhân viên phục vụ cơ sở lưu trú có thể sử dụng tiếng Anh, hoạt bát, kỹ năng chuyên nghiệp (HR3) |
|
| 0,740 |
|
|
Nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn có thái độ phục vụ tốt, ân cần chăm sóc (HR2) |
|
| 0,718 |
|
|
Người dân địa phương cung cấp các dịch vụ khác thân thiện, sẵn sàng phục vụ (HR4) |
|
| 0,704 |
|
|
Hướng dẫn viên tại các điểm du lịch có nhiều kiến thức, nhiệt tình hướng dẫn (HR1) |
|
| 0,628 |
|
|
Sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hoá đặc sắc (DI1) |
|
|
| 0,735 |
|
Nhiều điểm tham quan, mua sắm, vui chơi du lịch hấp dẫn (DI2) |
|
|
| 0,734 |
|
Khí hậu dễ chịu, môi trường trong lành (DI3) |
|
|
| 0,706 |
|
Dịch vụ ăn uống (MF3) |
|
|
|
| 0,754 |
Cơ sở lưu trú (MF2) |
|
|
|
| 0,692 |
Hệ thống giao thông (MF1) |
|
|
|
| 0,548 |
Hệ số KMO = 0,835 |
|
|
|
|
|
Tổng phương sai trích = 63,208 |
|
|
|
|
|
Kiểm định Bartlett = 0,000 |
|
|
|
|
|
Nguồn: Tổng hợp, tính toán từ kết quả khảo sát của nhóm tác giả, 2024
Bước tiếp theo để đánh giá mức độ hấp dẫn du khách của 5 nhóm nhân tố ảnh hưởng trong mô hình nêu trên, nghiên cứu tiếp tục thực hiện phân tích ma trận hệ số điểm nhân tố (Bảng 2).
Bảng 2: Kết quả ma trận hệ số điểm nhân tố
Biến quan sát | Nhân tố (F) | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | |
Giá cả lưu trú phù hợp với từng loại hình (P3) | 0,379 |
|
|
|
|
Các dịch vụ khác tại điểm đến có mức giá hợp lý (P4) | 0,289 |
|
|
|
|
Chi phí ăn uống ở mức vừa phải (P2) | 0,273 |
|
|
|
|
Quà tặng lưu niệm có mức giá niêm yết rõ ràng, thích hợp (P5) | 0,286 |
|
|
|
|
Giá vé vào cổng tương xứng với chất lượng dịch vụ của điểm đến (P1) | 0,227 |
|
|
|
|
Có thể đến Cần Thơ bằng đường hàng không (DA3) |
| 0,414 |
|
|
|
Có thể đến Cần Thơ bằng đường thuỷ (DA2) |
| 0,355 |
|
|
|
Thuận tiện trong việc di chuyển đến các địa điểm du lịch lân cận (DA4) |
| 0,286 |
|
|
|
Có thể đến Cần Thơ bằng đường bộ (DA1) |
| 0,215 |
|
|
|
Nhân viên phục vụ cơ sở lưu trú có thể sử dụng tiếng Anh, hoạt bát, kỹ năng chuyên nghiệp (HR3) |
|
| 0,408 |
|
|
Nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn có thái độ phục vụ tốt, ân cần chăm sóc (HR2) |
|
| 0,346 |
|
|
Người dân địa phương cung cấp các dịch vụ khác thân thiện, sẵn sàng phục vụ (HR4) |
|
| 0,350 |
|
|
Hướng dẫn viên tại các điểm du lịch có nhiều kiến thức, nhiệt tình hướng dẫn (HR1) |
|
| 0,291 |
|
|
Sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hoá đặc sắc (DI1) |
|
|
| 0,404 |
|
Nhiều điểm tham quan, mua sắm, vui chơi du lịch hấp dẫn (DI2) |
|
|
| 0,416 |
|
Khí hậu dễ chịu, môi trường trong lành (DI3) |
|
|
| 0,395 |
|
Dịch vụ ăn uống (MF3) |
|
|
|
| 0,504 |
Cơ sở lưu trú (MF2) |
|
|
|
| 0,381 |
Hệ thống giao thông (MF1) |
|
|
|
| 0,290 |
Nguồn: Tổng hợp, tính toán từ kết quả khảo sát của nhóm tác giả, 2024
Dựa vào bảng ma trận hệ số điểm nhân tố, ta có 5 phương trình nhân tố như sau:
F1= 0,379P3 + 0,289P4 + 0,273P2 + 0,286P5 + 0,227P1
F2= 0,414DA3 + 0,355DA2 + 0,286DA4 + 0,215DA1
F3= 0,408HR3 + 0,346HR2 + 0,350HR4 + 0,291HR1
F4 = 0,404DI1 + 0,416DI2 + 0,395DI3
F5= 0,504MF3 + 0,381MF2 + 0,290MF1
Xét các điểm nhân tố trong từng phương trình trên, nhân tố có điểm cao nhất sẽ mang tầm ảnh hưởng đến nhân tố chung nhiều nhất. Ngược lại, nhân tố có điểm thấp nhất sẽ có ít tác động nhất đến các nhân tố chung của tính hấp dẫn.
(i) Biến P3 (Giá cả lưu trú phù hợp với từng loại hình) với điểm nhân tố 0,379 có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân tố chung F1 và biến P1 (Giá vé vào cổng tương xứng với chất lượng dịch vụ của điểm đến) có điểm nhân tố thấp nhất là 0,227, ít tác động nhất tới nhân tố chung F1. Giá cả là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chi trả trong chuyến đi của du khách, một điểm đến với giá cả hợp lý là điều du khách rất quan tâm. Hơn thế, cần nâng cấp thêm các cơ sở vật chất tiện nghi với các giá trị khác nhau, dễ dàng đáp ứng được nhiều nhu cầu của du khách.
(ii) Biến DA3 (Có thể đến Cần Thơ bằng đường hàng không) với điểm nhân tố 0,414 có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân tố chung F2 và biến DA1 (Có thể đến Cần thơ bằng đường bộ). Du lịch Cần Thơ cần chú trọng hơn nữa vào việc mở rộng thêm các đường bay để du khách dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư và cải thiện dịch vụ cho cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực giao thông đường bộ, góp phần thuận tiện cho việc di chuyển của du khách cũng như ngành du lịch càng được mở rộng và phát triển tối ưu.
(iii) Biến HR3 (Nhân viên phục vụ cơ sở lưu trú có thể sử dụng tiếng Anh, hoạt bát, kỹ năng chuyên nghiệp) có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân tố chung F3 với điểm nhân tố là 0,408 và điểm nhân tố thấp nhất là 0,291, thuộc về nhân tố HR1 (Hướng dẫn viên tại các điểm du lịch có nhiều kiến thức, nhiệt tình hướng dẫn). Việc có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài luôn là một lợi thế, từ đó dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của họ và mang lại hình ảnh chuyên nghiệp được đánh giá cao. Vì vậy, cần phải đào tạo, huấn luyện nâng cao các kỹ năng nhân viên thường xuyên.
(iv) Biến DI2 (Nhiều điểm tham quan, mua sắm, vui chơi du lịch hấp dẫn) có điểm nhân tố là 0,416, ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân tố chung F4 và biến DI3 (Khí hậu dễ chịu, môi trường trong lành) ảnh hưởng ít nhất đến nhân tố chung F4 với điểm nhân tố là 0,395. Vì thế, các địa điểm phục vụ du lịch này luôn cần được cải tiến và đổi mới. Việc khai thác, nâng cấp các điểm đến du lịch cũng tác động nhiều đến môi trường sống. Cần phải xây dựng những biện pháp thích ứng với sự thay đổi này và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững hoạt động du lịch cho vùng sông nước.
(v) Biến MF3 (Dịch vụ ăn uống) có điểm nhân tố là 0,504, ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân tố chung F5. Biến MF1 (Hệ thống giao thông) có điểm nhân tố là 0,290, ít tác động nhất đến nhân tố chung. Các đơn vị kinh doanh về dịch vụ ăn uống tại các điểm đến tham quan du lịch cần đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất phục vụ cũng như quan tâm đến đa dạng hương vị món ăn, đồng thời luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Qua kết quả nghiên cứu thực tế trên của du lịch sông nước Cần Thơ, một số giải pháp có thể đề xuất nhằm tăng sức hút cho điểm đến du lịch và thúc đẩy phát triển cho địa phương như sau:
Một là, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Kết hợp các loại hình du lịch khác, như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)… vào các điểm đến của du lịch sông nước, nhằm mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Tăng cường tổ chức các lễ hội, sự kiện gắn với ẩm thực, lịch sử, văn hóa… xây dựng được hình ảnh cho loại hình du lịch đặc trưng cũng như quảng bá truyền thống của địa phương. Khuyến khích người dân làm du lịch bằng những nghề truyền thống, góp phần tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch cũng như bảo tồn được các làng nghề truyền thống, đa dạng sản phẩm du lịch.
Hai là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến. Hiện tại, Cần Thơ đã cung cấp đầy đủ các cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản để phục vụ cho du lịch, như: bến tàu, sân bay, đa dạng các cơ sở lưu trú từ nhà nghỉ bình dân đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp… Để nâng cao chất lượng điểm đến, cần khuyến khích các cơ sở lưu trú hiện nay đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, đổi mới trang thiết bị hiện đại cho cơ sở lưu trú, đặc biệt là các cơ sở lớn, tạo không gian cảnh quan mới lạ và hấp dẫn cho du khách như hướng ra sông nước, hướng ra phố xá… Phát triển thêm phong phú các loại nhà hàng, quán ăn với phong cách khác nhau, như: Nhật Bản, Trung Quốc… hoặc theo các hình thức như: quán ăn gia đình, đặc sản các vùng miền… Đầu tư nâng cấp, cải tạo các khu vui chơi giải trí đặc sắc mang đậm chất miền Tây tại các khu du lịch làng quê. Xây dựng mới và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm tại trung tâm.
Ba là, chiến lược giá cả. Giá cả của các sản phẩm du lịch sông nước Cần Thơ cần được duy trì với mức giá ổn định, niêm yết rõ ràng, không nên tăng giá đột ngột vào các mùa cao điểm để thu thêm lợi nhuận. Đặc biệt, giá cả quà lưu niệm tại các chợ cần có bảng giá cụ thể, không tự ý thay đổi giá khi gặp khách du lịch. Các cơ sở lưu trú, nên thiết lập khuyến mãi cho khách du lịch đến lần đầu, giảm giá khi đặt qua các ứng dụng hoặc khi check in trên nền tảng xã hội.
Bốn là, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Để tạo ấn tượng hấp dẫn ban đầu cho du khách, nhân viên hoạt động trong ngành du lịch cần luôn niềm nở, thân thiện và nhiệt tình, dù ở bất cứ vai trò nào. Nhân viên ngành du lịch cũng cần tích cực rèn luyện, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ để có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Các doanh nghiệp, công ty quản lý cũng nên mở các lớp học ngắn hạn, tập huấn và kiểm tra định kỳ để giúp nâng cao tay nghề nhân viên.
Năm là, giải pháp truyền thông, quảng bá du lịch. Nâng cao hiệu quả quảng bá bằng các video giới thiệu điểm đến tham quan du lịch sông nước thông qua truyền hình, các trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng, như: Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Youtube…Kết hợp chạy quảng cáo về các tour du lịch sông nước với các công ty, doanh nghiệp và cần nắm bắt nhanh chóng, triển khai các xu hướng mới để thu hút lượt theo dõi. Xây dựng các điểm mua sắm tại các trạm dừng cho các đoàn khách để quảng bá sản phẩm, đặc sản địa phương. Ngoài ra, tích cực tham gia vào các ngày lễ hội, sự kiện của cơ quan du lịch hoặc địa phương, thành phố để quảng bá loại hình du lịch đặc trưng đến rộng rãi khách hàng và các nhà kinh doanh du lịch./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Beerli, A., and Martı́n, J. D. (2004), Tourists’ characteristics and the perceived image of tourist destinations: a quantitative analysis - a case study of Lanzarote, Spain, Tourism management, 25(5), 623-636.
2. Chaudhary, M. (2000), India's image as a tourist destination - a perspective of foreign tourists, Tourism management, 21(3), 293-297.
3. Dương Thị Hữu Hiền và Nguyễn Trung Hiệp (2016), Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường sông từ các sự kiện du lịch (bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc áp dụng cho du lịch đường sông tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai), Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 19, 46-60.
4. Gearing, C. E., Swart, W. W., and Var, T. (1974), Establishing a measure of touristic attractiveness, Journal of travel Research, 12(4), 1-8.
5. Hu, Y., and Ritchie, J. B. (1993), Measuring destination attractiveness: A contextual approach, Journal of travel research, 32(2), 25-34.
Lew Alan A. (1987), A Framework of tourist attraction research, Annals of Tourism Research, 14, 553-575.
6. Lưu Thanh Đức Hải (2012), Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 22b, 231-241.
7. Page, S., and Connell, J. (2006), Tourism: A Modern Synthesis, London: Thompson Learning.
8. Rubies, E. B. (2001), Improving public private sectors cooperation in tourism: A new paradigm for destinations, Tourism Review, 56(3/4), 38-41, DOI: https://doi.org/10.1108/eb058369.
9. Tang, J. C., and Rochananond, N. (1990), Attractiveness as a tourist destination: a comparative study of Thailand and selected countries, Socio-Economic Planning Sciences, 24(3), 229-236.
10. Trương Trí Thông, Tô Diễm Phụng (2021), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của điểm đến du lịch Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 57(5), 231-241.
11. World Tourism Organization (2007), UNWTO Tourism Highlights, 2007 Edition, UNWTO, Madrid, DOI: https://doi.org/10.18111/9789284413539.
Trần Hữu Thế
Đảng ủy Phường Tân An, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Lưu Thanh Đức Hải
PGS, TS. Trường Kinh tế - Đại học Cần Thơ
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số đặc biệt tháng 11/2024)
Bình luận