Từ khóa: quản trị rủi ro, năng lực cạnh tranh, kiểm soát nội bộ, ngân hàng thương mại

Summary

In the context of increasingly deeper international economic integration, many challenges have been posed, requiring domestic commercial banks to become increasingly professional and constantly improve their competitiveness to survive and develop. Risks are increasing with diverse forms and have been constantly changing. Therefore, to strengthen and improve the competitiveness of commercial banks, it is necessary to build an effective risk management process that contributes to perfecting the internal control system.

Keywords: risk management, competitiveness, internal control, commercial banks

GIỚI THIỆU

QTRR là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro. Hệ thống kiểm soát nội bộ, theo định nghĩa của Viện Kiểm toán quốc tế, là tập hợp bao gồm các chính sách, quy trình, quy định nội bộ, các thông lệ, cơ cấu tổ chức của ngân hàng, được thiết lập và được tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu của ngân hàng và đảm bảo phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro xảy ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm 5 cấu phần, cụ thể: là môi trường kiểm soát, hệ thống quản lý và đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, hệ thống thông tin và cơ chế trao đổi thông tin, và cơ chế giám sát hoạt động kiểm soát. Hệ thống quản lý và đánh giá rủi ro là quy trình định dạng và phân tích mọi rủi ro liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu của tổ chức tín dụng, cụ thể bao gồm: (i) Xác định mục tiêu, (ii) Mức độ phù hợp của các mục tiêu, (iii) Định dạng các rủi ro liên quan, (iv) Đánh giá rủi ro, (v) Các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Như vậy, QTRR là một chức năng quan trọng trong hệ thống kiểm soát nội bộ. Một hệ thống kiểm soát nội bộ được coi là có hiệu thực khi QTRR được thiết lập và hoạt động có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác QTRR trong ngân hàng sẽ giúp bộ phận kiểm soát nội bộ làm tốt chức năng của mình.

NHẬN DIỆN RỦI RO TRONG KINH DOANH NHTM

Rủi ro trong kinh doanh ngân hàng được hiểu là những biến cố không mong đợi mà khi xảy ra sẽ dẫn đến sự tổn thất về tài sản của ngân hàng, giảm sút lợi nhuận thực tế so với dự kiến hoặc phải bỏ ra thêm một khoản chi phí để có thể hoàn thành được một nghiệp vụ tài chính nhất định. Rủi ro trong kinh doanh ngân hàng về cơ bản bao gồm 3 loại sau: Rủi ro tín dụng; Rủi ro thị trường; Rủi ro hoạt động.

Rủi ro tín dụng là rủi ro xảy ra khi người vay không trả được nợ cho ngân hàng. Đây là rủi ro lớn nhất, thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại nhiều nhất cho NHTM bởi hoạt động tín dụng đầu tư là hoạt động chủ yếu của các NHTM chiếm trên 60% thu nhập của các NHTM trên thế giới và khoảng 90% tại Việt Nam. Rủi ro tín dụng tồn tại dưới nhiều hình thức như: không thu được lãi đúng hạn, không thu được vốn đúng hạn, không thu đủ lãi, không thu đủ vốn. Rủi ro này có thể phát sinh từ phía khách hàng, từ phía ngân hàng hoặc môi trường kinh doanh. Thực hiện quản trị tốt rủi ro tín dụng góp phần nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ của ngân hàng. Thực tế cũng cho thấy, các NHTM trên thế giới rất chú trọng kiểm soát loại rủi ro này và phân bổ đến hơn 80% vốn pháp định cho rủi ro tín dụng.

Rủi ro thị trường trong hoạt động ngân hàng là rủi ro tiềm ẩn gây ra tác động tiêu cực đối với thu nhập hoặc vốn của ngân hàng do những biến động bất lợi của các yếu tố trên thị trường như: lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán, giá hàng hóa... Ngân hàng không thể tác động làm thay đổi các yếu tố này, mà chỉ có thể dự báo xu hướng, tính toán mức độ ảnh hưởng để từ đó đưa ra các biện pháp chủ động điều chỉnh quy mô, cơ cấu tài sản có, sao cho hạn chế thấp nhất tổn thất có thể xảy ra thông qua việc kết hợp mô hình hiện đại trong việc ước lượng rủi ro lãi suất và sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính phái sinh. Rủi ro thị trường bao gồm: rủi ro tỷ giá hối đoái (Foreign Exchange Rate (Forex) Risk), Rủi ro lãi suất (Interest Rate Risk), Rủi ro thanh khoản (Liquidity Risk). Rủi ro tỷ giá hối đoái xảy ra khi tỷ giá hối đoái biến động, ngân hàng nắm giữ các chứng khoán, các khoản vay mượn ngoại tệ hoặc giữ ngoại tệ sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi. Rủi ro lãi suất bao gồm các loại rủi ro do có độ lệch về lãi suất, rủi ro về biên độ lãi suất tín dụng, rủi ro lãi suất cơ bản và rủi ro quyền chọn. Rủi ro thanh khoản xảy ra khi hoạt động của ngân hàng không đảm bảo khả năng cung ứng tiền mặt cho nhu cầu thanh khoản tức thời.

Rủi ro hoạt động là những rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của các NHTM. Những rủi ro này bao gồm: rủi ro pháp lý, rủi ro tuân thủ, rủi ro hệ thống, rủi ro công nghệ thông tin, rủi ro về tài sản, rủi ro về con người…

QUẢN TRỊ RỦI RO TẠI CÁC NTHM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Theo NHNN (2016), nhìn chung, các NHTM tại Việt Nam hiện đã áp dụng mô hình QTRR 3 tuyến phòng thủ theo khuyến nghị của Hiệp ước Basel II. Tuyến phòng thủ thứ nhất là các khối kinh doanh, bán hàng, các chuyên viên khách hàng, chi nhánh, các đơn vị vận hành tại hội sở... Nhiệm vụ chính của các đơn vị này là xác định, đánh giá, ngăn ngừa, báo cáo và theo dõi các rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh (cho vay) và các quy trình vận hành khác; bảo vệ lợi ích của đơn vị thông qua việc tự đánh giá rủi ro và kiểm soát tính hiệu quả của từng đơn vị. Tuyến phòng thủ thứ hai là khối QTRR, khối tuân thủ, QTRR hoạt động và pháp chế. Tuyến này có rất nhiều nhiệm vụ, trong đó quan trọng hơn cả là việc độc lập đánh giá và kiểm soát (kiểm tra và cân đối) tính hiệu quả của hệ thống ở tuyến phòng thủ thứ nhất; quản lý rủi ro chính thông qua việc thiết lập khẩu vị rủi ro/chính sách cho vay, xây dựng quy trình/hướng dẫn tín dụng và cho vay, theo dõi, cảnh báo sớm, quản trị danh mục…; giám sát các chương trình kiểm soát nội bộ, tuân thủ… Tuyến phòng thủ thứ ba là bộ phận kiểm toán nội bộ. Đây là bộ phận trực thuộc Ban kiểm soát và không thuộc Ban điều hành của ngân hàng, nên việc đánh giá 2 tuyến phòng thủ trước và các rủi ro có thể xảy ra được thực hiện độc lập và khách quan.

Như vậy, khi áp dụng mô hình này tất cả thành viên trong hệ thống đều phải tham gia quá trình QTRR nên đảm bảo mọi rủi ro trong mỗi tác vụ của ngân hàng được nhận diện, kiểm soát và giảm thiểu. Vận hành thành công mô hình cần có sự tham gia và quyết tâm của toàn bộ các thành viên từ lãnh đạo cấp cao nhất đến nhân viên cấp thấp nhất bên cạnh một lượng lớn đầu tư về thời gian và tiền bạc.

Tiêu biểu cho lĩnh vực này là QTRR của Techcombank, sau một thời gian triển khai hoạt động QTRR đã được thực hiện trên toàn hệ thống, các chuẩn mực an toàn đã được tuân thủ và dần tiệm cận các chuẩn mực quản trị tiên tiến trên thế giới, đặc biệt, tạo nên văn hóa ý thức và kiểm soát rủi ro trong mỗi nhân viên của ngân hàng. Mỗi cá nhân, từ chuyên viên khách hàng tới nhân viên các khối hỗ trợ, đều tuân thủ quy định, quy trình và ý thức được trách nhiệm đánh giá, phát hiện sớm rủi ro và tìm cách ngăn ngừa các rủi ro phát sinh.

Theo Báo cáo Công bố thông tin theo trụ cột 3 Basel II ngày 31/12/2022, NHTMCP Quân đội (MB) cho biết, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất đạt 11,53%, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ đạt 11,37%, đã đáp ứng tiêu chí tối thiểu 8% của Basel II đưa ra. Chẳng hạn, trong việc quản lý rủi ro tín dụng, quy trình quản lý rủi ro được MB thực hiện theo 4 bước chính: (1) Nhận dạng rủi ro; (2) Đo lường rủi ro; (3) Theo dõi rủi ro; (4) Kiểm soát rủi ro liên tục được vận hành, báo cáo cấp có thẩm quyền để có quyết định xử lý thông tin rủi ro kịp thời, hiệu quả. Cơ cấu tổ chức quản lý rủi ro tín dụng được MB tổ chức và phân định chức năng theo mô hình 3 tuyến bảo vệ đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả và không phát sinh xung đột về lợi ích.

Không chỉ MB thực hiện tốt công tác QTRR, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thực hiện rất thành công. Vietcombank đã xây dựng chương trình tính tỷ lệ an toàn vốn tự động hằng tháng, ban hành Quy định quản lý tỷ lệ an toàn vốn và Quy trình vận hành chương trình tính tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, theo định kỳ hằng năm hoặc khi cần thiết, Vietcombank cũng đã ban hành Quy định về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn hướng dẫn về việc lập kế hoạch vốn, đảm bảo phù hợp với kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Để thực hiện hoạt động QTRR một cách hiệu quả, Vietcombank đã thành lập Ủy ban Quản lý rủi ro với chức năng tham mưu cho Hội đồng quản trị trong việc phê duyệt các chính sách và định hướng phù hợp trong từng thời kỳ liên quan đến loại rủi ro khác nhau, đề xuất cho Hội đồng quản trị các chiến lược, chính sách quản lý rủi ro, các biện pháp phòng ngừa rủi ro trên nhiều mặt hoạt động. Nhờ hoạt động QTRR hiệu quả, năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất của Vietcombank đạt 9,31%; tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ đạt 8,97% (Nguyễn Nam Anh, 2023). Đây là con số ấn tượng đối với Vietcombank, nó thể hiện Vietcombank đang hoạt động và phát triển tốt.

Tuy vậy, thời gian qua, các NHTM chỉ chủ yếu chú trọng QTRR tín dụng bởi đặc trưng của hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu. Công tác quản trị các loại rủi ro khác vẫn chưa được chú trọng đúng mức, hệ thống QTRR tại nhiều ngân hàng còn yếu và thiếu, mức độ nhận biết về rủi ro của các thành viên trong ngân hàng chưa cao.

XÂY DỰNG QUY TRÌNH QTRR NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC KIỂM SOÁT NỘI BỘ CỦA NHTM

QTRR thực hiện tại các NHTM cần ứng dụng có hệ thống các chính sách quản lý, thủ tục và thực hành với nhiệm vụ thiết lập bối cảnh, xác định, phân tích, đánh giá, xử lý và giám sát. Đây là một quá trình lặp đi lặp lại, được cải tiến sau mỗi chu kỳ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng, nâng cao năng lực kiểm soát thông qua việc nhận diện các rủi ro và tác động của chúng. Để QTRR tốt, theo nhóm tác giả, các NHTM cần thực hiện quy trình QTRR như sau:

Bước 1: Xác định các rủi ro

- Xác định bối cảnh có thể xảy ra rủi ro: Rủi ro được nhận diện từ những yếu tố có ảnh hưởng không tốt đến khả năng đạt mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở phân tích thông tin nội bộ kết hợp với các thông tin phân tích môi trường bên ngoài theo các cấp độ: cấp ngành, cấp vĩ mô và cấp toàn cầu để xác định những yếu kém, những tác động bất lợi nhằm nhận diện rủi ro. Áp dụng phương pháp scannario để phân tích các lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao nhằm kiểm soát khả năng phát sinh rủi ro từ đó thiết lập các biện pháp ngăn ngừa và hành động đáp trả. Điều quan trọng là phải hiểu rõ bối cảnh hoạt động của ngân hàng rước khi nguy cơ có thể được hiểu rõ và xử lý, thông qua việc xác định các mối quan hệ giữa ngân hàng và môi trường mà nó hoạt động để xác định các ranh giới rõ ràng đối phó với nguy cơ.

- Nhận diện các rủi ro: Trên cơ sở phân tích các quy trình hoạt động, nhận diện các bối cảnh nơi mà rủi ro có thể xảy ra để nhận diện những rủi ro tiềm ẩn. Lập danh sách các rủi ro và bối cảnh của rủi ro đó làm cơ sở xác định nguyên nhân và khả năng kiểm soát.

Bước 2: Phân tích rủi ro

- Xác định các nguyên nhân và khả năng kiểm soát của rủi ro: Khi đã nhận diện được các nguy cơ có thể xảy ra rủi ro cần xác định rõ nguyên nhân. Xác định các nguyên nhân và các kịch bản mô tả về các khả năng có thể xảy ra rủi ro từ những nguồn tiềm ẩn. Xác định tất cả những khả năng kiểm soát có thể nhằm giảm khả năng rủi ro xảy ra ở nơi đầu tiên, và nếu chúng xảy ra thì có những biện pháp làm giảm tác động của chúng.

- Xác định khả năng xảy ra rủi ro và hậu quả của rủi ro: Xác định mức độ về khả năng tiềm ẩn có thể xảy ra của từng loại rủi ro đã nhận diện và xác định những hậu quả có thể có nếu như những rủi ro này xảy ra. Mức độ xảy ra rủi ro có thể được chia theo thang đánh giá: thấp, trung bình, cao hay cực cao và phải được xác định ngay từ đầu. Khi phân tích rủi ro điều quan trọng là phải xem xét những khả năng rủi ro xảy ra và hậu quả trong bối cảnh hoạt động.

- Đánh giá rủi ro: Đánh giá rủi ro liên quan đến việc so sánh mức độ rủi ro phát hiện trong quá trình phân tích với tiêu chí rủi ro được xác lập trước, và quyết định có những rủi ro có thể được chấp nhận. Nếu rủi ro rơi vào loại thấp hoặc chấp nhận thì rủi ro đó có thể được chấp nhận với mức độ kiểm soát tối thiểu. Một khi quá trình trên hoàn tất, nếu vẫn còn có một số rủi ro được đánh giá là cao hay cực, một quyết định đã được thực hiện để xem liệu các hoạt động sẽ đi trước. Đôi khi rủi ro cao hơn được ưu tiên nhưng có thể không có gì hơn có thể được thực hiện để giảm thiểu nguy cơ tức là họ đang ra khỏi sự kiểm soát của các đơn vị làm việc nhưng hoạt động này vẫn phải được thực hiện. Trong tình huống như vậy, giám sát và đánh giá thường xuyên là điều cần thiết. Song, những rủi ro này vẫn cần được theo dõi và đánh giá định kỳ để đảm bảo nguy cơ ở mức chấp nhận được.

- Tăng cường kiểm soát đối với rủi ro có nguy cơ cao: Với bất kỳ rủi ro nào được đánh giá có nguy cơ cao hoặc cực cao nên áp dụng thêm các kiểm soát cho nó để giảm nguy cơ này đến một mức độ chấp nhận được.

Bước 3: Xử lý rủi ro

Xử lý rủi ro liên quan đến việc xác định phạm vi của các tùy chọn để xử lý những rủi ro, đánh giá các lựa chọn, chuẩn bị các kế hoạch xử lý rủi ro và thực hiện những kế hoạch đó. Ngân hàng cần xây dựng các phương án, đưa ra tình huống để sẵn sàng đối phó cũng như khắc phục kịp thời các rủi ro có thể xảy ra. Xử lý rủi ro cần xem xét lựa chọn các phương án thích hợp để đạt được kết quả mong muốn tương xứng với tầm quan trọng của các rủi ro và chi phí xử lý tương xứng với những lợi ích tiềm năng mang lại. Các phương án xử lý rủi ro phổ biến:

- Chấp nhận rủi ro: đối với những rủi ro có hậu quả nhỏ hoặc không đáng kể, mức độ quan trọng thấp thì những rủi ro này được chấp nhận như nó vốn có. Ngân hàng cần xác định hạn mức cho từng loại rủi ro nhằm đảm bảo rủi ro của ngân hàng luôn nằm trong các giới hạn đã được phê duyệt.

- Tránh rủi ro: Ra quyết định hoặc không tiến hành một hoạt động, hoặc chọn một hoạt động thay thế với mức rủi ro chấp nhận.

- Loại bỏ rủi ro: Ngân hàng cần dùng các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn không cho rủi ro đó lặp lại.

- Giảm khả năng xảy ra của rủi ro hay hậu quả của rủi ro: Thực hiện những biện pháp ngăn chặn, giảm khả năng xảy ra của rủi ro và giảm thiểu hậu quả của nó. Ngân hàng nên có chính sách, quy trình và thủ tục để kiểm soát và đưa ra chương trình giảm thiểu rủi ro. Định kỳ đánh giá các ngưỡng rủi ro và chiến lược kiểm soát nhằm sử dụng các chiến lược thích hợp với rủi ro tổng thể và rủi ro đặc trưng.

- Chuyển rủi ro toàn bộ hoặc một phần thông qua hợp đồng liên kết hoặc bảo hiểm.

- Giữ lại các nguy cơ: trên quan điểm cho rằng xử lý rủi ro không phải là để loại trừ rủi ro mà việc thừa nhận các rủi ro là một phần quan trọng của các hoạt động. Điều quan trọng là phải xem xét mức độ chấp nhận được của rủi ro vốn.

- Tài trợ cho các rủi ro: tài trợ cho những hậu quả của rủi ro, cung cấp tài chính để trang trải chi phí cho việc thực hiện xử lý rủi ro.

Bước 4: Đánh giá và giám sát

Giám sát tất cả các rủi ro và đánh giá thường xuyên của các hồ sơ rủi ro là một phần quan trọng của QTRR hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo

1. MB (2022), Báo cáo công bố thông tin theo trụ cột 3 Basel II, ngày 31/12/2022.

2. NHNN (2016), Tổng quan Basell II, truy cập từ http://www.sbv.gov.vn/portal/pages/apph/tcthnh.

3. NHNN (2016), Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

4. Nguyễn Nam Anh (2023), Nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng thương mại: Nghiên cứu điển hình tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/nang-cao-nang-luc-tai-chinh-cua-ngan-hang-thuong-mai-nghien-cuu-dien-hinh-tai-ngan-hang-tmcp-ngoai-thuong-viet-nam-44566.html.

TS. Nguyễn Thị Việt Hà – Khoa Quản trị kinh doanh - Học viện Ngân hàng

ThS. Lê Thị Hải – Khoa Quản lý Kinh doanh - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)