Sáng nay (ngày 31/8), theo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Xây dựng chuyên đề ''Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam'' (Tiểu ban số 1).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hệ thống pháp luật phải có tính dự báo
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp sáng nay. Ảnh Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Đảng đoàn Quốc hội, Trưởng Tiểu ban số 01 cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” phân công cho Đảng đoàn Quốc hội nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề. Cùng với đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo vào đôn đốc thực hiện Chuyên đề về Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hệ thống pháp luật phải có tính dự báo
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Quốc hội)

Dự thảo Đề cương Báo cáo chuyên đề phải hoàn thành chậm nhất là trước ngày 15/9/2021; hoàn thiện dự thảo Báo cáo chuyên đề chậm nhất là ngày 30/12/2021; tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội thông qua chuyên đề để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương chậm nhất là ngày 15/1/2022.

Tiểu ban số 01 có trách nhiệm xây dựng chuyên đề số 09 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

“Khối lượng công việc nhiều, vấn đề khó, phạm vi rộng, gắn kết giữa chiến lược xây dựng pháp luật với tổ chức thực thi pháp luật, dự báo trong thời kỳ dài đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, nên đề nghị các thành viên Tiểu ban tập trung cho ý kiến thảo luận để có thể triển khai đúng hướng...”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Theo các thành viên Tiểu ban, Đề cương Báo cáo chuyên đề cần phải được dự thảo càng chi tiết càng tốt. Đề cương cần làm rõ thực trạng về: kế hoạch chương trình xây dựng luật của Quốc hội, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, ủy quyền lập pháp; thực tiễn tổ chức thực thi gắn với năng lực bộ máy, áp dụng pháp luật của người có thẩm quyền và người dân; thực trạng kiểm tra, giám sát tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có vai trò của Quốc hội và các cơ quan thanh tra. Trên cơ sở đánh giá đó, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời xác định rõ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể trong xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Đề cương báo cáo chuyên đề mang tính chất đề án nên đề cao tính ứng dụng thực tiễn, thống nhất phạm vi nội dung của chuyên đề tập trung vào chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, có bao hàm nội dung tổ chức thi hành pháp luật, có đánh giá, kiến nghị, đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Học hỏi kinh nghiệm quốc tế về nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật, những mô hình tương tự; tính đến sự phát triển trong bối cảnh mới, yêu cầu mới; những điểm mới về nội dung, xác định trọng tâm, trung tâm, đột phá...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý khi các cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo Đề cương báo cáo chuyên đề./.