Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp cho doanh nghiệp và các đơn vị liên quan thông tin những nội dung cơ bản, cốt lõi của Hiệp định RCEP, cũng như các vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý khi thực thi Hiệp định này. Hội thảo và Cẩm nang “Tóm lược Hiệp định RCEP” nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về RCEP của VCCI.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho biết, RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp khi thực thi RCEP
RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên

RCEP là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Được ký kết vào tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (còn gọi là các FTA ASEAN+), RCEP là một FTA bao trùm gồm 20 Chương và 4 Phụ lục, với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể (như Thương mại điện tử, Mua sắm công, Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ …).

Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này. Tuy nhiên, bà Trang cũng lưu ý rằng để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ RCEP, trước hết doanh nghiệp cần hiểu về Hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này.

Thực tế, quá trình thực hiện 14 FTA đã có hiệu lực của Việt Nam cho thấy một trong những lý do mà nhiều cơ hội FTA đã bị bỏ lỡ là do các doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về các cam kết FTA. Theo một Khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.

Do đó, để thông tin đầy đủ tới cộng đồng doanh nghiệp, trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về cam kết RCEP và hướng dẫn tận dụng Hiệp định này cho các ngành, lĩnh vực cụ thể với mức độ sâu hơn, chi tiết hơn, và đầy đủ hơn để từng ngành, từng doanh nghiệp đều được chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội của FTA đầy tiềm năng này.

Đánh giá về các động dự kiến của RCEP với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại như nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng, khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP. Yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc nên việc ứng phó với các rào cản, quy định mới là không dễ. Do đó, các doanh nghiệp khó có thể tận dụng nếu không chủ động nâng cao nhận thức, thói quen tìm hiểu thị hiếu và quy định của thị trường Trung Quốc. Đặc biệt ông Dương lưu ý là nếu chỉ duy trì cách làm tiểu ngạch, thiếu gắn kết thì sẽ rất khó phát triển nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, gắn với đề xuất hỗ trợ (không trái cam kết) từ các Bộ, ngành và cơ quan địa phương. Bên cạnh đó, sẽ rất khó phát huy các ưu thế nếu doanh nghiệp không chủ động kiến nghị, tháo gỡ những bất cập chính sách bởi cơ quan nhà nước khó tự rà soát hết được).

Ông Dương đưa ra một số khuyến nghị để thực hiện hiệu quả RCEP như không tách rời với các FTA đã có, lấy CPTPP và EVFTA là tiêu chuẩn chơi định hướng. Đồng thời, cần tránh rơi vào tình trạng tiếp cận linh hoạt với FTA tiêu chuẩn cao và tiếp cận cứng nhắc với RCEP; Hài hòa bộ ba chính sách công nghiệp – chính sách đầu tư – chính sách thương mại; ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài nên dựa vào tiêu chuẩn chứ không dựa vào tên đối tác.

Tại Hội thảo, VCCI cũng công bố Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định EVFTA” - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về các cam kết quan trọng của RCEP cho doanh nghiệp.

Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định RCEP” và Cẩm nang “Tóm lược Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)” là tài liệu tóm tắt các nội dung cốt lõi của RCEP, lựa chọn trong số các cam kết có tác dụng trực tiếp nhất và dự kiến có ảnh hưởng nhiều nhất tới lợi ích của doanh nghiệp. Cẩm nang diễn giải các cam kết theo cách thức ngắn gọn, dễ hiểu, với các đánh giá ban đầu về các tác động tới doanh nghiệp, cùng các lưu ý doanh nghiệp về những vấn đề cần quan tâm nhất, các vấn đề cần chuẩn bị tập trung nhất. Đây là Ấn phẩm nằm trong chuỗi các ấn phẩm về FTA do VCCI biên soạn và phát hành.

Cùng với các ấn phẩm này, VCCI có những cuốn sổ tay hướng dẫn tận dụng CPTPP và EVFTA trong từng ngành. Bản mềm Cẩm nang “Tóm lược Hiệp định RCEP” sẽ được đăng tải miễn phí trên www.trungtamwto.vn./.