Từ khóa: logistics, dịch vụ logistics, thị trường logistics

Summary

The global logistics market in general and Vietnam’s logistics market in particular are growing significantly. Vietnam's logistics market belongs to the group of emerging logistics markets and needs to follow world trends for sustainable development. Based on assessing the trends of the global logistics market and analyzing the current situation of Vietnam’s logistics market based on the key trends in world logistics market, the article proposes some solutions in the near future.

Keywords: logistics, logistics service, logistics market

GIỚI THIỆU

Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Thị trường logistics toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ theo hướng số hóa và tự động hóa, ứng dụng các phần mềm quản lý tích hợp dựa trên điện toán đám mây, sử dụng dịch vụ logistics bên thứ ba... Thị trường logistics Việt Nam cũng đang tăng trưởng ấn tượng và hiện thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường logistics Việt Nam cần hướng theo các xu hướng phát triển của thị trường logistics thế giới, đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và bền vững.

XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG LOGISTICS THẾ GIỚI

Sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử (TMĐT), sự yêu thích mua hàng trực tuyến và việc cải thiện khả năng kết nối mạng tốc độ cao dẫn đến gia tăng nhu cầu về các dịch vụ logistics hiệu quả. Quy mô thị trường logistics toàn cầu đạt 7,98 nghìn tỷ USD vào năm 2022, dự báo ​​sẽ đạt giá trị khoảng 18,23 nghìn tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đáng chú ý là 10,7% từ năm 2023 đến năm 2030 (Precedence Research, 2023). Một số xu hướng phát triển của thị trường logistics thời gian tới:

Tăng cường số hóa và tự động hóa

Ngành logistics đang thay đổi đáng kể theo hướng số hóa và tự động hóa. Công nghệ trong lĩnh vực logistics không chỉ dừng lại với “track & trace” (kiểm soát và theo dõi), mà nhiều doanh nghiệp (DN) còn đang tìm cách hiển thị cả chuỗi cung ứng của mình. Theo khảo sát của Alloy Techonologies, 92% giám đốc điều hành DN logistics cho rằng, khả năng quản trị chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để thành công; tuy nhiên, chỉ có 27% trong số đó tìm ra cách chuyển đổi số thành công cho DN của mình. Điều này cho thấy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành logistics, nhưng không phải tất cả các DN đều có khả năng chuyển đổi số thành công (Bộ Công Thương, 2022).

Các DN logistics ngày càng chú trọng áp dụng các công nghệ, như: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine learning), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Thực tế tăng cường (AR) và Robots để tối ưu hóa các hoạt động logistics, gia tăng tự động hóa kho bãi, cung cấp thông tin chuyên sâu, dự báo nhu cầu, quản lý hoạt động theo thời gian thực…, từ đó giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Trong hai thập kỷ qua, các công ty nghiên cứu sáng tạo trong lĩnh vực logistics đã nỗ lực tích hợp trí tuệ nhân tạo và học máy, cảm biến với thời gian phản ứng... Một lượng lớn các khoản đầu tư đã được thực hiện trong lĩnh vực này, như Google đầu tư 500 triệu USD vào hậu cần tự động của JD, Alibaba đã đầu tư 15 tỷ USD vào hạ tầng hậu cần robots (Precedence Research, 2022).

Công nghệ chuỗi khối được các DN logistics quan tâm đầu tư ứng dụng, do công nghệ này cho phép ghi lại các giao dịch một cách an toàn và lâu dài, kiểm tra và điều phối các giao dịch trong chuỗi cung ứng, nâng cao độ tin cậy của dữ liệu được chia sẻ, số hóa các hợp đồng và giấy tờ cần thiết, nhờ đó loại bỏ các bên trung gian kiểm tra hồ sơ giấy tờ, giảm chi phí logistics (Precedence Research, 2022).

Theo báo cáo thường niên của MHI năm 2023, trong vòng 5 năm tới, xu hướng công nghệ được ưu tiên ứng dụng trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm: Tối ưu hóa hàng tồn kho và mạng lưới, Điện toán đám mây và lưu trữ, Cảm biến và nhận dạng tự động, Phân tích nâng cao, Công nghệ không dây và di động, Robots và tự động hóa, In 3D, Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Blockchain, Xe không người lái và máy bay không người lái (MHI và Deloitte, 2022).

Phát triển của các phần mềm quản lý logistics tích hợp và quản lý kho dựa trên điện toán đám mây

Phần mềm dựa trên điện toán đám mây có chức năng liên kết và chia sẻ dữ liệu, theo dõi và cập nhật giá cả cũng như hàng tồn kho, kiểm soát toàn bộ hệ thống và quy trình chính xác theo thời gian thực. Nó có khả năng theo dõi một lô hàng tại bất kỳ thời điểm nào trong hành trình của nó, từ đó hạn chế thất lạc hàng hóa và giao hàng chậm trễ. Các DN đầu tư ứng dụng phần mềm này đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong quản lý quy trình hoạt động của họ. Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng việc áp dụng công nghệ đám mây sẽ thay đổi hoạt động logistics.

Sự tăng trưởng của dịch vụ logistics bên thứ hai và bên thứ ba

Dịch vụ logistics bên thứ hai (2PL) phát triển nhanh nhất vào năm 2022. Chúng chủ yếu được sử dụng để vận chuyển quốc tế hàng hóa bán buôn, có khối lượng lớn từ khu vực vận chuyển chuỗi cung ứng này sang chuỗi cung ứng khác bằng đường sắt, đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không. Bằng cách sử dụng bên thứ hai, các DN có thể tiết kiệm chi phí thuê thêm nhân viên và không phải đầu tư phương tiện vận chuyển để tập trung nguồn lực vào các khía cạnh khác như tăng trưởng.

Dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) chiếm lĩnh thị trường vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong giai đoạn 2023-2030. Các DN 3PL cung cấp nhiều hoạt động của chuỗi cung ứng một cách chuyên nghiệp, giúp quản lý thời gian giao hàng một cách hiệu quả, giảm chi phí phân phối và kho bãi nên có tác động tích cực đến tăng trưởng thị trường. Nhu cầu thuê ngoài các dịch vụ logistics ngày càng tăng trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Xu hướng phát triển vận chuyển đường bộ và đường thủy

Kết nối đường bộ hiện rất tốt ở tất cả các quốc gia phát triển và được cải thiện ở các quốc gia đang phát triển. Xu hướng mở rộng hệ thống giao thông đường bộ và đường cao tốc được dự đoán sẽ duy trì trong những năm tới cho phép các DN logistics ngày càng thuận lợi trong việc vận chuyển và giao nhận sản phẩm. Vận tải đường thủy là phân khúc phát triển nhanh nhất trong năm 2022 với đặc điểm ít tốn kém và có lợi trong thương mại quốc tế để vận chuyển hàng hóa nặng trên một khoảng cách dài. Các công nghệ cảm biến ngày càng được các DN vận tải đường thủy sử dụng để giám sát tàu ở các địa điểm xa, cung cấp dữ liệu lộ trình vận chuyển hàng hóa… Do đó, nhu cầu vận chuyển đường thủy ngày càng tăng (Precedence Research, 2023).

THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM

Tổng quan về thị trường logistics Việt Nam

Các yếu tố như ngành TMĐT phát triển cùng với sự gia tăng trong giao hàng B2C và tốc độ phát triển nhanh chóng của các dịch vụ thương mại quốc tế đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường logistics Việt Nam. Doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD (Lan Nguyễn, 2023). Google dự báo quy mô thị trường TMĐT Việt Nam lên tới 57 tỷ USD (CAGR là 51,5%) vào năm 2025 (PT, 2022). Năm 2022, doanh thu bưu chính Việt Nam tăng 17,43% so với năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2022). Bộ Công thương (2022) dẫn dự báo của Allied Market Research cho biết, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường dịch vụ bưu chính Việt Nam từ năm 2022 đến năm 2030 là 24,1%.

Theo bảng xếp hạng của Agility năm 2023, Việt Nam thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam đứng thứ 16; về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam đứng vị trí thứ 4; về điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, Việt Nam được đánh giá lần lượt ở vị trí 19 và 15 của bảng xếp hạng (Thu Duyên, 2023).

Theo Chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của World Bank năm 2023, Việt Nam xếp thứ 50/160 nước, giảm 11 bậc so với 2018. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 39/160 nước (tăng 25 bậc so với 2016), xếp thứ 3 trong các nước ASEAN.

Các số liệu trên cho thấy thị trường logistics Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi, có cơ hội tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, chỉ số LPI qua các đợt đánh giá của WB cho thấy, để tăng được thứ hạng năng lực hoạt động logistics so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần xây dựng và triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và bền vững.

Thực trạng thị trường logistics Việt Nam xét theo các xu hướng chính của thị trường logistics thế giới

Về công tác tăng cường số hóa và tự động hóa. Hiện có khoảng 46% DN đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của mỗi DN; trong đó nổi bật là dịch vụ khai báo hải quan (gần như 100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển, quản lý kho bãi... Các DN logistics đã phần nào nhận thức, đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, họ gặp phải không ít khó khăn trong việc kết nối hệ thống, thiếu thông tin và cơ sở hạ tầng công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, khó khăn về chi phí đầu tư... Khoảng hơn 90% DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động của DN (Bộ Công Thương, 2022).

Việt Nam hiện có các nhà cung cấp giải pháp, phần mềm trong lĩnh vực logistics, như: Phaata.com, SmartLog, Logivan, Abivin, NetLoading… Một số giải pháp có thể kể đến là: Hệ thống quản lý vận tải, quản lý đơn hàng (TMS/OMS); Hệ thống chia chọn/thực hiện đơn hàng (Sorting/Fulfillment); Hệ thống quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS), quản lý chuyển phát; Hệ thống quản lý kho hàng (WMS); Ứng dụng Gọi xe tải - Xe container - Hàng ghép; Hệ thống tích hợp với các sàn TMĐT, sàn giao dịch vận tải… Hạn chế chính của các giải pháp này là giải quyết các vấn đề đơn lẻ, chưa kết nối được thành một nền tảng số cho ngành dịch vụ logistics quốc gia.

Hầu hết các DN logictics bên thứ ba của Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Do đó, việc áp dụng số hóa trong quản lý và tự động hóa trong vận hành còn chưa được các DN chú trọng. Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống cung ứng dịch vụ logistics hiện đại kết hợp tự động hóa là rất lớn để đáp ứng với sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành TMĐT tại Việt Nam.

Về sử dụng hạ tầng giao thông tại Việt Nam: trong năm 2022, đường bộ là phương thức vận tải phổ biến nhất với khối lượng hàng hóa vận chuyển chiếm 79,84% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển, tiếp đến là đường thủy nội địa với 15,33%, còn tỷ trọng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường sắt và đường hàng không vẫn ở các mức rất thấp. Vận tải đường thủy nội địa và đường biển là các phân khúc tăng trưởng cao trong năm 2022 với tốc độ là 124,9% và 127,7% so với năm 2021, tiếp đến là đường bộ với tốc độ 120,9%, còn đường sắt và đường hàng không không thay đổi đáng kể so với năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2022).

Về nhân lực logistics: Theo Bộ Công Thương (2022), số lao động được đào tạo bài bản về logistics chỉ chiếm khoảng 5%-7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này; khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực, với yêu cầu về trình độ chuyên môn và kỹ năng logistics ngày càng cao. Nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định giúp DN logistics Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế.

CÁC HOẠT ĐỘNG THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM

Các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của thị trường logistics Việt Nam theo các xu hướng phát triển của thị trường logistics thế giới có thể kể đến là:

Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

Chính phủ xem xét sửa đổi một số quy định về dịch vụ logistics tại Luật Thương mại, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics; sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới; nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...

Chính phủ hỗ trợ hình thành những tập đoàn mạnh về logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường; rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do, từ đó hỗ trợ DN nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics...

Các DN logistics cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của TMĐT, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm, ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành, phát triển logistics xanh bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về logistics, đồng thời hỗ trợ DN chuyển đổi số

Ngày 03/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các Bộ như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã và đang tích cực chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực dịch vụ logistics nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.

Ngày 07/01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm hướng tới chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của DN; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho DN.

Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn đàn Techfest, với sự tham gia của nhiều DN, trong đó có các DN logistics. Mô hình Metaverse Village - Techfest Vietnam 2022 được hình thành và định hướng trở thành một cổng kết nối quốc gia cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia, tập đoàn, quỹ đầu tư… nhằm hỗ trợ các DN khởi nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và góp phần chuyển đổi số cho các DN. Làng Công nghệ Logistics (Logistech Village) được phát triển bởi sự hợp tác của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Tiếp vận Sao Vàng với VALOMA và VLA.

Thứ ba, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông

Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể là: Quy hoạch mạng lưới đường bộ (Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 01/9/2021); Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển (Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021); Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (Quyết định số 1829/QĐ-TTg, ngày 31/10/2021); Quy hoạch mạng lưới đường sắt (Quyết định số 1769/QĐ-TTg, ngày 19/10/2021); Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không và sân bay toàn quốc (Quyết định số 648/QĐ-TTg, ngày 07/6/2023). Theo đó, các mục tiêu cần đạt được:

(1) Đảm bảo mạng lưới đường bộ kết nối thuận lợi các trung tâm kinh tế, cảng biển, cửa khẩu...; hệ thống quốc lộ được phân bổ theo các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm…

(2) Phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và loại I; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt…

(3) Cải tạo nâng cấp các tuyến thủy nội địa chính; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng…

(4) Cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

(5) Phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn…

Thứ tư, phát triển nhân lực logistics

Để xây dựng nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các DN logistics và trường đại học, trường dạy nghề… Trong bối cảnh mới, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics./.

TS. Lê Thị Ngọc Diệp

Khoa Quản trị Kinh doanh 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 29, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2022), Báo cáo logistics Việt Nam 2022 – Logistics xanh, Nxb Công thương.

2. MHI & Deloitte (October 13, 2022), 2023 MHI Annual Industry Report – The Responsible Supply Chain: Transparency, Sustainability, and The Case for Business.

3. Lan Nguyễn (2023), Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/doanh-thu-thuong-mai-dien-tu-ban-le-tai-viet-nam-nam-2022-dat-16-4-ty-usd-43954.html.

4. Precedence Research (February, 2023), Logistics Market (By Transportation Type: Airways, Waterways, Railways, Roadways; By Logistics Type: First Party, Second Party, Third Party; By End User: Industrial and Manufacturing, Retail, Healthcare, Oil & Gas) - Global Industry Analysis, Size, Share, Growth, Trends, Regional Outlook, and Forecast 2023-2030.

5. Precedence Research (December, 2022), Contract Logistics Market (By Type: Insourcing, Outsourcing; By Service: Warehousing, Transportation, Aftermarket Logistics, Distribution, Others; By Industrial Vertical: E-Commerce, Retail, Manufacturing, Others) - Global Industry Analysis, Size, Share, Growth, Trends, Regional Outlook, and Forecast 2023-2032.

6. Thu Duyên (2023), Tăng 1 bậc xếp hạng chỉ số Agility nhưng doanh nghiệp logistics Việt vẫn lép vế, truy cập từ https://diendandoanhnghiep.vn/tang-1-bac-xep-hang-chi-so-agility-nhung-doanh-nghiep-logistics-viet-van-lep-ve-244388.html.

7. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám Thống kê Việt Nam 2022, Nxb Thống kê.

8. PT (2022), Quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể lên đến 57 tỷ USD năm 2025, truy cập từ https://baochinhphu.vn/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-co-the-len-den-57-ty-usd-nam-2025-102221031220123412.htm.