Cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53%
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 27/9/2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,10% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 5,40%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53% (cùng thời điểm năm trước lần lượt tăng 6,63% và 6,24%).
Từ cuối quý II/2024, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tính đến tháng 8/2024, lãi suất cho vay đã giảm hơn 1,0% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8%-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4,0%/năm).
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 8/2024, lãi suất cho vay đã giảm hơn 1,0% so với cuối năm 2023 |
Tín dụng cơ bản tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới với tổng số tiền lên tới 405 nghìn tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5%-2,0%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Về tín dụng chính sách xã hội, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 30/9/2024, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 90.233 tỷ đồng, với hơn 1,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 357,3 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 7,6%) so với cùng kỳ năm 2023.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 30/9/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.093 đồng/USD, tăng 0,95% so với thời điểm cuối năm 2023.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 vừa diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nên mục tiêu tăng trưởng 15% là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm, tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
“Thời gian gần đây, tình hình lạm phát trên thế giới đang giảm dần về mức mục tiêu, nên các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có điều chỉnh giảm lãi suất 0,5% sau rất nhiều tháng cân nhắc, thận trọng.”, bà Hồng cho hay.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, chỉ số USD mặc dù vẫn tăng so với đầu năm, tuy nhiên áp lực đã dịu bớt, tạo thuận lợi cho chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đây là một động lực quan trọng cho nền kinh tế. Nguồn: SBV |
Đối với kinh tế trong nước, Thống đốc cho rằng, các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và có phục hồi. Tuy nhiên, động lực tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều và phản ánh qua tổng mức bán lẻ loại trừ, giá chỉ tăng 5,3% - thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (8%).
Lạm phát được kiểm soát khá ổn định, khả năng đạt được mục tiêu của năm 2024. Đồng thời, đảm bảo bình quân lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,5%, đồng VNĐ mất giá khoảng 1,66% - đây là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Liên quan đến định hướng điều hành trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Gói hỗ trợ về thuỷ sản và chế biến gỗ đã nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng. Nhiều tổ chức tín dụng đã đăng ký các gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất.
“Do 98% doanh nghiệp ở nước ta là nhỏ và vừa, vì vậy cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó tạo khơi thông dòng vốn tín dụng.”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.
Ngành ngân hàng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng sau một giai đoạn dài khó khăn. Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Bình luận