Đi tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế thể thao Việt Nam
Quảng cáo mang lại rất nhiều doanh thu cho thể dục thể thao

Thế giới đã hình thành ngành công nghiệp thể thao (Sport industry)

Kinh tế thể thao là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, là một lĩnh vực kinh doanh giống như mọi ngành kinh doanh trên thị trường; cung cấp hàng hóa, dịch vụ thể dục thể thao (TDTT) cho nhu cầu xã hội để thu hoặc không thu lợi nhuận.

Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế thể thao hiện hữu với tư cách là một ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp thể thao (Sport industry).

Kinh tế thể thao theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT (tập luyện, thi đấu...) cũng như gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như: Sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, truyền thông, marketing, cá cược, chứng khoán...). Theo nghĩa hẹp, kinh tế thể thao chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT.

Nền tảng cơ bản của thể thao chuyên nghiệp là môi trường hoạt động, được hình thành và phát triển dưới ảnh hưởng của môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa và sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, người hâm mộ.

Thông qua môi trường những giải đấu chuyên nghiệp, sản phẩm hàng hóa của các chủ doanh nghiệp (các câu lạc bộ) chính là chất lượng các trận đấu, các sản phẩm dịch vụ cung cấp ra thị trường cho người hâm mộ thưởng thức. Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp chỉ có thể thu được lợi nhuận và tồn tại, phát triển được nếu tham gia thi đấu trong hệ thống thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Dịch vụ thi đấu thể thao là loại dịch vụ tổng hợp đặc biệt, vì nó bao gồm nhiều loại dịch vụ thu lợi nhuận ngày càng lớn liên quan đến nhiều quốc gia: Dịch vụ lao động (chuyển nhượng cầu thủ), dịch vụ du lịch, quảng cáo, truyền thanh, truyền hình, chứng khoán...

Nghiên cứu về kinh tế thể thao ở các nước có nền thể thao tiên tiến cho thấy, kinh tế thể thao mang lại 4 nhóm lợi ích cơ bản cho nền kinh tế (GDP) của họ: Giảm tổn thất kinh tế liên quan tới các vấn đề an sinh xã hội; kéo dài tuổi thọ người dân bằng các yếu tố sức khỏe ảnh hưởng đến sự gia tăng khả năng lao động của con người; giúp chuẩn bị nguồn lực lao động, bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức... hoạt động thể thao đã là một ngành, một lĩnh vực kinh doanh (công nghiệp thể thao) đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều triệu lao động, cũng như doanh thu, lợi nhuận cao hơn so với nhiều ngành kinh tế khác.

Cụ thể, ở Mỹ, kinh tế thể thao chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP, đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu của nước Mỹ. Quy mô tổng thị trường đạt 400-435 tỷ USD mỗi năm, gấp hai lần ngành công nghệ ô tô và 7 lần ngành điện ảnh.

Còn ở Trung Quốc, nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới; ngay từ năm 2011, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp thể thao Trung Quốc vượt mức 300 tỷ NDT, chiếm 1,2% GDP.

Còn tại Anh, tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh thể thao đã vượt tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế Anh trong hai thập niên gần đây, thường xuyên đóng góp cho ngân sách quốc gia gần 20 tỷ bảng/năm.

Hiện nay, kinh doanh TDTT đã tích hợp vào các lĩnh vực kinh doanh khác như dịch vụ truyền thông, marketing. Hoạt động TDTT gắn với các loại hình du lịch, như: Nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm. Kinh doanh thể thao kết hợp với các loại hoạt động kinh doanh khác để tìm kiếm những cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, bán bản quyền truyền thông, truyền hình, quảng cáo...

Đi tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế thể thao Việt Nam
Thể thao điện tử ngày càng có chỗ đứng tại Việt Nam. Ảnh: Hội thể thao điện tử giải trí Việt

Những bước chuyển ban đầu của kinh tế thể thao tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trong rất nhiều năm, TDTT đang được xem như là một lĩnh vực hoạt động xã hội mang tính phi kinh tế, phi kinh doanh.

Hiện nay, Việt Nam nằm trong khu vực có mức độ tăng trưởng nóng, từ đó tác động tới thị trường Việt Nam. Thực tế trong những năm qua, hoạt động kinh tế thể thao và thị trường kinh tế thể thao ở nước ta ở quy mô rất nhỏ.

Kinh tế thể thao ở Việt Nam còn có dư địa phát triển nhưng chưa khai thác hết như: Thị trường bán vé và thu từ các dịch vụ tổ chức TDTT; thị trường bản quyền truyền hình thể thao. Ngoài ra, còn có thị trường quảng cáo tài trợ và thị trường dịch vụ (trong đó có cá cược thể thao).

Đến nay, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, với doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng 80% hàng hóa chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Phân khúc trang phục thể thao là một thị trường tiềm năng của ngành dệt may, với 20% dung lượng thị trường hàng may mặc trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu trang phục thể thao chiếm khoảng 12 - 15% và có khả năng sẽ phát triển nhanh trong tương lai. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chuyên sản xuất trang phục thể thao vẫn chưa nhiều và chủ yếu đang hướng ra thị trường xuất khẩu.

Riêng lĩnh vực da giày, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu mặt hàng này, một năm Việt Nam sản xuất hơn 1 tỷ đôi giày các loại, doanh thu xuất khẩu hơn 16 tỷ USD năm 2018.

Đi tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế thể thao Việt Nam
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt chỉ rõ: “Hoạt động TDTT không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện và mang lại những ý nghĩa xã hội khác, mà còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP...".

Để thể thao trở thành một ngành kinh tế thực thụ mang lại lợi ích, giá trị cao

Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến, lần đầu tiên đề cập đến kinh tế thể thao.

Cụ thể, tại Điều 9 của Dự thảo quy định về “Phát triển kinh tế thể thao” nêu rõ yêu cầu, rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực TDTT; tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực TDTT.

Dự thảo cũng đưa ra đề xuất, các bộ, ngành, địa phương phối hợp xây dựng khung pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất trang thiết bị, hàng hóa thể thao trong nước; có chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa, thiết bị thể thao nội địa để kích thích sản xuất trong nước. Rà soát, kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong một số loại hình TDTT.

Cùng với đó là phát triển mạnh các loại hình dịch vụ thể thao; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực TDTT làm cơ sở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ TDTT, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đặc biệt, Dự thảo cũng đưa ra yêu cầu xây dựng khung pháp lý, triển khai thí điểm hoạt động đặt cược thể thao, xổ số thể thao, tạo nguồn thu phát triển TDTT.

“Thí điểm và tiến tới mở rộng cơ chế chuyển giao công trình thể thao do Nhà nước xây dựng cho các hội thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, doanh nghiệp đầu tư khai thác theo quy định pháp luật”, Dự thảo nêu.

Để ngành kinh tế thể thao phát triển, ngày 26/11/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục Thể thao và Công ty WLS phối hợp tổ chức Diễn đàn Thể thao Việt Nam (Vietnam Sports Forum - VSF) lần thứ nhất năm 2022 với Hội thảo quốc tế về "Chuyên nghiệp hoá kinh doanh và tiếp thị thể thao". Sự kiện nhằm đưa thể thao trở thành một ngành kinh tế thực thụ mang lại lợi ích, giá trị cao cho các doanh nghiệp, vận động viên thể thao chuyên nghiệp và ngành thể thao Việt Nam nói chung, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ trở thành một sự kiện thường niên.

Tại Diễn đàn này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt chỉ rõ: “Hoạt động TDTT không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện và mang lại những ý nghĩa xã hội khác, mà còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP. Hiện nay, TDTT ở nhiều quốc gia là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, được ví như ngành công nghiệp thể thao".

Tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực thể thao đã được xã hội hoá và được các doanh nghiệp đầu tư không nhỏ. Những tài trợ và quảng cáo trong thể thao cũng không nhỏ, nhưng vẫn cần phải có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh chuyên nghiệp hoá cùng những bài toán kinh tế.

"Trong thời đại 4.0, thể thao Việt Nam cũng gắn liền với chuyển đổi số nhằm nâng cao thành tích thể thao và thu hút khán giả", ông Việt nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Xuân Cường – Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam, cho biết, thể thao điện tử tuy ra đời muộn nhất, nhưng đang sớm khẳng định vị thế trong tổng thể chung của thể thao trong nước và quốc tế. Với Việt Nam, thể thao điện tử đã nhập cuộc gần như cùng lúc với các nước và ưu điểm là luôn đo đếm được một cách tự động về số lượng người chơi cũng như khán giả theo dõi.

Đi tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế thể thao Việt Nam
Giao lưu về kinh tế thể thao tại Diễn đàn

Cũng theo ông Cường, thể thao điện tử có mối quan hệ mật thiết với thể thao truyền thông theo ánh xạ 1-1. Thời gian qua, vì dịch Covid-19, nhiều môn thể thao như: Đua xe đạp, đua ô tô công thức 1 đã không tổ chức được và thay vào đó là các vận động viên chuyển sang thi đấu trên môi trường số.

Ông Cường cũng khẳng định thêm, kinh tế thể thao gắn liền với chuyển đổi số, vì mọi lĩnh vực thể thao ngoài việc phải phân tích, tổng hợp số liệu nhằm nâng cao thành tích, còn phải truyền thông và tiếp thị qua môi trường số.

Chuyển đổi số trong thể thao tạo ra cơ hội tăng trưởng, phát triển tăng tốc, rút ngắn khoảng cách đối với một số quốc gia đang phát triển thông qua việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của kỷ nguyên kỹ thuật số, sự ưu việt của các mô hình truyền thông tích hợp, đặc biệt là vai trò của phát sóng trực tiếp "live streaming" và các nền tảng mạng xã hội.

Việc đưa vào ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Công nghệ thực tế ảo, các công nghệ mô phỏng đã và đang tiệm cận khả năng ánh xạ 1-1 các môn thể thao truyền thống lên môi trường kĩ thuật số, như: Bộ môn Bóng đá điện tử, hay Đua xe mô phỏng. Điều này giúp các môn thể thao truyền thống nhanh chóng mở rộng và tiếp cận khán giả trẻ, qua đó gia tăng giá trị thương mại, cũng như các hình thức khai thác thương mại phù hợp với nhu cầu khán giả trẻ trong tương lai.

Bên cạnh đó, với những phương thức của thể thao số, khoảng cách của các quốc gia đang phát triển với các quốc gia phát triển sẽ nhanh chóng được thu hẹp nhờ khả năng dễ tiếp cận và độ phổ biến của môi trường kĩ thuật số.

"Chuyển đổi số trong thể thao không chỉ là quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào các môn thi đấu, mà còn là quá trình chuyển đổi về "môi trường tương tác" từ truyền thống lên môi trường số. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển các hoạt động nghiệp vụ và thương mại diễn ra sôi động và đa dạng hơn. Đây chính là các yếu tố giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về quy mô, doanh thu và lợi nhuận của ngành thể thao, tạo đà cho những đóng góp thiết thực vào tổng thể phát triển nền kinh tế quốc gia. Nói cách khác, chuyển đổi số trong thể thao tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế thể thao, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế", ông Nguyễn Xuân Cường phân tích.

Cũng tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định, thể thao Việt Nam phải trở thành một lĩnh vực kinh tế một cách toàn diện với nhiều yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là chúng ta còn đang rất thiếu đội ngũ nhân lực về kinh tế thể thao. Điều này cần được khắc phục trong tương lai.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Công ty WLS Corporation đã ký kết 6 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác quốc tế, nhằm mục đích xúc tiến tổ chức các sự kiện thể thao đẳng cấp thế giới tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, lễ ký kết mở màn với thông báo hợp tác giữa WLS và tổ chức GKA liên quan đến các hoạt động thể thao lướt ván dù. Ông Lê Quốc Vinh, đại diện WLS và ông Julien Bastien, Giám đốc Marketing – Kinh doanh quốc tế của Powerboat P1 Management Ltd cùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác, nhằm tổ chức giải đua “Powerboat P1”, cuộc thi xuồng máy tốc độ cao và mô tô nước đẳng cấp thế giới.

Các biên bản hợp tác khác được ký kết tại sự kiện là: Hợp tác WLS - Xventure SRL liên quan đến giải đua mô tô địa hình enduro thường niên FIM Hard Enduro World Championship; hợp tác WLS - Gladiatrix, LLC về giải đấu thể thao bán chuyên nghiệp PFC Pillow Fight Championship, các cuộc đấu gối công khai; hợp tác WLS - XIEM SA về việc tìm kiếm cơ hội đưa giải đua Supermoto hàng đầu thế giới FIM Supermoto World Championship về Việt Nam.

Đặc biệt, Học viện thể thao Romania cũng đồng ý hợp tác hỗ trợ huấn luyện vận động viên Việt Nam ở hai môn đấu kiếm và thể dục dụng cụ, vốn là thế mạnh tạo nên thương hiệu của quốc gia này./.