Ngày 18/12, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024. Diễn đàn được tổ chức để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu trực tiếp để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… Từ đó, giúp các cơ quan chức năng để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Doanh nghiệp là trung tâm hiện thức hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực, chịu khó của bà con nông dân sẽ đưa ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, không những đáp ứng nhu cầu trong nước và còn vươn rộng, vươn xa ra trường quốc tế.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Chống và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường là xu thế hành động chung của toàn cầu, nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, các ngân hàng dẫn dắt như VietinBank đã luôn chủ động, tích cực đáp ứng vốn phát triển nông nghiệp, thiết kế rất nhiều sản phẩm đặc thù dành cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. VietinBank tập trung tiếp cận các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay từ giai đoạn nghiên cứu, từ đó thúc đẩy cho vay đối với các dự án này. Các ngân hàng đã chủ động xây dựng các chính sách, sản phẩm để tạo cơ chế linh hoạt trong tài trợ phát triển bền vững trong các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, quản lý nước bền vững, nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, xử lý chất thải và chống ô nhiễm.

Doanh nghiệp là trung tâm hiện thức hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Triển lãm sản phẩm và dịch vụ tại Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ câu chuyện phát triển của đơn vị mình: giá thành sản xuất tôm Việt Nam còn rất cao so với các nước xuất khẩu tôm mạnh. Nhưng Việt Nam lại có thế mạnh trong sản xuất tôm theo sinh thái. Tập đoàn rất mong muốn được liên kết hợp tác để cùng nông dân làm giàu với hai mô hình: lúa thơm tôm sạch và tôm rừng mangrove-carbon zero (cây đước). Nhưng để mô hình phát triển và bền vững, thì cần sự liên kết, để cùng làm giàu. Nhiều hộ cùng hợp tác để thành các tổ hợp tác, tạo thành vùng trồng lúa nuôi tôm từ 7-10 ha. Các nhà mua tôm của thế giới đều đã yêu cầu bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận hữu cơ, sinh thái. Việc liên kết như vậy mới đủ "sức" làm chứng nhận, tăng năng suất, chất lượng đồng đều, giảm chi phí, giá thành sản xuất…

Minh Phú không chỉ nổi tiếng là nhà sản xuất cung ứng tôm giống, mà luôn mong muốn chung tay cùng nông dân xây dựng mô hình tạo ra sản phẩm, tạo ra lợi nhuận về xanh, sạch, bảo vệ môi trường, ông Lê Văn Quang cho biết.

Doanh nghiệp là trung tâm hiện thức hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn đưa ra các giải pháp liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân. Đây là chìa khóa quan trọng để kiện toàn hóa chuỗi cung ứng theo hướng bền vững cho nông sản. Đảm bảo được canh tác sạch hơn, bền vững hơn. Lợi ích không chỉ dành cho doanh nghiệp, mà còn lan tỏa cả tới bà con nông dân và cộng đồng địa phương.

Năm 2024, ngành nông nghiệp có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là thiệt hại của bão số 3. Với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đặc biệt là xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục; trong đó xuất khẩu ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% và xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm trước.

Doanh nghiệp là trung tâm hiện thức hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Ban chủ trì và các diễn giả khách mời Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024

Hơn bao giờ hết đây là giai đoạn chúng ta cùng quyết liệt ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy nghiên cứu, truyền thông chính sách quốc gia, tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng, tất cả cùng chung tay để tạo nên một Việt Nam hội nhập, như mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc; kỷ nguyên mới được bắt đầu từ tầm nhìn mới, từ tư duy mới, từ nhận thức mới; điều đó được kiến tạo trước hết là từ nông nghiệp, vì nông nghiệp”.

Doanh nghiệp là trung tâm hiện thức hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan triển lãm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày 12/10/2024 - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư khẳng định: “Tôi tin là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ luôn chủ động về tâm, thế và lực để làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia, để từ đó có những đổi thay căn bản và toàn diện về thể chế và tổ chức, về khoa học và công nghệ, về giáo dục và đào tạo, về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, đủ sức tạo ra những đột phá về chất và lượng, tạo ra các động lực và nguồn lực mới, đưa nông nghiệp nước ta vươn lên những tầm cao mới, mang tính thời đại và cách mạng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường toàn cầu, mang lại cho bà con nông dân cuộc sống ngày thêm ấm no hơn, giàu có hơn, nông thôn Việt Nam ngày thêm văn minh, giàu đẹp và thịnh vượng hơn”./.