Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị báo chí thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Cần tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối nay (ngày 21/6), Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 đã diễn ra tại Hà Nội. Đến dự Lễ trao giải có Chủ tịch nước Tô Tâm; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và TP. Hà Nội; các tác giả, đại diện nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải...
|
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua. Các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh bức tranh lao động sôi động của báo giới cả nước trong năm qua, đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo Việt Nam hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch nước Tô Lâm gợi mở, báo chí cần quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Nguồn: nhandan.vn |
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", "vừa hồng, vừa chuyên"; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.
Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao. Báo chí phải đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng thông tin thuần túy, công cụ giải trí đơn thuần; không ngừng khơi dậy, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn. Cần tăng cường giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí. Theo đó, mỗi tác phẩm báo chí phải là một sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới và hấp dẫn về hình thức, hiện đại trong phương pháp thể hiện và phương thức phát hành.
Các tác phẩm báo chí phải không ngừng giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam; định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Chủ tịch nước đề nghị báo chí thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; xác định rõ mục tiêu, lộ trình, triển khai chuyển đối số mạnh mẽ và có kết quả cụ thể; tập trung đào tạo nguồn nhân lực trên các nền tảng số, nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ. Thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số.
Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII cho biết, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, nhiều tác phẩm đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Nguồn: nhandan.vn |
Báo chí phát hiện các mô hình phát triển, đề cập tới những vấn đề, điểm nghẽn của nền kinh tế như: thị trường vàng, điện, xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, tín dụng... Đồng thời, tham gia các hoạt động thông tin đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, truyền thông chính sách và tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những tấm gương điển hình tiên tiến, những nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người.
Theo ông Minh, đã có nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chân thực, bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng của xã hội. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước...
“Số lượng tác phẩm dự giải lần này đạt mức cao nhất trong những năm gần đây với hơn 1.900 tác phẩm, qua đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên cùng các cấp Hội nhà báo trong cả nước. Hội đồng Chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải Khuyến khích theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện", ông Minh cho biết.
Đặc biệt, có nhiều tác phẩm không chỉ ở các cơ quan báo chí trung ương, mà các cơ quan báo chí địa phương đã ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, thu hút và tạo ra trải nghiệm mới, hấp dẫn công chúng báo chí.../.
Bình luận