Luật Đấu thầu góp phần tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong lựa chọn nhà thầu

“Về sửa đổi các quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin có tính chất đặc thù, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng nay (ngày 10/6).

Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu thêm để triển khai nhanh hơn các nhiệm vụ của Đề án 06
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Nguồn VGP

Cũng theo Thứ trưởng, Luật này đã quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu, góp phần tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, trong đó có việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cụ thể, Điều 22 của Luật đã cho phép đấu thầu hạn chế đối với gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật và tính chất đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu. Điều 23 của Luật Đấu thầu cho phép áp dụng các hình thức chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện trên thị trường do yêu cầu về các giải pháp công nghệ.

Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu thêm để triển khai nhanh hơn các nhiệm vụ của Đề án 06
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã cơ bản giải quyết được những điểm nghẽn của Đề án 06. Nguồn: VGP

Ngoài ra, còn có quy định về ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất có xuất xứ Việt Nam, trong đó có các sản phẩm công nghệ thông tin và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin được quy định trên nguyên tắc khuyến khích hỗ trợ các sản phẩm trong nước và sản phẩm có tính chất đổi mới sáng tạo giúp cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch trên cơ sở Luật Đấu thầu.

“Bộ cũng tham mưu cho cho Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, qua đó đã tháo gỡ một số điểm nghẽn của Đề án 06: Thứ nhất là đã bổ sung đối tượng được ưu đãi dịch vụ công nghệ thông tin; cách xác định hàng hóa có xuất sứ Việt Nam đối với các sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin. Thứ hai là quy định một trong những căn cứ xác định giá gói thầu và dự toán nếu pháp luật chuyên ngành có quy định về việc lập dự toán và có hướng dẫn về định mức và đơn giá. Tiếp theo đó, Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tư này đã cơ bản giải quyết được những điểm nghẽn của Đề án 06, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành căn cứ để triển khai các nhiệm vụ được giao.”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền về bố trí nguồn lực cho Bộ Công an triển khai Đề án 06

Liên quan đến việc bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 và chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, như báo cáo của Bộ Công an, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách Trung ương bố trí cho ngành công nghệ thông tin là 12.077,776 tỷ đồng; ngoài ra, tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bố trí 4.421 tỷ đồng cho 19 dự án chuyển đổi số của 8 bộ, cơ quan Trung ương. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực để triển khai thực hiện.

Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và triển khai các quy định mới về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù đối với thương mại điện tử cũng như là các mô hình kinh doanh trên nền tảng số; đồng thời sẽ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về phân ngành kinh doanh để quy định cụ thể các ngành, lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ để đảm bảo tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Về bố trí nguồn lực cho Bộ Công an triển khai Đề án 06, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho 3 dự án của Bộ Công an. 3 dự án này cũng đã được giao kế hoạch năm 2024 đối với các bộ, ngành và địa phương khác.

“Chúng tôi cũng đã gửi Công văn số 3141 ngày 25/4/2024 hướng dẫn trên tinh thần là các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án chưa triển khai thực hiện đã giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, thì bố trí cho các nhiệm vụ của Đề án 06. Các địa phương báo cáo với hội đồng nhân dân ưu tiên bố trí các nhiệm vụ phát sinh mà chưa được bố trí trong trung hạn. Chúng tôi cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu thêm để triển khai nhanh hơn các nhiệm vụ của Đề án 06. Có thể tham mưu theo Công văn số 4193, ngày 22/4/2024 của Bộ Tài chính, có thể ưu tiên thuê các dịch vụ công nghệ thông tin hoặc góp vốn để có thể thực hiện theo hình thức PPP trong lĩnh vực này...”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ./.