Đóng góp của hộ kinh doanh trong phát triển kinh tế - xã hội

Theo số liệu của Niên giám thống kê 2019, tính đến cuối tháng 6/2019, có khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh trên phạm vi cả nước. Khu vực này đóng góp khoảng 29% GDP, dẫn đầu về tỷ lệ đóng góp trong GDP so với tỷ lệ 20% ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 27% khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 27%, và 10% khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đẩy mạnh cải cách đăng ký, tạo thuận lợi cho hoạt động hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội.

Hộ kinh doanh góp phần quan trọng trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội. Số lao động làm việc trong khu vực kinh tế này là 9 triệu lao động với yêu cầu về trình độ lao động thấp. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng trong tình hình sức ép rất lớn về việc làm trong xã hội như hiện nay. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính những người sở hữu, quản lý và làm việc ở khu vực này, hộ kinh doanh còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn, giúp người dân tiếp cận được với các hàng hoá, dịch vụ sớm hơn, nhanh hơn với giá bình dân hơn. Hơn nữa, khu vực này còn là nơi tiếp nhận người lao động không đủ trình độ, tiêu chuẩn làm việc trong khu vực doanh nghiệp, khu vực hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ hộ kinh doanh đang hoạt động trong các làng nghề đã góp phần rất lớn vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống - một phần của văn hoá dân tộc Việt Nam.

Hộ kinh doanh là một kênh huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trong dân phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội. Khu vực kinh tế này là một trong những động lực thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Trên thực tế, hộ kinh doanh là mô hình khởi nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam nhờ vào sự đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, rút lui khỏi thị trường, ít ràng buộc về tổ chức quản lý, linh hoạt trong vận hành, phù hợp với nhiều thành phần, lứa tuổi, địa bàn, chi phí vốn thấp.

Sự cần thiết cải cách công tác đăng ký hộ kinh doanh

Mặc dù hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng đến nay một thực tế vẫn tồn tại là công tác quản lý nhà nước đối với khu vực này vẫn còn hạn chế. Trong đó, đáng chú ý thủ tục gia nhập thị trường của hộ kinh doanh hiện nay vẫn chưa có những cải cách mang tính đột phá như lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và hợp tác xã, chưa thực sự tạo thuận lợi tương xứng cho hộ kinh doanh trong gia nhập thị trường, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với khu vực này.

Cụ thể, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hiện nay chưa có sự liên thông, kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến người dân vẫn phải đi lại liên hệ với nhiều cơ quan khác nhau để thực hiện thủ tục, hồ sơ, giấy tờ có những nội dung trùng lắp; hầu như chưa có sự ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ kinh doanh, chưa hình thành cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh dẫn đến sự thiếu thống nhất trong các số liệu về khu vực này, tạo nên những khó khăn trong công tác quản lý và xây dựng các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Để hỗ trợ sự phát triển của hộ kinh doanh, một khu vực kinh tế năng động và quan trọng trong nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch và công bằng cho hộ kinh doanh, bắt đầu từ bước đầu tiên là gia nhập thị trường. Theo đó, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cần được nghiên cứu, cải thiện theo hướng minh bạch hóa, đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước và phục vụ công tác tổng hợp thông tin để xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ kinh doanh

Từ kinh nghiệm trong quá trình cải cách đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu, triển khai cải cách đăng ký kinh doanh với khu vực hộ kinh doanh theo hai nội dung chính, đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh với trọng tâm là thiết lập cơ chế liên thông giữa thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, đồng thời xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý đăng ký kinh doanh thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Theo quy định hiện nay, người thành lập hộ kinh doanh gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Sau khi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh phải đến cơ quan thuế cấp quận/huyện để đăng ký mã số thuế. Quy trình thủ tục đăng ký hộ kinh doanh hiện nay được đánh giá là khá đơn giản, tuy nhiên, có một vướng mắc cơ bản là thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế vẫn được thực hiện riêng rẽ, không có sự liên thông, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường, theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh thông qua việc tổ chức một cơ quan là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh. Qua đó, người thành lập chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính duy nhất là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện), giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời giảm tải đáng kể công việc cho cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, sử dụng một mẫu đơn hợp nhất để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế giúp loại bỏ những nội dung kê khai và giấy tờ trùng lặp hoặc không hợp lý. Đồng thời sử dụng một mã số hộ kinh doanh chung thống nhất để quản lý về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh sẽ được cấp duy nhất một lần khi hộ kinh doanh đăng ký thành lập và được duy trì cho đến khi chấm dứt hoạt động. Cùng với đó, hợp nhất Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế thành Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh.

Nhằm hiện đại hóa công tác đăng ký hộ kinh doanh, theo khuyến nghị của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cần xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tập trung đăng ký hộ kinh doanh trên phạm vi cả nước. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ vào việc xử lý các giao dịch giữa cơ quan nhà nước với người thành lập hộ kinh doanh, quản lý tập trung các thông tin đăng ký của hộ kinh doanh, cũng như trao đổi và phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước khác sẽ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức và tiền bạc cho người dân và nâng cao năng suất lao động cho cơ quan hành chính nhà nước./.