Tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra hôm nay (11/11, đặt vấn đề chất vấn liên quan đến nợ xấu, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá tính hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này? Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc NHNN có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?.

Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tăng so với năm 2022
Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) nêu câu hỏi chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Trả lời chất vấn về nội dung trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%- gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.

“Để kiểm soát nợ xấu, NHNN đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. NHNN đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.”, bà Hồng cho hay.

Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tăng so với năm 2022
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao

Cũng theo Người đứng đầu NHNN, đối với trường hợp nợ xấu tăng cao, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình để giảm được nhiều lãi suất cho khách hàng.

Giải pháp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15%, mà không để tăng tỷ lệ nợ xấu?

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho biết, trong năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, trong 9 tháng đầu năm mới đạt 8,53%. Đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp và còn 2 tháng để đạt được chỉ tiêu theo định hướng NHNN đã đặt ra. Đề nghị Thống đốc cho biết tính khả thi của chỉ tiêu tín dụng 15% trong năm 2024, có ảnh hưởng tới nợ xấu và khả năng hấp thụ vốn không? Giải pháp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% mà không để tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới?

Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tăng so với năm 2022
Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% mà không để tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới?

Cùng mối quan tâm, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết giải pháp để đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu về kiểm soát nợ xấu và việc tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn mà không có tài sản bảo đảm. NHNN có đề xuất giải pháp gì với Quốc hội và Chính phủ hay không?

Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tăng so với năm 2022
Theo bà Hồng, năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 15%, tuy nhiên cần theo dõi diễn biến để có thể điều chỉnh tăng giảm tùy theo tình hình thực tế

Trả lời các cấu hỏi chất vấn trên, Thống đốc cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã linh hoạt hơn trong các giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng như: cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát NHNN; cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, bất động sản…). Đến cuối năm 2023, NHNN đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả các tổ chức tín dụng với chỉ tiêu định hướng khoảng 15%.

Khi Fed giảm lãi suất, thoạt đầu có vẻ áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại hối được giảm bớt, tuy nhiên giá và thị trường ngoại hối chịu rất nhiều tác động của nhiều yếu tố. Không chỉ yếu tố lãi suất của Fed, mà còn phục thuộc vào nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, cung - cầu thuận lợi, thì tỷ giá sẽ thuận lợi hơn. Trên tinh thần kiên định mục tiêu điều hành để ổn định giá trị VND, NHNN sẽ có giải pháp để làm cho VND hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ sang VND.

Theo bà Hồng, năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 15%, tuy nhiên cần theo dõi diễn biến để có thể điều chỉnh tăng giảm tùy theo tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ thường tăng cao trong 2 tháng cuối năm. Do đó, khả năng đạt được chỉ tiêu này cũng khả thi cao. Riêng về nợ xấu, nếu nguyên nhân nợ xấu là do yếu tố khách quan, thì NHNN cũng khó kiểm soát. Còn về bản thân các tổ chức tín dụng, NHNN đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ các khoản vay, đối tượng vay, thận trọng, cân đối các nguồn vốn./.